Nguồn tin: Báo Lào Cai, 08/12/2024
Ngày cập nhật:
12/12/2024
Trước thực trạng phát triển “nóng” cơ sở nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh, tháng 5/2024, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương về việc chủ động tổ chức kiểm tra hoạt động xây dựng, sử dụng đất đai, tài nguyên nước các cơ sở nuôi cá nước lạnh tự phát.
Đến nay, công tác kiểm tra, rà soát cơ bản hoàn thành, tuy nhiên những số liệu của các địa phương báo cáo vẫn chưa phản ánh hết thực tế tình hình nuôi cá nước lạnh trên địa bàn, bởi nhiều xã đã phải đề nghị bổ sung số lượng, thể tích ao nuôi và hiện trạng sử dụng đất...
Dù mới chỉ là những số liệu thống kê ban đầu từ các địa phương nhưng đã cho thấy sự phát triển rất “nóng” về số lượng cơ sở nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh. Nếu như giai đoạn 2005 - 2015, số lượng cơ sở nuôi cá nước lạnh phát triển tương đối chậm và sản lượng cũng không quá lớn thì trong khoảng 5 năm gần đây, sự tăng trưởng về quy mô cơ sở chăn nuôi cũng như sản lượng cá nước lạnh khá nhanh.
Một thực tế đang đặt ra là hầu hết địa phương nhận thấy sự phát triển “nóng” và những hệ lụy phát sinh nhưng giải pháp đưa ra vẫn còn nhiều điều phải bàn. Trước khi UBND tỉnh yêu cầu kiểm tra, thống kê số lượng, hiện trạng cơ sở nuôi cá nước lạnh thì trong các báo cáo trước đó, nhiều địa phương chưa thống kê chính xác nên đến khi các sở, ban, ngành của tỉnh vào cuộc tra soát, chính quyền các xã mới vội vàng cho kiểm tra lại và đề nghị bổ sung số liệu.
Bên cạnh đó, việc truy trách nhiệm đối với công chức địa chính, lãnh đạo các địa phương để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, khai thác trái phép nguồn nước, thậm chí lấn chiếm đất rừng phòng hộ hầu như chưa được cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương đặt ra.
Sau hơn 20 năm phát triển, hiệu quả kinh tế mà ngành nuôi cá nước lạnh mang lại cho tỉnh Lào Cai là không thể phủ nhận, như tạo ra sản phẩm đặc trưng, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế là rất nhiều cơ sở nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh được các hộ dân xây dựng tự phát, chưa căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chưa theo đúng kế hoạch về phát triển thủy sản của tỉnh…
Đặc biệt, hầu hết cơ sở nuôi cá nước lạnh được xây dựng chủ yếu gần các nguồn nước, bờ suối, nơi có địa hình dốc cao tiềm ẩn nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Lào Cai chưa có đánh giá tổng thể về những tác động của các cơ sở nuôi cá nước lạnh đến diện tích rừng phòng hộ, môi trường sinh thái, chất lượng môi trường nước và những hệ lụy khi có thiên tai xảy ra.
Vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay đối với ngành nuôi cá nước lạnh của tỉnh là phải rà soát lại chính xác hiện trạng cơ sở nuôi cá nước lạnh để từ đó có phương án quản lý, kiểm soát hợp lý, khoa học, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đảm bảo an toàn trước thiên tai.
Trước thực trạng các cơ sở nuôi cá nước lạnh tự phát tăng cao, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố có cơ sở nuôi cá nước lạnh khẩn trương kiểm tra, rà soát, lập danh sách chi tiết về tình hình xây dựng, sử dụng đất, tài nguyên nước, môi trường, diện tích ao, bể của các cơ sở nuôi cá nước lạnh trên địa bàn; tình hình xử lý vi phạm hành chính theo quy định đối với những trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, báo cáo kết quả thực hiện theo đúng quy định.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường.
Sau khi có kết quả rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương yêu cầu tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở nuôi cá nước lạnh hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật. Đối với những cơ sở xây dựng vi phạm quy định về hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ nguồn nước và gây cản trở, thu hẹp dòng chảy sẽ cương quyết yêu cầu chủ cơ sở tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm, phục hồi lại hiện trạng đất bờ sông, suối để đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai và bảo vệ hành lang nguồn nước.
Quan điểm của ngành đối với phát triển nghề nuôi cá nước lạnh trong thời gian tới là không tiếp tục tăng diện tích/thể tích nuôi mà tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, áp dụng công nghệ nuôi tiết kiệm nguồn nước lạnh.
Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cũng theo ông Lê Tân Phong, quy định về hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ nguồn nước, gây cản trở, thu hẹp dòng chảy... trên địa bàn tỉnh Lào Cai được thực hiện từ năm 2020. Sau khi rà soát, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hướng dẫn các cơ sở đảm bảo đủ điều kiện hoàn thiện thủ tục để tiếp tục hoạt động; các cơ sở tại khu vực nguy cơ cao xảy ra thiên tai nguy hiểm sẽ buộc phải dừng hoạt động để đảm bảo an toàn về tài sản cũng như tính mạng con người.
Theo những thông tin mà phóng viên có được thời gian vừa qua chỉ có huyện Bảo Thắng và huyện Văn Bàn đã triển khai công tác thanh tra, kiểm tra xử lý công chức địa chính và cán bộ lãnh đạo xã để xảy ra sai phạm trong quản lý cơ sở nuôi cá nước lạnh. Cụ thể, tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng), qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã xử lý kỷ luật 2 cán bộ địa chính và 2 cán bộ lãnh đạo xã. Nhân dân rất đồng tình ủng hộ và mong muốn các địa phương khác cũng tăng cường quản lý việc xây dựng cơ sở nuôi cá nước lạnh nghiêm túc, đúng quy định.
Không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng của ngành nuôi cá nước lạnh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một số địa phương trong tỉnh, nhất là đối với vùng đất du lịch Sa Pa, Bát Xát, bởi tạo ra những sản phẩm ẩm thực đặc trưng ít nơi nào có được.
Để nghề nuôi cá nước lạnh phát triển bền vững, thời gian tới, cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai cần bám sát Quy hoạch phát triển cá nước lạnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo Quyết định số 3195/QĐ-BNN-TCTS ngày 11/8/2015 để tập trung nghiên cứu, tìm giải pháp đồng bộ, khoa học nhằm phát triển nghề nuôi cá nước lạnh bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.
Đặc biệt, trước diễn biến khó lường của thời tiết, việc đề ra các giải pháp an toàn tài sản, tính mạng người nuôi cá nước lạnh cũng hết sức cấp bách. Để làm được điều này cần quyết tâm chính trị rất cao của các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã và sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, tránh để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Vũ Sơn - Mai Dương - Khánh Ly
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.