• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tiền Giang: Để nghề nuôi cá bè ở cù lao Thới Sơn phát triển bền vững

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 15/12/2024
Ngày cập nhật: 16/12/2024

Cù lao Thới Sơn, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) từ lâu được biết đến là vùng đất đặc trưng của sông nước Nam bộ, nơi đây còn là một trong những địa phương tập trung phần lớn số lượng bè cá của tỉnh, đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho hộ gia đình cũng như địa phương.

Cù lao Thới Sơn được bao bọc bởi con sông Tiền là điều kiện thuận lợi để nghề nuôi cá bè trên sông phát triển. Chính vì vậy, hàng chục năm qua, nghề nuôi cá bè nước ngọt trên sông đã hình thành và phát triển. Trong quá trình đó, người dân nuôi cá bè ở cù lao Thới Sơn đã trải qua nhiều thăng trầm để giữ vững được nghề nuôi cá bè trên sông như ngày nay.

* Còn không ít khó khăn

Anh Nguyễn Tấn Bỉnh, ấp Thới Hòa cho biết, với gần 20 năm trong nghề nuôi cá bè, anh đã trải qua không ít lần thăng trầm trong nghề, có thời điểm gia đình anh đầu tư tới 33 lồng bè nuôi cá (năm 2012). Có khi giá cả bấp bênh, nuôi cá không có lãi, gia đình anh buộc phải giảm số lượng bè cá xuống còn 6 lồng bè (năm 2016). Từ năm 2022 đến nay, khi giá cá thương phẩm đã dần ổn định lại, gia đình anh đã tăng lên 12 lồng bè để nuôi cá điêu hồng.

Các bè cá trên dòng sông Tiền đoạn qua cù lao Thới Sơn.

Anh Bỉnh chia sẻ: Người dân nuôi cá bè hiện nay gặp nhiều khó khăn, cụ thể đó là giá cả cũng như đầu ra sản phẩm từ cá phần lớn lệ thuộc vào thương lái; nguồn cung thức ăn trong thời gian qua tăng lên từ 20% - 30% so với năm 2023; thời tiết nắng nóng, khô hạn, nhiễm mặn diễn biến ngày càng phức tạp… Từ đó, người dân nuôi cá đã gặp không ít khó khăn, lợi nhuận thấp.

Hiện nay, mỗi tháng gia đình anh Bỉnh xuất bán từ 20 - 30 tấn cá điêu hồng với giá bán hiện tại khoảng 50 ngàn đồng/kg, với giá này gia đình anh lãi từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Trong hơn 5 tháng qua, giá cá thương phẩm ổn định, người dân nuôi cá bè rất phấn khởi, bù lại cho những tháng đầu năm 2024 giá cá thương phẩm chỉ từ 31.000 - 32.000 đồng/kg. Theo anh Bỉnh, với chi phí như hiện tại, để người nuôi cá có lãi, giá cá điêu hồng thương phẩm phải trên 40.000 đồng/kg.

Anh Bỉnh bộc bạch, với nhiều năm trong nghề nuôi cá bè, để cho đàn cá phát triển tốt, giảm hao hụt, cần chú ý ngay từ khâu thả cá giống, chọn thời điểm thích hợp như nhiệt độ, môi trường phù hợp, nguồn nước phải đảm bảo và không bị nhiễm mặn… Trong quá trình chăm sóc, phải luôn theo dõi sự phát triển của đàn cá, bình quân mỗi ngày cá nhỏ cho ăn 2 lần, cá lớn cho ăn 4 lần. Trong quá trình đó, cần theo dõi để biết được sức khỏe đàn cá để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với cá điêu hồng, thời gian từ lúc thả nuôi đến khi thu hoạch từ 7 - 8 tháng, với chi phí chăm sóc từ 350 - 400 triệu đồng/bè, bình quân 1 lồng bè với diện tích 5 x 10m, anh thả nuôi 1 tấn cá giống với tỷ lệ hao hụt khoảng 50%, đến khi thu hoạch cho ra từ 12 - 15 tấn cá thương phẩm.

* Từng bước nâng cao chất lượng

Anh Phan Ngọc Đăng Khoa, ấp Thới Hòa tâm sự, gia đình anh có 6 năm gắn bó với nghề nuôi cá bè. Hiện tại gia đình anh đầu tư 6 bè cá. Để giảm rủi ro, anh Khoa đã chọn giải pháp nuôi nhiều loại cá (cá điêu hồng, cá da trơn, cá trắm cỏ…), với cách thức này, trong những năm qua, anh Khoa đã hạn chế được vấn đề giá cả không ổn định. Hiện tại, gia đình anh từ 1 - 2 tháng sẽ thu hoạch khoảng 10 tấn cá thương phẩm với giá bán hiện tại: Cá điêu hồng khoảng 50.000 đồng/kg (lãi từ 5.000 - 10.000 đồng/kg), cá da trơn khoảng 42.000 đồng/kg (lãi khoảng 5.000 đồng/kg), cá trắm cỏ khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg (lãi khoảng 5.000 đồng/kg).

Với giá cả ổn định trong hơn 5 tháng qua, người dân nuôi cá bè ở cù lao Thới Sơn rất phấn khởi về một vụ mùa được giá, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cuộc sống gia đình cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Ngoài ra, người dân nuôi cá bè ở Thới Sơn mong muốn trong thời gian tới chính quyền địa phương, các cấp, các ngành có sự liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn để nông dân nuôi cá bè ở cù lao Thới Sơn được mua thức ăn cho cá với giá ổn định. Bên cạnh đó, nông dân cũng mong muốn, các ngành, các cấp tìm đầu ra ổn định cho cá thương phẩm để tránh tình trạng thương lái ép giá.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thới Sơn, nghề nuôi cá bè trên sông đã có từ hàng chục năm trước, phát triển mạnh từ khoảng hơn 10 năm nay. Hiện tại, toàn xã có 75 hộ nuôi cá với tổng số 583 lồng bè cá các loại (cá điêu hồng, cá da trơn, cá trắm cỏ, cá hô, cá chép, cá chim nước ngọt…), năng suất đạt từ 3.000 - 5.000 tấn/năm, giá cả trong hơn 5 tháng qua ổn định ở mức khá cao. Ngoài ra, để giúp người dân ứng phó với hạn, mặn ngày càng phức tạp, xã thường xuyên cập nhật, thông báo tình trạng nước nhiễm mặn trên sông Tiền qua loa phát thanh của xã và cho cán bộ xuống từng hộ nuôi cá thông báo. Chính vì vậy, người dân nuôi cá đã chủ động được thời gian xuống cá giống, cũng như có những biện pháp phù hợp để ứng phó, đảm bảo cho đàn cá ít bị hao hụt.

Thời gian tới, Ủy ban nhân dân xã tăng cường kết hợp với các sở, ngành chức năng để chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân nuôi cá theo hướng VietGAP, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường liên kết với các đầu mối thu mua cá thương phẩm như Cảng cá Mỹ Tho, các thương lái ở tỉnh Bến Tre, chợ đầu mối Bình Điền, TP. Hồ Chí Minh…; liên kết các doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm từ cá để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cá bè, tạo điều kiện để nghề nuôi cá bè ở cù lao Thới Sơn phát triển bền vững. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, khi điều kiện cho phép, xã sẽ kết hợp với các hộ nuôi cá bè tiến hành liên kết với các công ty du lịch, lữ hành để mở tour tham quan, trải nghiệm và thưởng thức các sản phẩm từ cá ngay tại các bè nuôi cá trên sông Tiền.

Hữu Thông

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang