• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vươn lên với khát vọng bảo tồn biển

Nguồn tin: Báo Bình Định, 07/09/2024
Ngày cập nhật: 9/9/2024

Bình Định hiện là điểm đến của khu vực, trong đó các hoạt động du lịch sinh thái biển luôn được ưa chuộng. Mấy năm gần đây, cá voi, cá heo và cả rùa biển liên tục xuất hiện tại các vùng biển ven bờ khiến cộng đồng và du khách vô cùng thích thú. Đây là những tín hiệu tốt, chứng tỏ công tác bảo tồn biển và tài nguyên có chuyển biến tích cực, hơn thế nữa còn thể hiện lối sống thân thiện, hài hòa với thiên nhiên của người Bình Định.

Chỉ dấu thuyết phục về môi trường tốt lành

Hình ảnh đàn cá heo “chạy đua” trên đại dương được ngư dân Bình Định quay lại và chia sẻ lên mạng xã hội nhận được sự quan tâm của nhiều người. Hay một chú rùa biển đang độ tuổi “thanh niên” mai có màu đỏ gạch rất đẹp, mới từ khơi bơi vào khu vực nước ven bờ của làn chài Nhơn Hải (Quy Nhơn), hồn nhiên lặn hụp trong làng nước trong xanh, mỗi lần ngoi lên thì phun ra một ngụm nước nhỏ trông thật đáng yêu. Và còn nữa, bầy nhạn biển trắng ở đảo Nhơn Châu (Quy Nhơn) dạn dĩ bay lượn quanh những người đàn ông đang rũ cá trên bờ, hòng “nhón lấy” chút thành quả của các ngư dân sau một đêm thả lưới, kéo chài. Khi động vật hoang dã sống gần gũi với con người thì khung cảnh đó thật đẹp, lãng mạn và nên thơ!

Năm 2024, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng (từ 21.5 đến 14.8) đã có 9 lượt rùa xanh (còn gọi là vích) - 1 trong 5 loài rùa biển quý hiếm ở Việt Nam, lên bãi biển ven bờ ở Quy Nhơn để đẻ trứng, với 7 ổ trứng tại xã Nhơn Hải và 2 ổ ở xã Nhơn Châu, tổng số gần 900 quả trứng.

Không chỉ có rùa biển, hình ảnh cá voi Edeni - loài thú biển to lớn với 3 gờ nổi trên đỉnh đầu, há hốc mồm thật to đớp mồi, cũng dần trở nên quen thuộc với cộng đồng mạng, khi liên tiếp xuất hiện trong 3 năm qua (từ năm 2022 đến nay), lúc ở Đề Gi (huyện Phù Cát), khi ở Hòn Sẹo, Nhơn Lý (Quy Nhơn) và gần đây nhất là tại vùng biển Mũi Gành, xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn). Ngoài ra còn có cá heo, cá nhám voi... thỉnh thoảng góp mặt ở vùng ven bờ tại các khu du lịch nổi tiếng của Bình Định khiến du khách mê đắm.

Những hiện tượng trên là chỉ dấu môi trường tốt lành hết sức thuyết phục. Đó không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của cả một quá trình nhiều năm liền nỗ lực liên tục với khát vọng bảo tồn biển của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, DN và các tổ chức phi chính phủ... Đặc biệt, ngư dân và các tổ chức cộng đồng khi đã được nâng cao nhận thức, họ trở thành những tình nguyện viên tích cực chung tay giữ gìn đại dương xanh, bảo vệ tài nguyên biển và đa dạng sinh học.

Những người lặng thầm giữ biển

Là cán bộ Chi cục Thủy sản, phụ trách mảng bảo vệ nguồn lợi thủy sản nên tôi khá gần gũi với các địa phương ven biển. Hôm ấy, 22.5.2024, mở đầu ngày mới của tôi là niềm vui bất ngờ khi cán bộ xã Nhơn Hải cho hay rùa biển quay lại bãi biển trước khu dân cư của làng chài đẻ trứng.

Rồi liên tục những ngày sau đó, cứ khoảng 2 tuần, rùa mẹ lại lên bãi biển của xã đẻ trứng. Một đêm, đang thiu thiu ngủ, chuông điện thoại reo liên hồi làm tôi tỉnh giấc. Nhìn thấy tên người gọi quen thuộc, nhẩm số ngày, tôi phấn khởi hỏi: “Gì vậy Sáng, rùa đẻ nữa à?”. Bên kia đầu dây giọng hào hứng không kém: “Không, rùa nở, rùa nở rồi bạn à!”.

Thế đấy, niềm vui của chúng tôi đơn giản chỉ vậy. Sáng tên đầy đủ là Nguyễn Tôn Xuân Sáng, 39 tuổi, thành viên tổ chức cộng đồng (TCCĐ) Nhơn Hải, người thường xuyên “đỡ đẻ” cho rùa biển. Cũng cái đêm hôm ấy, một rùa mẹ mang thẻ VN1079 đã lên bãi đẻ tiếp ổ trứng thứ hai. Hết lo cho các bé rùa chào đời, Sáng lại giúp rùa mẹ “vượt cạn” an toàn và di dời bảo vệ ổ trứng vì rùa đẻ sát mép nước. Công việc xong, các anh trở về nhà cũng 1- 2 giờ sáng. Tính đến nay, trong năm 2024 tại Nhơn Hải có 4 ổ trứng rùa đã nở được 213 con, tỷ lệ trứng nở thành công là 53%.

Không chỉ có Nhơn Hải, vịnh Quy Nhơn liên tục đón nhận tin vui khi sau hơn 10 năm vắng bóng, rùa biển lại xuất hiện và đẻ trứng ở xã đảo Nhơn Châu. Không giấu được sự vui mừng vì lâu rồi mới được nhìn thấy rùa, anh Nguyễn Hạ Lào, thành viên TCCĐ xã Nhơn Châu chia sẻ: “Ngay khi được người dân báo có ổ trứng rùa, chúng tôi đã nhanh chóng vây lưới và cắm biển báo bảo vệ, đồng thời phát thanh tuyên truyền liên tục để nâng cao nhận thức cộng đồng, chung tay bảo vệ bãi đẻ rùa biển”.

Bà Nguyễn Hải Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Thủy sản Bình Định, cho biết: “Không chỉ bảo vệ bãi đẻ và cứu hộ rùa biển, các TCCĐ Nhơn Lý, Nhơn Châu, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng còn thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực biển được giao (khu vực biển Bãi Trước, xã Nhơn Châu; Hòn Nhàn, phường Ghềnh Ráng; Bãi Dứa, xã Nhơn Lý; Hòn Khô nhỏ, xã Nhơn Hải). Hằng năm, các TCCĐ thả phao tiêu biển báo, theo dõi giám sát, bảo vệ ran san hô; tổ chức các hoạt động làm sạch biển, bắt sao biển gai; tuần tra kiểm soát ngăn chặn các hành vi khai thác vi phạm IUU... Đây là công việc hoàn toàn tự nguyện, không lương bổng, phụ cấp. Thật sự chỉ có tình yêu biển, các bạn mới có thể “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như vậy”.

Bên cạnh đó, nhiều năm qua, ngư dân Bình Định khi khai thác gặp phải những loài động vật quý hiếm, được pháp luật bảo vệ, điển hình như hiện tượng rùa vướng lưới, hoặc dính câu, thì đều báo, giao nộp cho Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) hoặc tự cứu hộ, thả về đại dương. Từ năm 2016 đến nay, ngư dân đã chủ động báo tin, tham gia vận động thả và cứu hộ 33 cá thể rùa biển (21 đồi mồi, 10 vích, 2 đồi mồi dứa). Anh Lê Văn Hội (SN 1991, ở phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn, thuyền trưởng tàu cá BĐ -97417-TS) làm nghề câu cá ngừ đại dương cho biết, tàu của anh trước giờ đã cứu hộ 6 rùa biển, trong đó có 1 trường hợp dính câu và 5 trường hợp khác vướng lưới, ngư cụ hư hỏng trôi trên biển.

Mang rác vào bờ - xây dựng một thói quen tốt

Ngoài ra, để bảo vệ đại dương, các ngư dân Bình Định cũng đã tích cực mang rác sinh hoạt từ tàu cá về bờ. Anh Nguyễn Thanh Long (ở phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn) chủ tàu cá BĐ-97459-TS, làm nghề vây ánh sáng, cho biết tàu anh là 1 trong 200 tàu cá tham gia mô hình thí điểm thu gom rác thải từ tàu về bờ tại cảng cá Quy Nhơn. “Chúng tôi vẫn đều đặn thu gom rác dù nhiều lần không cập cảng Quy Nhơn. Đến cảng cá ở tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu..., tôi mang rác nhựa cho những người thu gom ve chai ở đó và họ rất vui. Các tàu cá tỉnh bạn thấy chúng tôi làm vậy thì rất hưởng ứng”, anh Long cho hay.

Ngư dân mang rác thải nhựa vào bờ, góp phần bảo vệ đại dương. Ảnh: ÁI TRINH

Đại diện đơn vị đặt nền móng cho công tác bảo tồn rùa biển tại Bình Định, bà Bùi Thị Thu Hiền, Phụ trách chương trình Biển và vùng bờ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên tại Việt Nam (IUCN Việt Nam) đánh giá: Sau gần 10 năm quay trở lại Bình Định, tôi vô cùng hạnh phúc khi nhận thức và hành động của cộng đồng tại đây thay đổi tích cực. Từ những ngư dân từng ăn thịt và trứng rùa biển, họ quay sang bảo tồn rùa biển, bảo vệ đại dương. Từ những người từng vứt rác xuống biển như thói quen, giờ đây họ thu gom rác thải và trở thành tuyên truyền viên tích cực. Đây là kết quả của hành trình dài nỗ lực của Bình Định và các đơn vị có liên quan. Nó minh chứng cho một điều: Khi chúng ta có khát vọng và quyết tâm thì không gì là không thể.

NGUYỄN THỊ ÁI TRINH

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang