Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 17/07/2024
Ngày cập nhật:
18/7/2024
Trước biến đổi khí hậu ngày một khó lường, dịch bệnh trên tôm ngày càng phức tạp, sự cạnh tranh trên thị trường thế giới ngày càng gay gắt và cùng với đó là sự khắt khe về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm phát thải khí nhà kính… buộc nghề nuôi tôm phải có sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa theo hướng xanh, nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả mới có thể tồn tại và phát triển một cách bền vững như mục tiêu đã đề ra.
Đó cũng là mục tiêu mà Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Cục Thủy sản và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau tổ chức vào ngày 28/6 đề cập đến. Với chủ đề “Phát triển nuôi tôm bền vững, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long”, diễn đàn được tổ chức lần này nhằm đánh giá thực trạng và tiềm năng phát triển của nghề nuôi tôm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất các giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường; xây dựng các chính sách hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức phi chính phủ; thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan để phát triển ngành nuôi tôm một cách bền vững và hiệu quả.
Mô hình tôm - lúa luôn được khuyến khích duy trì, bởi đây cũng chính là một trong những mô hình có tính bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu tốt nhất. Ảnh: TÍCH CHU
Liên quan đến thực trạng của nghề nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long, theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tuy chỉ mới phát triển mạnh trong vài thập kỷ gần đây, nhưng do tốc độ phát triển nhanh chóng cả về diện tích lẫn mật độ thả nuôi trong khi hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu nên tình trạng ô nhiễm nước và đất đã xảy ra, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái vùng nuôi. Dịch bệnh cũng là một vấn đề nghiêm trọng, vì tôm là loài dễ bị nhiễm bệnh và dịch bệnh có thể lan truyền nhanh chóng, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan như ngập lụt và hạn hán cũng ảnh hưởng lớn đến ngành nuôi tôm, làm thay đổi môi trường sống của tôm và gây ra nhiều khó khăn trong quản lý và sản xuất. Theo ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, cảnh báo rằng, môi trường vùng nuôi tôm ngày càng suy thoái, ô nhiễm và dịch bệnh trên tôm nuôi còn diễn biến phức tạp, do chúng ta chưa có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả.
Để phát triển nuôi tôm bền vững, một trong những giải pháp quan trọng được đề xuất tại diễn đàn là ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm, nuôi tôm kết hợp với các loài thủy sản khác… nhằm giảm thiểu ô nhiễm và tận dụng tối đa nguồn tài nguyên tự nhiên. Vì vậy, thời gian tới cần đẩy nhanh việc nghiên cứu và công nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuât, giải pháp kỹ thuật mới hiệu quả (giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, các giải pháp xử lý chất thải, quản lý môi trường...) để chuyển giao sản xuất, nhân rộng mô hình. Một số mô hình nuôi tôm bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu được khuyến cáo, như: mô hình nuôi luân canh hoặc xen canh trong ruộng lúa, áp dụng công nghệ nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi. Đặc biệt, cần duy trì diện tích tôm - lúa, tôm - rừng, quảng canh cải tiến, tôm hữu cơ, theo hướng đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật tăng năng suất, sản lượng nhằm tăng thu nhập cho người nuôi.
Đồng tình với quan điểm trên, theo bà Châu Tuyết Hạnh, đại diện Cục Thủy sản, người nuôi tôm cũng cần được hướng dẫn về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả với từng phương thức nuôi. Riêng ở vụ tôm nước lợ năm 2024, bà Hạnh khuyến cáo người nuôi cần tăng cường theo dõi thông tin về công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh tại những vùng nuôi tôm trọng điểm để dự báo chính xác và có cảnh báo sớm. Thông tin thêm về vụ nuôi năm 2024, đại diện Cục Thủy sản cho biết, sau 6 tháng đầu năm, các vùng nuôi tôm trên cả nước đã thả nuôi khoảng 665.500ha, tăng 1,5% so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước khoảng 432.000 tấn.
Cục Thủy sản và các đại biểu cùng có chung nhận định, tình hình nuôi tôm nước lợ 6 tháng cuối năm sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi; giá nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất khả năng có thể tiếp tục tăng cao; nguy cơ phát sinh bệnh tiềm ẩn, khó dự đoán và tiếp tục là giai đoạn khó khăn của ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng. Tuy nhiên, cũng có nhận định tích cực là giá tôm có thể tăng trở lại vào quý III/2024 do đây là thời điểm thị trường nhu cầu cao trong khi mùa tôm đang vào cuối vụ.
Các chuyên gia thủy sản và diễn giả đến từ cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp... cũng mang đến diễn đàn các báo cáo và tham luận không chỉ cung cấp cái nhìn sâu sắc về thực trạng và tiềm năng của ngành nuôi tôm mà còn đưa ra các giải pháp cụ thể và khả thi nhằm giải quyết các vấn đề hiện tại. Nhấn mạnh đến vấn đề nhận thức của người nuôi, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, để nghề nuôi bền vững, người nuôi cần tuân thủ các quy trình nuôi, tiêu chuẩn và quy chuẩn chất lượng; đồng thời, tăng cường liên kết chuỗi sản xuất nhằm nâng cao tính cạnh tranh của ngành hàng tôm. Theo đó, thời gian tới cần tập trung quản lý sản xuất giống và thức ăn phục vụ nuôi tôm, giảm chi phí trung gian, nâng cao chất lượng giống, thức ăn để nâng cao sức khỏe tôm, giảm dịch bệnh và chi phí trên giá thành sản xuất. Thực hiện truy xuất nguồn gốc, phát triển nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế (ASC, BAP, hữu cơ...) và tổ chức tốt sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị.
Việc mở hướng đi mới cho nghề nuôi tôm theo hướng bền vững, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường rất cần có sự chung tay của tất cả các bên trong chuỗi giá trị ngành tôm, nhằm tăng tính đồng bộ và hiệu quả, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và vị thế cho ngành tôm cả trước mắt lẫn lâu dài.
TÍCH CHU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.