• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kỳ ảo san hô dưới lòng vịnh

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh, 16/12/2024
Ngày cập nhật: 17/12/2024

San hô là món quà quý giá của biển, cũng là minh chứng cho một vùng biển sạch, đảm bảo các điều kiện cho sự sinh trưởng, phát triển của loài động vật sơ khai này. Với Vịnh Hạ Long, san hô càng quý giá hơn vì ở trong vùng biển ấm, lại có độ đục tự nhiên cao. Qua khảo sát của các nhà khoa học thì Vịnh Hạ Long là 1 trong 3 vùng biển của Quảng Ninh hiện còn phân bố các rạn san hô…

San hô Vịnh Hạ Long có nhiều hình dáng, màu sắc đẹp mắt. Ảnh do Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cung cấp.

Hệ sinh thái rạn san hô là một trong những hệ sinh thái tiêu biểu của Vịnh Hạ Long. Các rạn san hô nơi đây được cấu tạo chủ yếu bởi các loài san hô cứng. Theo kết quả khảo sát về đa dạng sinh học ở khu vực Vịnh Hạ Long vào năm 2015, trên Vịnh Hạ Long có 110 loài san hô cứng và 37 loài san hô mềm. Khu vực tập trung nhiều san hô nhất ở Vịnh Hạ Long là khu vực Cống Đỏ, Trà Sản, Hang Trai, Đầu Bê (có độ phủ từ 30% - 45%). Chia sẻ với chúng tôi, TS. Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản (Sở NN&PTNT), đánh giá: Vịnh Hạ Long khi ấy so với toàn tỉnh cũng như các vùng biển tương tự ở phía Bắc như Cát Bà (Hải Phòng), Hòn Mê (Thanh Hoá) vẫn là nơi có số lượng loài san hô phong phú nhất.

Dưới mặt nước biển, nhờ có môi trường tương đối ổn định, có nhiều hang hốc để trú ngụ và lẩn tránh kẻ thù, các rạn san hô Vịnh Hạ Long là nơi sinh cư, kiếm ăn, sinh sản của hàng nghìn loài sinh vật biển khác nhau, như thực vật phù du, động vật phù du, rong biển, giun đốt, bọt biển, thân mềm, giáp xác, da gai, cá biển và nhiều loài có giá trị kinh tế quan trọng, như tu hài, sò lông, cá song, cá mú, trai ngọc, tôm hùm...

Cùng với đó, các rạn san hô Vịnh Hạ Long còn phân bố nhiều loài bị đe doạ tuyệt chủng, quý hiếm nằm trong Danh lục đỏ Việt Nam 2007, như: Rong chân vịt nhăn, cá ngựa gai, cá ngựa nhật, cá ngựa đen, san hô sừng cành dẹp, san hô lỗ đỉnh xù xì, san hô lỗ đỉnh, bào ngư chín lỗ, sam ba gai đuôi, ốc đụn đực, ốc đụn cái, ốc xoắn vách, trai ngọc môi đen, mực thước, mực nang vân hổ…

Các rạn san hô dưới lòng biển với nhiều màu sắc, muôn hình vạn trạng cũng tạo nên những cảnh quan tự nhiên vô cùng kỳ thú, được ví tựa như một cánh rừng nhiệt đới dưới đáy biển. Quả thật khó mà tưởng tượng khi dưới làn nước mờ ảo lại rực rỡ màu sắc của vô số loại san hô, có loại san hô hệt cây nấm nhỏ xinh xắn, có loại san hô cành phân nhánh tựa những chiếc sừng hươu, có loại san hô lại kết thành từng cụm với hàng ngàn ngôi sao, hàng ngàn bông hoa nhỏ xíu nở tung rực rỡ, có cụm lan dưới đáy tỏa ra như những tai mộc nhĩ, lại có khi giống những chiếc bắp cải xanh kỳ lạ, có loài thì thả ra những sợi tơ bắt mồi lả lơi giống mái tóc thướt tha của nàng tiên nữ…

Qua tìm hiểu được biết, san hô ở Vịnh Hạ Long trước năm 1998 khá tươi tốt, một số rạn thuộc loại tốt và rất tốt, tương ứng với độ phủ trên 51% và trên 76%. Các rạn phân bố chủ yếu quanh các đảo đá vôi trên vịnh, kể cả là các đảo gần bờ với nhiều rạn trải dài và rộng đến hàng trăm mét. Nhưng cũng giống như nhiều vùng biển khác, san hô nơi đây có sự suy giảm đáng kể về độ phủ và diện tích trong những năm qua. Kết quả khảo sát vào năm 2015 cho thấy không còn rạn nào thuộc loại tốt, độ phủ của các rạn tốt nhất là dưới 50% và độ phủ bình quân trên toàn vịnh chỉ còn khoảng 20%. Không chỉ là độ phủ, phạm vi và sự phân bố số lượng loài tại các rạn cũng thấp hơn so với trước đây rất nhiều.

Qua trò chuyện, các chuyên gia của Viện Tài nguyên và Môi trường Biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho hay, san hô thuộc vào hàng những sinh vật cổ xưa của trái đất, chúng đã tồn tại qua rất nhiều biến đổi khí hậu và môi trường. Vì vậy, bên cạnh những nguyên nhân lớn có thể nhìn thấy được, gây nên sự suy giảm của san hô như biến đổi khí hậu, tác động của con người thì vẫn có nhiều điều cụ thể chưa thể lý giải được, cần phải tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu thêm.

Nhận định về sự suy giảm của rạn san hô Vịnh Hạ Long, TS. Nguyễn Đăng Ngải, Viện Phó Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, phân tích: Vịnh Hạ Long được bảo tồn tốt hơn, từ các yếu tố như nuôi trồng thuỷ sản, đánh bắt được quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, cái bất lợi là Vịnh Hạ Long bị tác động từ yếu tố môi trường lục địa, về độ đục, việc khai thác than chẳng hạn nên vào mùa mưa lũ, nước chảy ra biển tác động rất lớn đến môi trường Vịnh Hạ Long. Hoặc hoạt động của các phương tiện thuỷ, luồng cảng thì khi nước thấp, chân vịt của tàu di chuyển sẽ khuấy lên làm đục nước, ảnh hưởng tới môi trường nước, ảnh hưởng tới san hô.

Để bảo vệ các hệ sinh thái biển nói chung, gìn giữ các hệ sinh thái rạn san hô nói riêng của Vịnh Hạ Long, năm 2019, Quảng Ninh đã ban hành Quy chế quản lý Vịnh Hạ Long, trong đó có quy định không đánh bắt thủy sản trong khu vực vùng lõi di sản. Cùng với đó, ở các vùng biển đều có những quy định cấm đánh bắt thuỷ sản bằng phương pháp tận diệt. Qua đây giúp hạn chế các tàu thuyền đánh bắt thủy sản tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước làm chết san hô. Đồng thời ngăn chặn các hoạt động khai thác tại khu vực có san hô, như: Kéo lưới, lưới vét, giã cào cào xới đáy biển làm gãy san hô; tạo lớp bùn trầm tích phủ lên gây chết san hô…

Gần đây, qua đánh giá của chuyên gia cho thấy, nhiều rạn san hô ở Vịnh Hạ Long, có dấu hiệu khôi phục tốt, thậm chí qua khảo sát còn phát hiện được những rạn san hô có độ phủ cao (từ 60-70%), trong đó san hô cành là loài san hô quý, có sự phục hồi tốt. TS. Nguyễn Đăng Ngải nhận định: Điều này cũng hợp lý vì san hô cành là một nhóm loài rất nhạy cảm nhưng có tốc độ phát triển nhanh hơn những loài khác. Khi gặp những yếu tố bất lợi thì san hô cành chịu tác động đầu tiên nhưng khi môi trường phục hồi thì san hô cành lại phát triển rất nhanh.

Vịnh Hạ Long là khu di sản thu hút lượng khách du lịch rất lớn suốt 4 mùa. Nhiều du khách khi tới đây tham quan đều mong muốn được lặn khám phá vẻ đẹp kỳ ảo của san hô dưới lòng biển. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thì để bảo vệ các loài san hô, dịch vụ này hiện chưa được phát triển ở Vịnh Hạ Long mà chỉ phục vụ cho việc khảo sát, học tập, nghiên cứu của các nhà khoa học là chủ yếu.

Thêm nữa, đơn vị cũng đang triển khai nghiên cứu thành lập Khu bảo tồn biển Vịnh Hạ Long theo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến đến năm 2030 sẽ thành lập Khu bảo tồn biển Vịnh Hạ Long với tổng diện tích đề xuất khoảng 55.000 ha. Qua đây, sẽ góp phần phục hồi các hệ sinh thái một cách bền vững, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô của Vịnh Hạ Long.

Ngọc Mai

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang