• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lại lo thiếu tôm nguyên liệu

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 20/08/2024
Ngày cập nhật: 22/8/2024

Do giá tôm giảm mạnh kéo dài và cùng với đó là dịch bệnh (nhất là bệnh do EHP) và thời tiết diễn biến khó lường nên sau khi thu hoạch vụ chính, nhiều hộ đã chọn giải pháp an toàn là tạm ngưng thả nuôi vụ mới. Mặt khác, từ tháng 8 trở đi, việc nuôi tôm cũng trở nên khó khăn hơn, tỷ lệ thành công thường thấp hơn các tháng đầu năm, nên theo dự báo của các doanh nghiệp, chuyện thiếu hụt nguồn cung tôm nguyên liệu trong các tháng cuối năm là khó tránh khỏi.

Từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay được dự báo sẽ có mưa bão nhiều, bệnh do EHP đang có xu hướng phát triển mạnh. Điều này cùng với việc giá tôm giảm mạnh trong thời gian dài khiến nhiều hộ đã tạm thời ngưng nuôi, chờ tình hình thuận lợi mới thả nuôi tiếp. Ngay cả trang trại nuôi của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta vốn nổi tiếng là bất bại, sau khi thu hoạch vụ 2 hoàn tất trong tháng 8 này cũng sẽ tạm ngưng, chờ dứt mùa mưa mới thả nuôi trở lại. Nhận định về vụ nuôi hiện tại, ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam nhận định: “Vụ nuôi hiện nay là vụ nghịch nên rất nhiều khó khăn cả về thời tiết lẫn dịch bệnh, nhất là bệnh do EHP và thường tỷ lệ thành công rất thấp so với vụ thuận. Trong khi đó, giá tôm hiện tại dù đã tăng trở lại nhưng chưa đạt mức kỳ vọng nên rất ít người thả nuôi”.

Sản lượng thu hoạch tôm cỡ lớn nhiều góp phần gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm trong 7 tháng đầu năm. Ảnh: TÍCH CHU

Thông thường, mỗi khi giá tôm bật tăng trở lại sẽ kéo theo số diện tích thả nuôi tăng lên, nhưng năm nay thì khác. Mới đây, có dịp tiếp xúc với các hộ nuôi tôm mật độ cao theo mô hình lót bạt của tỉnh Sóc Trăng, hầu hết, họ đều cho biết, giá tôm hiện tại dù đã tăng so với cách nay 1 tháng, nhưng nếu thả nuôi ở thời điểm hiện tại thì rủi ro vẫn còn rất lớn. Theo tính toán của các hộ nuôi tôm ao lót bạt, ở vụ nuôi hiện tại, nếu mọi thứ trơn tru, tôm nuôi đạt năng suất khá thì giá thành tôm thẻ cỡ 30 con/kg ít gì cũng phải 105.000 - 110.000 đồng/kg, trong khi giá bán hiện nay chỉ vào khoảng 126.000 - 128.000 đồng/kg. Lợi nhuận như vậy là rất thấp, trong khi vụ nuôi này có rất nhiều rủi ro, như: môi trường dễ biến động do mưa bão nhiều, dịch bệnh dễ phát sinh… nên nhiều hộ đã tạm thời ngưng nuôi, tập trung cải tạo, nâng cấp ao nuôi chờ khi dứt mưa và giá tôm tốt hơn mới thả nuôi tiếp.

Các dự báo đều cho thấy, mưa nhiều dồn dập sẽ diễn ra trong tháng 8 và tháng 9, khiến hoạt động nuôi tôm thêm khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh tôm giống nhiễm bệnh tỷ lệ khá cao, tỷ lệ thành công sẽ giảm thấp, sản lượng tôm sẽ không nhiều. Trong khi đó, từ tháng 8 đến tháng 11, các doanh nghiệp bước vào cao điểm chế biến để hoàn tất giao hàng cho các hợp đồng đã ký kết trong năm, nên nguồn cung tôm nguyên liệu được dự báo sẽ thiếu hụt so với nhu cầu. Ông Phục cho biết thêm: “Ngay thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà máy đều không mua được đủ lượng tôm nguyên liệu phục vụ chế biến mỗi ngày. Vì vậy, chuyện thiếu tôm nguyên liệu gần như chắc chắn sẽ xảy ra trong các tháng còn lại của năm, nhất là tháng 9 và tháng 10”.

Cũng theo các doanh nghiệp, hiện ngoài số hợp đồng đã ký trước đó, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục ký thêm hợp đồng mới theo kiểu gối đầu, nên chuyện cạnh tranh tôm nguyên liệu tới đây chắc chắn sẽ còn gay gắt, dù giá hợp đồng xuất khẩu vẫn chưa được cải thiện nhiều. Giá tôm hiện tại đã tăng trở lại khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg so với cách nay 1 tháng và theo ông Phục, từ nay đến tháng 10, giá tôm sẽ còn tiếp tục tăng thêm ít nhất khoảng 10% nữa. Bên cạnh lượng xuất khẩu tăng, một trong những yếu tố làm tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm chính là tôm thẻ cỡ lớn được xuất khẩu nhiều. Ông Phục chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, tuy vụ nuôi có đôi chút khó khăn, nhưng lượng tôm thẻ cỡ 30 con/kg được thu hoạch khá nhiều. Rất tiếc là giá tôm không được cao nên cả người nuôi và doanh nghiệp đều chưa được hưởng lợi từ thành quả này”.

Thiếu tôm nguyên liệu sẽ xảy ra, giá tôm sẽ tiếp tục tăng, điều đó là bài toán khó cho doanh nghiệp trong chặng đường nước rút của vụ tôm nước lợ năm 2024, nhất là những doanh nghiệp không có điều kiện dự trữ tôm nguyên liệu giai đoạn giá tôm thấp trong tháng 6 và tháng 7. Đây là chuyện không mới của ngành tôm nhưng một lần nữa cho thấy tính ổn định và bền vững của các khâu trong chuỗi giá trị ngành tôm vẫn là điều mà các bên cần quan tâm cải thiện nhiều hơn nữa, nếu muốn ngành tôm tiếp tục vươn xa.

TÍCH CHU

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang