Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 17/12/2024
Ngày cập nhật:
19/12/2024
Mùa mưa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã kết thúc. Giá tôm đang ở mức cao. Tình trạng thiếu tôm nguyên liệu dự báo kéo dài đến hết quý I/2025. Tất cả đã và đang là chất xúc tác cho một số trang trại, người nuôi tôm đi đến quyết định thả nuôi sớm vụ tôm nước lợ năm 2025 để có tôm bán được giá cao.
Gác lại những vui, buồn, tiếc nuối, từ tháng 10 đến nay, nhiều người nuôi tôm ở các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL đã quay lại thả giống cho vụ tôm nước lợ mới với kỳ vọng sẽ bán tôm được giá cao như dự báo. Hiện tại, dù độ mặn và một số chỉ tiêu môi trường chỉ mới đạt ngưỡng cho phép thả nuôi tại một số khu vực gần biển, nhưng không khí vụ nuôi mới cũng khá sôi động so với mọi năm. 2 khu nuôi tôm nước lợ của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta có tổng diện tích trên 500ha cũng đã thả giống dứt điểm trên 200ha từ giữa tháng 11 và số còn lại dự kiến thả giống dứt điểm vào ngày 20/12 này. Trong khi đó, theo khung lịch mùa vụ tôm nước lợ năm 2025 do Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ban hành, vùng trọng điểm nuôi tôm nước lợ ĐBSCL sẽ bắt đầu thả giống cho vụ nuôi mới vào đầu tháng 1 và kết thúc vào tháng 10/2025.
Nhiều hộ tiến hành thả giống nuôi sớm với hy vọng sẽ có tôm bán được giá cao.
Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, tôm nguyên liệu sẽ còn thiếu hụt đến hết quý I năm sau, nên các doanh nghiệp chế biến phải mua tôm nguyên liệu giá cao, trong khi giá tôm thành phẩm tiêu thụ phải cạnh tranh gay gắt với tôm giá rẻ hơn từ nhiều nước sẽ là vấn đề hết sức nan giải. Vì vậy, Công ty Sao Ta quyết định thả nuôi sớm để có thể chủ động một phần nguồn nguyên liệu ngay trong quý đầu của năm 2025. Ông Lực chia sẻ: “Mùa mưa ở ĐBSCL đã kết thúc, xác suất La Nina cũng ít dần đi, vùng nuôi của công ty rất gần biển và chúng tôi cũng có kinh nghiệm nhiều năm nuôi tôm thành công nên có thể thả nuôi sớm. Hy vọng năm 2025, năm sẽ có thời tiết nóng, điều đó thuận hơn trong việc nuôi tôm, sớm cải thiện tình hình tôm nguyên liệu, hoạt động ngành tôm ổn thỏa hơn”.
Hiện tại, giá tôm còn đang cao và theo dự báo sẽ còn giữ ở mức cao đến hết quý I năm sau là một tín hiệu vui đối với những người nuôi tôm theo hình thức thâm canh và siêu thâm canh. Đây cũng là những mô hình có đủ điều kiện nhất để có thể thả nuôi sớm so với khung lịch thời vụ. Theo ghi nhận của người viết, không chỉ có Sóc Trăng, mà một số tỉnh khác trong khu vực như: Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre… các hộ nuôi tôm theo mô hình thâm canh, siêu thâm canh đều tranh thủ cơ hội thả giống sớm. Theo các hộ nuôi này, nếu thả nuôi ở thời điểm hiện tại mà chọn được con giống tốt, không đụng mưa trái mùa nhiều thì khả năng thành công cũng rất cao. Đây chính là điều kích thích những người nuôi tôm lớn tranh thủ thả nuôi sớm ở vụ nuôi mới này.
Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn luôn được người nuôi đặt lên hàng đầu nên ngoài một số ít trang trại lớn thả nuôi hết diện tích, còn lại phần lớn chỉ thả nuôi một phần diện tích để thăm dò, nếu thấy thuận lợi mới tiếp tục thả nuôi hết diện tích. Lý do là bởi vụ nuôi sớm này dù có lợi thế là giá bán tôm cao nhưng cũng không ít rủi ro cho người nuôi, nhất là về thời tiết, dịch bệnh, do chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn. Do đó, chỉ những vùng nuôi, hộ nuôi nào có đủ điều kiện thì mới nên thả nuôi để tránh rủi ro đáng tiếc xảy ra. Thực tế cho thấy, tình hình dịch bệnh và thiệt hại đã xảy ra đối với một số diện tích thả nuôi mới này. Do đó, để đảm bảo cho vụ nuôi thành công, ngành chức năng khuyến cáo người nuôi cần hết sức thận trọng ngay từ khâu cải tạo ao nuôi đến xử lý nước, chọn con giống chất lượng từ đơn vị có uy tín…
Đối với người nuôi tôm, mỗi vụ nuôi luôn mang theo một sự kỳ vọng, đó là nuôi trúng mùa và bán được giá cao. Trong đó trúng mùa luôn là ưu tiên hàng đầu của mỗi vụ tôm nên việc chọn thời điểm thả giống là hết sức quan trọng. Bởi nếu không trúng mùa thì dù giá tôm có cao chót vót, người nuôi cũng không có gì để hưởng lợi hết. Vì vậy, ở vụ thả nuôi sớm này, dù rủi ro về mưa bão trong nuôi tôm đã giảm do vào cuối mùa, nhưng rủi ro về dịch bệnh vẫn còn lơ lửng, nhất là bệnh phân trắng và bệnh do EHP. Cơ hội bán được giá cao là rất lớn, nhưng những rủi ro tiềm ẩn cũng không ít cho người nuôi tôm nếu thả nuôi ở thời điểm hiện tại.
“Có gan” thôi là chưa đủ để “làm giàu”, mà cần có trình độ, tay nghề, kinh nghiệm… thì người nuôi mới có được vụ thả nuôi sớm thành công như mong đợi. Và đó cũng là điều mà hơn ai hết, mỗi người nuôi đều thấm thía qua những vụ thành công lẫn thất bại. Hy vọng, vụ thả nuôi sớm sẽ mang lại cho người nuôi niềm vui để có thêm động lực khi bước vào vụ thả nuôi chính.
TÍCH CHU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.