Nguồn tin: Báo Kon Tum, 14/09/2024
Ngày cập nhật:
16/9/2024
Nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, thành phố Kon Tum đang triển khai nhiều biện pháp tích cực trong công tác quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm để bảo vệ môi trường sống cho người dân.
Theo báo cáo của thành phố Kon Tum, qua khảo sát thực tế 36 cơ sở, hộ chăn nuôi trên địa bàn 9 xã, phường cho thấy, về cơ bản các cơ sở, hộ chăn nuôi có ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Đa số các cơ sở, hộ chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Các cơ sở, hộ chăn nuôi heo đã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải như xây dựng hầm Biogas, đào hố chứa chất thải, nước thải, chất thải chăn nuôi được thu gom và xử lý thường xuyên và được người dân tận dụng để ủ thành phân bón hữu cơ, sử dụng cho trồng trọt, góp phần hạn chế gây ảnh hưởng đến môi trường.
Một cơ sở chăn nuôi ở xã Ia Chim thực hiện bài bản vệ sinh môi trường. Ảnh: PN
Tuy nhiên, cũng qua kiểm tra thực tế tại các cơ sở, trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố cho thấy, nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi chưa thực hiện các thủ tục bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (như đăng ký cấp phép môi trường, đăng ký môi trường). Ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của một số cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi còn thấp, chưa chủ động, tự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường; chưa thực hiện tốt việc xử lý chất thải, nước thải trong chăn nuôi (như không có hầm chứa chất thải, nước thải, hoặc có hầm chứa nhưng không có nắp đậy; chất thải chưa được thu gom, xử lý kịp thời...), dẫn đến phát sinh mùi hôi, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, nhất là chăn nuôi heo.
Việc chăn nuôi trong khu vực đông dân cư vẫn chưa được xử lý triệt để, các hộ dân (đặc biệt là hộ đồng bào DTTS) trên địa bàn thành phố vẫn có thói quen, tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm gần khu vực sinh sống, tiềm ẩn lớn nguy cơ ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình, người dân khu vực xung quanh. Ngoài ra, công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong chăn nuôi chưa được thường xuyên, có đơn vị chưa quan tâm xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, chủ yếu giải quyết các vụ việc phát sinh hoặc có phản ánh, có bức xúc trong dư luận nhân dân.
Xã Ia Chim là một trong những địa bàn số cơ sở, số hộ chăn nuôi nhiều nhất của thành phố Kon Tum. Toàn xã hiện có đàn gia súc khoảng 10.830 con, đàn gia cầm có khoảng 30.000 con và có 34 cơ sở, hộ gia đình đang chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. Tại đây, thời gian qua, chính quyền địa phương cũng khá cương quyết trong việc xử lý các trường hợp vi phạm về việc bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Qua báo cáo giám sát của HĐND thành phố thì hiện chỉ có xã Ia Chim ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 cơ sở chăn nuôi vi phạm về bảo vệ môi trường.
Ông Trương Quang Hùng (thôn Tân An) là hộ có quy mô chăn nuôi vịt theo trang trại khá lớn, có thời điểm nhiều nhất lên đến hơn 12.000 con. Trước đây, hộ gia đình ông chưa thực hiện tốt việc bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi đã bị xã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính. Sau đó, gia đình ông Hùng nhận thức việc thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường là rất quan trọng nên ông đã bỏ hơn 200 triệu đồng đầu tư hệ thống xử lý nước thải bài bản với diện tích bể chứa hơn 3.000m2, được phủ bạt kín cả dưới đáy và phía trên bể nhằm hạn chế mùi hơi hôi bốc lên. Cùng với đó, ông đầu tư thêm xe bồn để khi bể chứa đầy, hoặc khi có khách đặt mua sẽ dùng xe chở phân đi bán cho các hộ gia đình trên địa bàn tưới cà phê và cao su.
Theo ông Hùng, từ khi đầu tư hệ thống xử lý nước thải bài bản thì không còn tình trạng ô nhiễm môi trường và môi trường xung quanh khu chăn nuôi được đảm bảo.
Tương tự, xã Kroong cũng là địa phương có nhiều hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm và hiện xã có 3 trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Ông Nguyễn Đình Nhiên- Chủ tịch UBND xã Kroong cho biết: Công tác quản lý trong bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, chúng tôi đã bắt quả tang một trường hợp cơ sở chăn nuôi trên địa bàn xả thải ra môi trường trái phép và đã lập biên bản, hoàn tất các thủ tục đề nghị lên cấp trên xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở này.
Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri với tổ đại biểu HĐND 2 cấp hồi đầu tháng 8, cử tri xã Kroong tiếp tục phản ánh về tình trạng cơ sở chăn nuôi trên địa bàn không làm tốt công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ngay tại buổi tiếp xúc này, Bí thư Thành ủy Kon Tum Nguyễn Thanh Hà đã yêu cầu chính quyền địa phương và đơn vị chức năng thành phố phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi, xử lý các cơ sở, hộ gia đình không thực hiện đảm bảo đúng quy định về môi trường trong chăn nuôi. Nếu cơ sở không thực hiện đúng quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi hoặc vi phạm xả thải thì xử phạt nghiêm, thậm chí đề nghị thu hồi giấy phép, chấm dứt hoạt động nhằm bảo đảm môi trường.
Phúc Nguyên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.