• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kon Tum: Triển vọng nuôi cá nước lạnh dưới chân núi Ngọk Kal

Nguồn tin: Báo Kon Tum, 19/10/2024
Ngày cập nhật: 20/10/2024

Anh Nguyễn Bá Tấn (39 tuổi, quê Hà Nội) là người tiên phong nuôi cá tầm tại xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum). Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, đến nay, anh Tấn xuất bán khoảng 100 tấn cá và thu về hơn 17 tỉ đồng.

Cách đây 3 năm, anh Tấn khảo sát tại xã Đăk Na và thấy ở đây phù hợp để nuôi cá tầm, vì có độ cao trung bình trên 1.000m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình năm khoảng 20 độ C. Nguồn nước suối chảy ra trực tiếp từ rừng nguyên sinh nên có nhiệt độ thấp và ổn định, ít nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, chất lượng nước tốt hơn so với nhiều địa phương khác.

Đến tháng 6/2023, anh Tấn quyết định đến xã Đăk Na đầu tư 22 bể nuôi cá tầm với quy mô trên 3.000m2. Với kinh nghiệm đầu tư ở nhiều nơi nên ngay từ khi chọn vị trí xây dựng trại anh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quy hoạch bài bản nên thời gian thi công nhanh, sau 4 tháng thi công đã có thể thả cá giống vào nuôi.

Tận dụng nguồn nước trong sạch của suối Đăk Na (Ták Na), anh Tấn đầu tư đắp đập tràng ở phía thượng nguồn và dẫn nước từ đó vào hệ thống ao nuôi. Các bể nuôi cá được xây bằng xi măng kiên cố, các khu nuôi cá được phân chia riêng biệt, nguồn nước ra vào độc lập, hệ thống dẫn lọc và cấp thoát nước được đầu tư xây dựng bài bản.

Toàn cảnh trang trại nuôi cá tầm của anh Nguyễn Bá Tấn tại Đăk Na. Ảnh: NB

Theo anh Tấn, lúc đầu thực hiện dự án nuôi cá tầm tại Đăk Na, anh phải nhập con giống từ Lâm Đồng với giá hơn 5.000 đồng/con. Mỗi bể nuôi khoảng 2.000 – 2.500 con. Sau này anh quyết định đầu tư thêm 1 trại chuyên nuôi các tầm giống tại xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) để chủ động con giống, giảm giá thành và đảm bảo chất lượng con giống khỏe mạnh, ít dịch bệnh hơn. Khi cá giống đạt khối lượng khoảng 100gr anh mới chuyển về trại nuôi ở Đăk Na để tiếp tục nuôi dưỡng. Tổng số vốn đầu tư đến nay lên đến 40 tỷ đồng.

“Trong nghề nuôi cá tầm thì nguồn nước rất quan trọng, môi trường nước phải đảm bảo, dòng nước chảy liên tục, đồng thời phải kiểm soát nhiệt độ trong ao luôn từ 21 đến 23 độ C. Có như vậy cá mới ít bệnh, tỷ lệ sống cao, ít dùng các loại thuốc phòng dịch và chất lượng thịt cá mới tốt, nâng cao sức cạnh tranh với các vùng nuôi cá tầm khác, giúp việc tiêu thụ thuận lợi hơn” anh Nguyễn Bá Tấn chia sẻ.

Nếu ở các nơi khác, thời gian chăm sóc mỗi lứa cá tầm từ khi thả giống đến khi thu hoạch phải mất từ 11 đến 12 tháng mới đủ trọng lượng 2kg/con thì ở Đăk Na, anh Tấn chỉ mất thời gian chăm sóc khoảng 10 tháng đã đạt trong lượng xuất ao.

Từ lứa nuôi đầu tiên vào tháng 11/2023, đến nay, trang trại của anh Tấn đã xuất bán ra thị trường khoảng 100 tấn cá tầm với giá bán bình quân 170.000 đồng/kg, thu về khoảng 17 tỉ đồng. Hiện tại thị trường tiêu thụ cá tầm của anh Tấn chủ yếu là thành phố Hồ Chí Minh. Vì mỗi địa phương có những thị hiếu, yêu cầu khác nhau về khối lượng nên sắp tới anh sẽ đa dạng quy trình nuôi để cá có kích thước lớn hơn, phù hợp để mở rộng tiêu thụ tại thị trường tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, các trang trại của anh Tấn cũng góp phần giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ trên địa bàn xã Đăk Na và xã Ngọc Lây.

Anh A Phương (49 tuổi, xã Đăk Na), tham gia lao động tại trang trại nuôi cá tầm từ những ngày đầu cho biết, trước đây gia đình anh chỉ trồng 2 sào lúa, 1ha mì, thu nhập bấp bênh, cuộc sống khó khăn. Từ khi làm tại trại nuôi cá tầm, thu nhập ổn định trung bình 6 triệu đồng/tháng, giúp cuộc sống gia đình ổn định. Công việc cũng đã quen dần nên không có trở ngại gì.

“Cá tầm nuôi ở đây phát triển rất tốt, ít bị bệnh và chất lượng thị tốt. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục phát triển các trang trại trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, hợp tác triển khai nhân rộng mô hình nuối cá tầm cùng với nhân dân tại địa phương và nâng cao sản lượng xuất ra thị trường lên 500 tấn/năm”- anh Tấn chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Thủy - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết, sau khi các doanh nghiệp khảo sát và đặt vấn đề về đầu tư dự án nuôi cá tầm, lãnh đạo xã cũng đã tạo mọi điều kiện phù hợp nhất để doanh nghiệp đầu tư dự án. Bước đầu dự án cũng cho kết quả tốt và giải quyết được việc làm tại địa phương.

“Trong thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp doanh nghiệp hướng tới thành lập HTX nuôi cá tầm để người dân cùng tham gia, doanh nghiệp cung ứng giống, kỹ thuật chăm sóc, xác định tỷ lệ ăn chia để nhân rộng mô hình trên địa bàn, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gia tăng thu nhập cho doanh nghiệp và nhân dân”- ông Thủy cho biết thêm.

Nguyễn Ban

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang