• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đời biển

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh, 09/12/2024
Ngày cập nhật: 11/12/2024

Cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào Quảng Ninh ngày 7/9 đã phá vỡ hệ thống lồng bè của trên 3.100 cơ sở nuôi trồng thủy sản (NTTS), thiệt hại lên đến trên 6.000 tỷ đồng. Gia đình ông Nguyễn Sỹ Bính, xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) nằm trong diện những hộ mất trắng với diện tích 5ha nuôi hàu và rong sụn, thiệt hại gần 10 tỷ đồng. Chúng tôi gặp ông Bính ngay sau bão tan, ông khẳng định: “Có chết tôi mới bỏ biển. Mất ở biển, tôi sẽ lấy lại từ biển”.

Được - mất như khúc nhạc cuộc đời người nuôi biển

4h sáng một ngày trung tuần tháng 11/2024, chúng tôi có mặt ở bè NTTS của ông Nguyễn Sỹ Bính. Mục đích chuyến viếng thăm này là để xem ông “lấy lại từ biển” như thế nào. Trên nhà bè của ông Bính, trong ánh đèn điện ắc quy, vợ ông, bà Trần Thị Nấm vừa rán xong đĩa bột mì nóng hổi. Mỗi người ăn nhanh vài miếng rồi ai vào việc người đó. Bà Nấm xâu dây giống, ông Bính mang số dây giống ấy ra treo thả trên giàn bè. Hôm ấy gió mùa, sóng lớn, chiếc thuyền nhỏ bằng chất liệu composit của ông Bính chất cao những xâu hàu giống dập dềnh rời nhà bè khi trời mới tờ mờ sáng.

Bà Nấm cho biết: Gần 3 tháng nay, kể từ sau cơn bão, vợ chồng tôi đều bắt đầu ngày làm việc từ lúc trời mờ sáng, còn chưa nhìn rõ mặt nhau nhằm tranh thủ làm thêm được tí nào hay tí ấy. Bão đến đã phá tan hết hệ thống lồng bè và thất thoát vật nuôi, tất cả đều phải làm lại mà vốn liếng của chúng tôi thì không còn nhiều, gọi thợ thời điểm này vừa khó vừa công cao. Thôi thì chịu khó, 2 vợ chồng cố gắng làm được càng nhiều càng tốt, rồi anh em, con cháu, họ hàng thương, giúp thêm công, thêm của. Chúng tôi sẽ tranh thủ khi tiết trời còn chưa quá lạnh này để thả giống thì tháng 7-8 năm sau được thu.

Nhờ tự lực cánh sinh, nhờ nỗ lực cao độ như vậy, đến cuối tháng 11 vừa qua, vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Bính thả lại được trên 1ha bè nuôi hàu, giá trị đầu tư trên 1 tỷ đồng. Dù kết quả tái sản xuất mới bằng khoảng 20% so với trước bão nhưng đây cũng là sự trở lại tương đối tốt.

Hết tháng 11, ông Bính đã thả nuôi mới được 1ha hàu và phục hồi một phần diện tích nuôi rong sụn.

Ông Nguyễn Sỹ Bính có thể coi là “người quen” của cánh nhà báo chúng tôi. Trong nhiều năm qua, khi cần phản ánh tình hình sản xuất NTTS trên biển, các đơn vị chức năng đều dẫn đến bè của ông như một điển hình. Gần 60 năm tuổi đời, trong đó 30 năm bám biển Vân Đồn, ông Bính trải qua đủ loại hình nuôi biển. Nào là nuôi ốc, nuôi tu hài, hàu, ngao, cá biển, rong sụn… Loại nào ông cũng gần như là người đi đầu hoặc là để lại dấu ấn riêng. Riêng đối với cây rong sụn, khẳng định ông Nguyễn Sỹ Bính là người đầu tiên của Quảng Ninh nuôi thành công.

Nghề nuôi biển mang lại tiếng tăm cho ông Bính, mang lại việc làm, thu nhập, lợi nhuận để ông sinh nhai, chăm nuôi con cái và tích luỹ. Nhưng cũng lại là nuôi biển bao lần lấy đi của ông nhà, xe, bao lần biến ông trở thành tay trắng. Ông Bính dí dỏm chia sẻ, chỉ tính “bão” lớn, tôi đã gặp 4 cơn. Đầu tiên là “bão dịch bệnh” tu hài, rồi đến cơn bão Hải Yến, “bão Covid” và giờ là Yagi. Mỗi cơn bão đều đẩy tôi từ đất liền xuống biển, vì nhà, đất, tài sản đều phải bán tháo để trả nợ hoặc bị siết nợ…

Năm 2012 là năm tu hài nuôi ở Vân Đồn chết hàng loại vì dịch bệnh, cả làng đều mất tiền, ông Bính mất nhiều hơn vì đổ hết vốn liếng vào làm lớn. Đến cuối năm 2013 khi ông vừa chuyển đổi từ tu hài sang ngao, hàu thì lại bị cơn bão Hải Yến cuối trôi. Giai đoạn Covid 2020-2022 không bão, không gió mà tê liệt sản xuất thuỷ sản, hàu hà của ông Bính ngon, béo là vậy mà không ai mua, thế là cũng thua. Đến cơn bão số 3 này có thể nói là gây ra thiệt hại nặng nề nhất, làm đổ sông đổ bể toàn bộ thành quả nhiều năm qua của vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Bính.

Ấy thế mà sau tất cả, vợ chồng tôi vẫn gắn với biển. "Ngay cả sau cơn bão số 3, khi không còn gì trong tay, nhưng chúng tôi không cân nhắc gì chuyện có hay không bỏ biển mà chỉ tính kế làm sao để làm lại. Chúng tôi coi việc được - mất như khúc nhạc thăng trầm của nghề nuôi biển và tôi chấp nhập nó…" - ông Nguyễn Sỹ Bính khẳng định.

"Bộ lọc" tạo giá trị thực sự cho biển

Biển Quảng Ninh rộng lớn, nhiều phù du, khá bình yên vì được núi đá che chắn. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển NTTS. Số hộ dân NTTS trên biển Quảng Ninh như hộ gia đình ông Nguyễn Sỹ Bính rất lớn và giống như ông Bính, phần lớn đều toàn tâm toàn ý với biển, qua bao lần thất bát vẫn bám biển, quyết tâm làm lại từ biển. Trong cơn bão số 3 vừa qua, mức độ thiệt hại của các vùng nuôi biển Vân Đồn, Quảng Yên, Cô Tô là trên 80%, mức độ thiệt hại ở các địa phương có biển còn lại thấp hơn, trong đó trên 3.100 cơ sở NTTS bị phá vỡ lồng lưới, bị thất thoát đến 32.000 tấn hải sản nuôi, trong đó trên 21.000 tấn hải sản đã đến kỳ thu hoạch, giá trị thiệt hại là trên 6.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 về mức độ thiệt hại (sau thiệt hại về công trình nhà ở và lâm nghiệp), chiếm 24% giá trị thiệt hại toàn tỉnh. Những thông số trên đủ cho thấy mức độ thiệt hại của NTTS do bão số 3 gây ra là rất nặng nề.

Từ những khó khăn đã chứng kiến phẩm chất tuyệt vời của những người nuôi biển Quảng Ninh. Không "than khóc", không trông chờ, người dân NTTS của Quảng Ninh tự cứu lấy mình, đã phát huy nội lực, khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất một cách mạnh mẽ.

Trong sự đồng hành của các cấp chính quyền và các đơn vị chuyên môn, người dân NTTS trên các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên đã được giao - nhận khu vực biển. Từ “cú hích” này, họ đã bắt tay trục vớt tàu bè, phao, lồng, đã gọi vốn, đã đổ đi tìm giống, tìm thợ, tìm phương tiện… để tái vụ, quyết tâm tạo dựng lại vùng nuôi biển trù phú và trù phú hơn như đã từng có. Tính đến cuối tháng 11, phần lớn các hộ NTTS trên biển bị thiệt hại do bão số 3 đã đầu tư mới, đã gia cố lại bè nuôi và xuống giống mới, trong đó 100% cơ sở nuôi hàu đã được xuống giống lại; có khoảng 15% số cơ sở nuôi cá biển đã đầu tư mới, gia cố lại bè nuôi tiếp tục xuống giống cỡ lớn (từ 0,8-1,2kg/con giống).

Hôm nay, ở vùng trung tâm nuôi biển Vân Đồn đã hiện diện khu NTTS mới mẻ với diện tích 8.600ha và trên 1.200 hộ dân ổn định sản xuất, như vậy số diện tích nuôi và số hộ nuôi thuỷ sản trên biển Vân Đồn đã cao hơn cả thời điểm trước bão. Ở vùng biển Quảng Yên trên 400 hộ dân đã được chính quyền giao mặt nước biển để phát triển sinh kế. Số còn lại sẽ được giao cho các HTX, các doanh nghiệp nuôi biển vốn cũng đang sẵn sàng tư liệu sản xuất để làm lớn...

Ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, phụ trách lĩnh vực thuỷ sản cho rằng, ở một khía cạnh nào đó, cơn bão số 3 là "bộ lọc" để chúng ta có những người nuôi biển đủ năng lực, trí tuệ, tâm huyết với biển, họ chính là những người tạo ra giá trị và sự bền vững cho ngành nuôi biển Quảng Ninh.

Bão gió thiên tai vốn đã mạnh bạo, dữ dằn nhưng tinh thần “vượt bão”, vượt qua hoàn cảnh của người nuôi biển còn mạnh hơn bão. Tiềm năng phát triển rộng mở của biển, cơ hội làm giàu từ biển và biết rằng những nỗ lực của bản thân dành cho biển là không bao giờ uổng phí.

Bước vào năm 2025, được cho là năm khởi đầu mới ngành thuỷ sản trong bối cảnh mới, trong đó hoạt động nuôi biển sẽ có sự tham gia của người nuôi trồng, quản lý nhà nước, nhà khoa học. Người dân đầu tư vật liệu bền vững, áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại, xây dựng nghiên cứu mô hình bền vững những loài nuôi mới, để không dừng lại ở nuôi đơn lẻ mà hướng đến phát triển chuỗi giá trị về thủy sản. Sở NN&PTNT tiếp tục hoàn thiện Đề án phát triển kinh tế thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lồng ghép, khẳng định giá trị trong 6 ngành kinh tế của tỉnh tại Nghị quyết phát triển kinh tế biển. Cùng với đó, chính sách riêng cho ngành thủy sản cũng đang được nghiên cứu xây dựng…

Tin rằng từ những kinh nghiệm đối mặt với thách thức về thiên tai, môi trường, về áp lực thị trường cũng như đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật toàn cầu, người nuôi biển Quảng Ninh đang và sẽ tìm ra những lối đi mới phù hợp để phát triển một cách bền vững và hiệu quả hơn, phát huy được tối đa giá trị và tiềm năng biển. Để NTTS Quảng Ninh năm 2025 không chỉ trở về trạng thái trước thiên tai mà tiến lên trạng thái mới cao hơn, tích cực hơn, đồng bộ, bền vững, hiệu quả hơn, đó là trạng thái bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Việt Hoa

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang