Nguồn tin: Báo Lào Cai, 12/12/2024
Ngày cập nhật:
14/12/2024
Dịp cuối năm, nhu cầu thực phẩm tăng mạnh, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tập trung phòng bệnh, chăm sóc, vỗ béo đàn vật nuôi để đáp ứng thị trường.
Đàn gà hơn 4.000 con của hộ bà Đinh Thị Lan, xã Sơn Hải (Bảo Thắng) đang vào giai đoạn vỗ béo để hướng tới phục vụ thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, gia đình bà tập trung chăm sóc, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo độ tuổi gà, thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi theo định kỳ. Thời điểm giao mùa thu - đông, gia đình bà tăng cường chế độ dinh dưỡng, bổ sung thêm vitamin và điện giải trong nước uống giúp đàn gà nâng cao sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh.
Nhiều năm nay, vào dịp cuối năm, hộ ông Nguyễn Văn Tấn, xã Sơn Hải luôn duy trì đàn lợn 300 con/lứa để hướng tới phục vụ thị trường tết Nguyên đán. Để đàn lợn sinh trưởng tốt, ông đặc biệt chú trọng khâu chăm sóc và bảo vệ chuồng trại. Trang trại được xây kín để ngăn côn trùng như ruồi, chuột, bọ xâm nhập. Ông Tấn cho biết: Để bảo vệ đàn lợn khỏi nguy cơ dịch bệnh, định kỳ thực hiện phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, cách ly đàn vật nuôi, với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Do đang là thời gian cao điểm để chăm sóc, vỗ béo đàn lợn phục vụ thị trường cuối năm, nên gia đình tôi luôn chú trọng đảm bảo khẩu phần ăn, chế độ dinh dưỡng để đàn vật nuôi sinh trưởng tốt. Hiện giá lợn hơi đang có lợi cho người chăn nuôi, hy vọng giá lợn xuất chuồng từ nay đến cuối năm sẽ duy trì ở mức hiện tại hoặc cao hơn, giúp người chăn nuôi có thêm niềm vui.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Hiện tổng đàn gia súc cả tỉnh hơn 624.000 con, đạt hơn 99,2% kế hoạch năm (trong đó đàn lợn 457.330 con); tổng đàn gia cầm hơn 5,3 triệu con, đạt 101% kế hoạch năm; diện tích mặt nước nuôi thủy sản hơn 2.200 ha, đạt 93,62% kế hoạch năm; cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học. Tính đến hết tháng 11, sản lượng thịt hơi xuất chuồng toàn tỉnh đạt 68.230 tấn, tăng 1.500 tấn so với cùng kỳ 2023. Sản phẩm chăn nuôi đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, một phần xuất bán ra ngoài tỉnh.
Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, tổng lượng thịt hơi tiêu thụ của tỉnh trong năm 2024 ước gần 75.000 tấn. Dịp tết Nguyên đán năm nay, dự tính nhu cầu thịt hơi (gồm cả nhu cầu của khách du lịch và lao động ngoại tỉnh) từ 7.000 - 7.300 tấn/tháng. Dự kiến sản lượng đến kỳ xuất bán tháng 12/2024 và quý I/2025 để phục vụ thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ tăng từ 20 - 30%. Cân đối khả năng cung - cầu cả năm và dịp tết Nguyên đán cho thấy, tổng sản lượng thịt, cá của tỉnh đạt khoảng 86.500 tấn/năm.Như vậy, sản phẩm thịt, cá của tỉnh sản xuất ra sẽ dư thừa và xuất bán ra các tỉnh khác khoảng 10.000 tấn/năm (bao gồm cả sản phẩm chế biến).
Tính riêng dịp tết, khả năng sản xuất thịt, cá đạt từ 7.600 - 8.500 tấn/tháng, cao hơn so với nhu cầu dự tính từ 600 - 1.200 tấn/tháng. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết Nguyên đán và xuất bán ra ngoài tỉnh.
Về điều tiết thị trường, vùng chăn nuôi lợn và gia cầm lớn của tỉnh là huyện Bảo Thắng sẽ cung cấp thịt gia súc, gia cầm cho các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai. Các huyện còn lại chủ yếu sản xuất nội tiêu và một phần xuất bán ra ngoại tỉnh.
Theo nhận định của ngành chức năng, giá các sản phẩm thịt hơi xuất chuồng có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm 2024 góp phần giảm bớt áp lực chi phí đối với các cơ sở chăn nuôi, giúp các hộ yên tâm chăm sóc, chuẩn bị nguồn thực phẩm dịp tết.
Nhằm hạn chế rủi ro trong chăn nuôi, Chi cục và các địa phương trong tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Trong đó, chú trọng công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh, thực hiện nghiêm công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, tránh tình trạng phát sinh dịch bệnh và lây lan trên diện rộng. Khuyến cáo người chăn nuôi mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm ổn định giá và đầu ra cho sản phẩm.
Kim Thoa
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.