• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát triển 'nóng' nghê nuôi cá nước lạnh và những hệ lụy: Cơ sở nuôi nở rộ vượt tầm kiểm soát

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 06/12/2024
Ngày cập nhật: 9/12/2024

Lào Cai có điều kiện khí hậu và nguồn nước sạch dồi dào để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh. Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng cơ sở nuôi cá nước lạnh ở nhiều địa phương tăng nhanh, khó kiểm soát, tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường, dịch bệnh và thiên tai.

Khu vực Bản Khoang (nay thuộc xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa) “tiên phong” phát triển nghề nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) của tỉnh từ khoảng 20 năm trước. Nghề nuôi cá tầm, cá hồi đặc sản đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, có thu nhập khá.

Gần chục năm trở lại đây, thấy nghề nuôi cá nước lạnh đem lại lợi nhuận cao, không ai bảo ai, hàng trăm hộ dân trên địa bàn đã tận dụng nguồn tài nguyên nước lạnh sẵn có, ồ ạt xây dựng các điểm nuôi cá ở ven các khe, suối nhiều như “nấm mọc sau mưa”.

Theo thống kê sơ bộ của chính quyền xã Ngũ Chỉ Sơn, địa phương hiện có khoảng 120 điểm nuôi cá nước lạnh ven các khe, suối nhỏ và 2 tuyến suối chính, trong đó nhiều cơ sở có mức đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng.

Ông Lý Quẩy Dảo, Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn cho biết, khí hậu mát mẻ quanh năm, cộng với nguồn nước sạch từ các cánh rừng già trên dãy Hoàng Liên Sơn đổ về nên hầu hết khu vực trên địa bàn có thể nuôi cá nước lạnh, nhất là khu vực Bản Khoang - nơi có dòng suối chính chảy qua. Vì thế, nghề nuôi cá nước lạnh ở đây phát triển từ rất sớm. Ban đầu, chỉ có các hộ dân địa phương mở điểm nuôi nhưng đến nay nhiều hộ dân, doanh nghiệp ở nơi khác cũng đến đầu tư xây dựng trại nuôi.

00:00 / 00:00

Với đặc thù địa hình đồi núi dốc, không có mặt bằng nên các cơ sở trên địa bàn tận dụng những vị trí ven suối hoặc cạnh các khe nước để san lấp, xây bể đón dòng chảy, dẫn nước về nuôi cá. Sau một thời gian phát triển “nóng”, nguồn nước lạnh có thể lấy để nuôi cá hồi, cá tầm gần như đã được khai thác triệt để.

Ông Lý Quẩy Dảo, Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa): Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của thị xã, chính quyền xã Ngũ Chỉ Sơn đã tăng cường quản lý nhưng một số hộ vẫn lén lút xây bể nuôi cá nước lạnh trái phép

Xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát) cũng là địa phương có nguồn tài nguyên nước lạnh khá lớn, phù hợp để phát triển nghề nuôi cá tầm, cá hồi đặc sản. Qua kiểm tra, rà soát, các cơ sở nuôi cá nước lạnh đã “có mặt” tại 4 thôn: Sùng Bang, Van Hồ, Lò Suối Tủng và Láo Vàng. Đây đều là những thôn vùng cao có địa hình dốc, có thôn nằm ngay cạnh các cánh rừng phòng hộ.

Xã hiện có 48 cơ sở nuôi, gồm 23 cơ sở xây dựng trên mặt bằng có sẵn, 25 cơ sở tự ‎san gạt mặt bằng (trong đó có 6 cơ sở nuôi gần bờ suối - nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở và 5 trường hợp xây dựng trên đất quy hoạch rừng phòng hộ).

Lợi nhuận từ nuôi cá nước lạnh rất lớn nên nhiều hộ dân trong xã đã vay vốn ngân hàng để đầu tư theo phong trào. Hầu hết hộ nuôi cá nước lạnh trên địa bàn xã mang tính tự phát, chưa nắm được các quy định của pháp luật về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch, môi trường cũng như quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn. Thời gian qua, chính quyền xã đã tăng cường quản lý nhưng vẫn phát sinh thêm cơ sở mới, khó kiểm soát.

Ông Vàng A Khé, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan (Bát Xát).

Tình trạng phát triển “nóng” cơ sở nuôi cá nước lạnh ở xã Ngũ Chỉ Sơn và Phìn Ngan cũng là thực trạng chung khó kiểm soát ở các địa phương khác tại thị xã Sa Pa và các huyện Bát Xát, Văn Bàn… nơi có nguồn nước lạnh dồi dào.

Thống kê sơ bộ từ các huyện, thị xã, thành phố, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 946 cơ sở nuôi cá nước lạnh, trong đó tập trung chủ yếu tại thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát và huyện Văn Bàn.

Các huyện không có nguồn nước dồi dào để phát triển nuôi thủy sản nước lạnh là Si Ma Cai (không có cơ sở nuôi cá nước lạnh), Mường Khương (có 2 cơ sở) và Bắc Hà (có 4 cơ sở).

Tổng diện tích bể nuôi cá nước lạnh toàn tỉnh là 306.569 m2, tương đương 30,6 ha; số lượng lồng, bè là 361 (tập trung ở hồ Séo Mý Tỷ - hồ thủy điện Séo Chong Hô, thị xã Sa Pa).

Qua thực tế tìm hiểu của phóng viên, các cơ sở nuôi cá nước lạnh xuất hiện tràn lan ở nhiều địa phương của thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát đều trong tình trạng “3 không” (không phép, không đúng vị trí và không chấp hành các quy định về môi trường), thậm chí nhiều cơ sở được xây dựng trên đất nông nghiệp hoặc trên đất rừng phòng hộ nhưng khi được hỏi thì chính quyền xã hầu như không biết.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên, hiện nay, tại các xã như Liên Minh, Ngũ Chỉ Sơn, Tả Van (thị xã Sa Pa), Mường Hum, Dền Sáng, Trung Lèng Hồ, Y Tý (huyện Bát Xát) đang có hàng trăm cơ sở nuôi cá nước lạnh xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ, đất ven lòng khe suối do xã quản lý.

Một đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc theo dõi, thống kê cơ sở nuôi cá nước lạnh của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như báo cáo của các địa phương hiện chưa trùng khớp. Cụ thể, số liệu thống kê về thể tích bể nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 100.000 m3, tuy nhiên theo số liệu báo cáo của các địa phương đợt rà soát tháng 8 năm 2024 vừa qua thì riêng thể tích nuôi cá nước lạnh của thị xã Sa Pa đã hơn 363.000 m3.

Như vậy, số liệu thống kê thực tế về thể tích bể nuôi cá nước lạnh của các địa phương đang vênh so với thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu “thể tích nuôi cá nước lạnh” đề ra trong Kế hoạch số 346 ngày 18/10/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2022 - 2030.

Vậy vì sao lại xảy ra tình trạng số liệu thống kê số cơ sở nuôi cá nước lạnh “nhảy múa” giữa ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương? Dư luận đặt câu hỏi: Có hay không tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm và thậm chí có dấu hiệu tiếp tay cho một số cá nhân xây dựng trang trại nuôi cá trái phép ở một số địa phương (!?).

Sự phát triển “nóng” cơ sở nuôi cá nước lạnh tại các địa phương trong tỉnh đang đặt ra nhiều vấn đề, như sử dụng hợp lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, bảo vệ rừng và an ninh, trật tự vùng nông thôn… Câu hỏi lớn đang đặt ra đó là tại sao các địa phương lại “bất lực” trong kiểm soát sự phát triển của các cơ sở nuôi cá nước lạnh?

Vũ Sơn - Mai Dương - Khánh Ly

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang