Nguồn tin: Báo Lào Cai, 07/12/2024
Ngày cập nhật:
11/12/2024
“Lợi nhuận ròng từ nuôi cá nước lạnh mang lại rất lớn, chỉ cần 1 - 2 lứa thành công đã có thể thu hồi vốn. Do đó, bất chấp những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, nhiều hộ dân, doanh nghiệp ở các địa phương trong tỉnh Lào Cai vẫn rốt ráo tìm mọi vị trí có nguồn nước lạnh phù hợp để xây dựng trại nuôi” - ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai nhận định.
Qua thực tế tìm hiểu tại thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát, chúng tôi thấy nhận định của đại diện lãnh đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là hoàn toàn có cơ sở. Đơn cử như tại xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa), việc các cơ sở nuôi cá nước lạnh phát sinh “như nấm mọc sau mưa” trong những năm qua đang đặt ra thách thức khiến chính quyền địa phương “đau đầu” trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên nước, môi trường và an ninh, trật tự.
Theo chỉ dẫn của một công chức địa chính xã Ngũ Chỉ Sơn, chúng tôi tiếp cận trang trại nuôi cá của gia đình ông Chảo Láo Lở tại thôn Can Hồ B. Dù khu vực suối Can Hồ đang có lũ sau trận mưa lớn ngày hôm trước nhưng bất chấp nguy hiểm, nhiều người dân vẫn bình thản với công việc làm lều lán, xây dựng mở rộng, sửa chữa bể nuôi cá ngay cạnh suối. Theo quan sát của phóng viên, điểm nuôi cá này được xây dựng rất đơn giản, gồm một lán để trông coi và một số ao nuôi.
Tôi cũng rất lo lắng khi xây dựng ao nuôi ven suối vì nếu có lũ ống đổ về sẽ mất tất cả. Tuy nhiên, không có địa điểm nên gia đình đành đánh liều. Chính quyền địa phương đã đến nhắc nhở, yêu cầu tháo dỡ nhiều lần nhưng do chưa thu hồi được vốn nên tôi vẫn cố duy trì các ao nuôi, hy vọng không gặp rủi ro.
Ở xã Ngũ Chỉ Sơn từng xảy ra trận lũ ống lịch sử trên suối Can Hồ vào đêm 4/9/2013, cuốn trôi 11 trại nuôi cá nước lạnh ven hai bờ suối khiến hơn 10 người chết và mất tích, tài sản của các trại nuôi cá gần như bị xóa sổ. Vậy nhưng, thời gian có lẽ đã xóa nhòa nỗi đau và sợ hãi nên chỉ vài năm sau đó, các trại nuôi cá ở khu vực này lại tiếp tục mọc lên, thậm chí còn nhiều hơn trước.
Nói về thực trạng người dân ở địa phương bất chấp những nguy hiểm đua nhau đầu tư xây cơ sở nuôi cá nước lạnh ven các khe suối trên địa bàn, ông Lý Quẩy Dảo, Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn cho biết: Tại địa phương, vài năm gần đây, rất nhiều cơ sở nuôi cá nước lạnh được xây dựng ngay bên các khe suối, thậm chí có ao nuôi được người dân lén xây dựng ngay lòng suối. Tuy nhiên, khi chính quyền phát hiện ra thì họ đã làm xong, hơn nữa toàn là dân trong xã nên chúng tôi không thể cưỡng chế phá dỡ mà chỉ lập biên bản vi phạm rồi để cho hoạt động...
00:00 / 00:00
Còn tại Bát Xát, theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chuyên môn, huyện có 201 hộ dân và doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở nuôi cá nước lạnh. Sản lượng cá nước lạnh năm 2023 đạt 293 tấn, giá trị kinh tế gần 50 tỷ đồng. Nghề nuôi cá nước lạnh được đánh giá là đã khai thác tốt nguồn tài nguyên nước và điều kiện tự nhiên sẵn có, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân các xã vùng cao.
Dẫu vậy, trong những năm qua, việc quản lý các cơ sở nuôi cá nước lạnh trên địa bàn huyện chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí có địa phương buông lỏng nên xảy ra tình trạng có cơ sở vi phạm các quy định về đất đai, quy hoạch, môi trường, Luật lâm nghiệp; nhiều cơ sở nuôi nhỏ lẻ được người dân xây dựng trên đất không phù hợp, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, xây dựng ven suối, nơi có nguy cơ xảy ra thiên tai...
Đến xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát), phóng viên ghi nhận nhiều cơ sở nuôi cá nước lạnh đang được xây dựng không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chặn, lấn dòng chảy của các khe, suối dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ rủi ro do thiên tai.
Qua rà soát, trong số 48 cơ sở nuôi cá nước lạnh của xã thì có 8 cơ sở nằm trong lõi rừng phòng hộ, 4 cơ sở xây dựng ven suối, một số làm trên đất nông nghiệp.
Tại các xã Dền Sáng, Trung Lèng Hồ, Y Tý, trong vài năm gần đây, số lượng các trang trại nuôi cá nước lạnh cũng tăng theo từng tháng và hầu hết mọc lên tự phát. Bất kỳ thôn, bản nào có nguồn nước phù hợp là sẽ có điểm nuôi cá được người dân dựng lên, có chỗ đào ao lót bạt nuôi tạm, có chỗ xây bể kiên cố. Đối với người dân ở các địa phương này, phong trào nuôi cá hồi, cá tầm đang phát triển mạnh mẽ; nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư mà không cần biết tương lai ra sao.
Đến hiện tại, những rủi ro khi phát triển quá “nóng” các cơ sở nuôi cá nước lạnh trên địa bàn toàn tỉnh đã hiện hữu. Từ năm 2022 đến nay đã có một số đợt dịch bệnh trên cá nước lạnh gây thiệt hại tại thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát. Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất vẫn là do các đợt thiên tai gây ra.
Hẳn nhiều người còn nhớ trận lũ ống lịch sử cùng xuất hiện trên 3 con suối Nậm Pá, Nậm Than, Nậm Cang xảy ra đầu tháng 9/2023 tại khu vực Nậm Cang, xã Liên Minh (thị xã Sa Pa) đã quét sạch hơn 100 cơ sở nuôi cá nước lạnh trong một đêm. Không chỉ toàn bộ ao nuôi bị vùi lấp, tài sản bị phá hủy, lũ ống còn cuốn trôi 7 người dân đang trông coi, chăm sóc những ao nuôi cá nước lạnh.
Còn trận mưa lũ lịch sử do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Yagi), dù không gây nhiều thiệt hại về người nhưng cũng để lại hậu quả nặng nề cho ngành nuôi cá nước lạnh. Theo thống kê sơ bộ của các ngành, địa phương, toàn tỉnh có hơn 100 cơ sở nuôi cá nước lạnh bị ảnh hưởng (chủ yếu tập trung ở thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát), trong đó có 10 cơ sở nuôi bị lũ cuốn trôi hoàn toàn.
Đợt mưa lũ do hoàn lưu bão số 3, cơ sở thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Riêng trang trại tại thôn Sim San 1 (xã Y Tý) bị cuốn trôi 16 bể nuôi cùng hơn 30 tấn cá tầm, cá hồi đến kỳ xuất bán. Chúng tôi đang sửa chữa, vệ sinh cơ sở ở xã Trung Lèng Hồ để tái thả cá trở lại, còn trang trại ở thôn Sim San 1, xã Y Tý khó có thể khắc phục.
Anh Chỉn Văn Phà, chủ 2 trang trại nuôi cá hồi, cá tầm tại xã Trung Lèng Hồ và xã Y Tý (Bát Xát).
Mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 cũng cuốn trôi toàn bộ trang trại nuôi cá hồi, cá tầm cùng 3 tấn cá thương phẩm của gia đình tôi. Tổng thiệt hại cả cơ sở vật chất và cá là hơn 1 tỷ đồng. Hiện gia đình không biết phải làm thế nào để khôi phục lại trang trại vì bao nhiêu vốn liếng đã bỏ ra đầu tư hết cho vụ cá vừa qua.
Anh Tẩn Láo San ở thôn Tả Pờ Hồ, xã Mường Hum (Bát Xát).
Không chỉ nguy cơ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh mà nhiều trang trại cá nước lạnh trên cùng khe, suối ở một số địa phương đã bắt đầu xảy ra mâu thuẫn vì tranh chấp nguồn nước, tranh chấp đất đai gây mất an ninh, trật tự.
Những thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra thời gian qua đối với các cơ sở nuôi cá nước lạnh đang gióng lên hồi chuông cảnh báo nhưng dường như sức hút từ lợi nhuận của nghề này vẫn chưa thể khiến người dân, doanh nghiệp ngừng lại. Sau bão số 3, các cơ sở nuôi cá nước lạnh bị mưa lũ cuốn trôi vẫn tiếp tục sửa chữa để tái thả ngay trên vị trí cũ. Nếu các địa phương không tăng cường công tác quản lý thì số lượng cơ sở mới có thể sẽ tiếp tục tăng. Điều này đặt ra câu hỏi đối với ngành chức năng và các địa phương là có nên vì lợi ích kinh tế mà để cơ sở nuôi cá nước lạnh tăng “nóng” như thời gian qua?
Vũ Sơn - Mai Dương - Khánh Ly
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.