• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 29/10/2024
Ngày cập nhật: 30/10/2024

ĐBSCL là trung tâm nuôi trồng, khai thác thủy sản (TS) của cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành TS đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nhu cầu tiêu thụ sụt giảm ở hầu hết các thị trường chính; chi phí sản xuất tăng cao, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến, xuất khẩu thiếu đồng bộ. Do đó, cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời, để ngành nuôi trồng TS tiếp tục phát triển bền vững.

Nhiều khó khăn, thách thức

Ngành nuôi trồng TS của Việt Nam, đặc biệt là khu vực ĐBSCL, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế đất nước và nguồn cung hải sản toàn cầu. Sản lượng TS ĐBSCL chiếm khoảng 70% trong tổng sản lượng nuôi trồng TS toàn quốc, hỗ trợ cải thiện sinh kế khu vực nông thôn và góp phần đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia.

Theo Cục Kinh tế hợp tác-PTNT (Bộ Nông nghiệp-PTNT), ĐBSCL hiện có 155 HTX TS, chiếm trên 1/3 số HTX TS của cả nước, từ đó đóng góp 65% sản lượng nuôi trồng TS và 60% lượng cá xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, hiện ngành đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Theo các chuyên gia kinh tế, hầu hết các HTX tại ĐBSCL đều hoạt động trên quy mô hẹp, năng lực tiếp cận các khoản vay vốn ưu đãi và dịch vụ tài chính còn hạn chế, điều này gây cản trở cho việc đầu tư công nghệ nuôi trồng hiện đại và mở rộng quy mô sản xuất.

Trong khi đó, các thực hành nuôi trồng thiếu tính bền vững và những diễn biến về biến đổi khí hậu, như xâm nhập mặn, nước biển dâng và thời tiết thất thường… đang làm suy giảm năng suất sản xuất cũng như lợi nhuận được tạo ra của ngành trong khu vực.

Bên cạnh đó, nông dân và các HTX thường chịu sự phụ thuộc lớn vào khâu trung gian, từ đó lợi nhuận bị giảm xuống.

Đồng thời, sự phụ thuộc này cũng gây ra nhiều hạn chế cho việc tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững quốc tế và tiếp cận thị trường có giá trị cao.

Dù giá TS và đầu ra trong tiêu thụ, xuất khẩu TS đã khởi sắc hơn năm trước nhưng nhìn chung đầu ra vẫn biến động trong khi chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao khiến các thành viên HTX liên tiếp gặp khó.

Tại tỉnh Vĩnh Long, giám đốc một HTX TS tại huyện Trà Ôn cho hay: HTX còn gặp khó về nguồn vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất; thiếu nhân lực để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời chưa có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp nên việc tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn, đầu ra sản phẩm chưa ổn định.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua, tỉnh tiếp tục thực hiện cơ cấu lại sản xuất TS theo hướng công nghiệp, thâm canh, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh cá điêu hồng, người nuôi cũng thay đổi giống và đa dạng các loại cá khác như cá lăng nha, cá cóc, cá he, cá chốt,… có giá trị kinh tế cao hơn và cho năng suất cao, tỷ lệ hao hụt thấp.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình xuất khẩu cá tra gặp khó khăn, giá cá thương phẩm giảm; chu kỳ nuôi được kéo dài, nuôi cầm chừng, cho cá ăn ít; số lượng doanh nghiệp thu mua cá tra nguyên liệu cũng giảm đã làm ảnh hưởng nhất định đến hoạt động nuôi cá tra của tỉnh.

Theo GS.TS Vũ Ngọc Út- Trường TS, ĐH Cần Thơ, các HTX và doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao vì thực tế tại các trường, rất ít người học ở lĩnh vực này.

Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao đi liền với việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng và chế biến TS bị ảnh hưởng, từ đó khó đưa ngành thích ứng với biến đổi khí hậu.

Liên kết để phát triển bền vững

Có thể thấy, lĩnh vực TS ở khu vực ĐBSCL rất dễ bị tổn thương bởi các yếu tố bất lợi từ môi trường, khí hậu, thị trường.

Dù được đánh giá là đang có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng nếu người dân tiếp tục duy trì sản xuất theo hướng tự phát, không chuyên nghiệp thì ngành TS ĐBSCL sẽ chậm phát triển, đặc biệt là khó phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia, thời điểm cuối năm cũng là cao điểm phục vụ xuất khẩu, nhưng do trước đó nuôi trồng TS gặp khó khăn, giá cả xuống thấp nhiều người dân đã bỏ ao nuôi. Nếu không hỗ trợ tháo gỡ khó khăn thì rất khó đảm bảo nguồn TS chất lượng cho doanh nghiệp chế biến.

Để phát triển bền vững ngành TS, các chuyên gia nhận định rằng việc liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp và người nông dân là yếu tố then chốt.

Chỉ có liên kết trong mô hình kinh tế tập thể mới có thể giải quyết những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh TS. Trong đó, các HTX chính là trọng tâm của sự chuyển đổi.

Khi các HTX phát triển vững mạnh về tài chính và chuyên nghiệp trong quản trị, không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn thúc đẩy tính bền vững xã hội và môi trường, góp phần phát triển kinh tế- xã hội.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành nuôi trồng TS khu vực ĐBSCL cũng đồng nghĩa với việc mang lại lợi ích dài hạn cho người nông dân, các HTX TS, các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.

Theo đó, nếu các HTX được hỗ trợ kịp thời, ngành nuôi trồng TS vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục phát triển bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân và góp phần vào sự thịnh vượng của nền kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy sự bền vững của ngành nuôi trồng TS tại ĐBSCL thông qua các giải pháp đổi mới, quan hệ đối tác chiến lược và hành động tập thể là hết sức cần thiết.

Bởi từ đây sẽ có những giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực, cải thiện tính chuyên nghiệp cho các HTX và tăng cường khả năng chống chịu và sinh lợi đối với chuỗi giá trị TS.

Tháo gỡ khó khăn và nâng cao năng lực cho các HTX chính là đặt nền tảng vững chắc cho con đường phát triển của ngành TS tại ĐBSCL phía trước.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Thời gian tới tỉnh sẽ phát triển các đối tượng TS có tiềm năng, đa dạng hóa các đối tượng TS nuôi. Tập huấn hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật và biện pháp phòng trị bệnh cá để giảm tỷ lệ hao hụt. Tăng cường công tác theo dõi kết quả quan trắc của các cơ quan chuyên môn khác để theo dõi diễn biến xâm nhập mặn trên các sông chính, kênh rạch tự nhiên đối với các vùng tiếp giáp giữa ranh mặn và ngọt có thể ảnh hưởng tới hoạt động nuôi trồng TS. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ và tái tạo nguồn lợi TS.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang