• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 20/12/2024
Ngày cập nhật: 22/12/2024

Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 20/12, do thời tiết mưa lạnh, diễn biến phức tạp, vừa qua, vùng nuôi cá lồng trên đầm phá tại thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương (TP. Huế) có 22 lồng cá bị chết với số lượng hơn 14 ngàn con cá ong căn, hồng, mú, nâu, dìa, vẫu, hanh…

Mấy ngày nay, người dân nuôi cá lồng ở xã Hải Dương (TP. Huế) lo lắng trước tình trạng cá nuôi chết hàng loạt, thiệt hại nặng. Một số hộ nuôi, lồng nuôi cá đặc sản gần như chết hoàn toàn, mất trắng. Thời tiết mưa lạnh vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo dài nên thủy sản nuôi ở Hải Dương và nhiều địa phương cũng có nguy cơ tiếp tục chết, nếu không có biện pháp bảo vệ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, sau khi nắm bắt thông tin cá chết, chi cục đã kiểm tra, lấy mẫu nước để phân tích các yếu tố môi trường. Kết quả cho thấy, có hai thông số về độ mặn và độ đục không phù hợp để nuôi thủy sản nước lợ, việc ngọt hóa hoàn toàn do mưa kéo dài thời gian qua có thể làm cho đối tượng nuôi bị “sốc”. Riêng độ đục có thể bám vào mang làm cho đối tượng nuôi không thể hô hấp và gây chết, đặc biệt đối với thủy sản còn non, kích thước nhỏ.

Do ảnh hưởng các cơn bão và áp thấp nhiêt đới trong tháng 11 kéo dài đến nay nên tại một số địa phương như xã Quảng Công (Quảng Điền), xã Hải Dương (TP. Huế), xã Phú Xuân (Phú Vang), xã Giang Hải (Phú Lộc) có thông số về sắt vượt giới hạn cho phép (0,5mg/l), có thể ảnh hưởng thủy sản nuôi nước lợ.

Tăng cường sục khí, tạo ô -xy cho tôm, cá nuôi trên cát ven biển

Chi cục Thuỷ sản khuyến cáo, để ứng phó mưa rét, giảm thiệt hại về kinh tế, cơ sở nuôi cá lồng phải chọn ao, hoặc vùng nước có môi trường thuận lợi, phù hợp để di chuyển vào lưu giữ, chăm sóc. Việc di chuyển đối tượng nuôi phải tránh xây xát, mất nhớt và “sốc” trong môi trường mới và cần tiến hành thu hoạch số cá đã đủ kích cỡ thương phẩm.

Đối với các ao nuôi còn lưu giữ các loại thủy sản chưa đạt kích cỡ thu hoạch phải bố trí ao chứa lắng, có biện pháp kỹ thuật phù hợp khi bổ sung nước; có chế độ chăm sóc tích cực như tăng cường các chất bổ sung vào chế độ ăn, theo dõi và tăng sức đề kháng đối với vật nuôi.

Các cơ sở đang nuôi chưa đến kỳ thu hoạch, hoặc thả giống nuôi dưỡng cho vụ nuôi năm 2025 (sau ngày 23/10 âm lịch) lưu ý thực hiện một số giải pháp để phòng chống mưa lớn, không khí lạnh vào thời điểm cuối năm. Các hoạt động gây sốc/stress cho thủy sản như kéo lưới, đánh bắt, vận chuyển… cần phải hạn chế để tránh làm cá yếu và giảm nguy cơ nhiễm bệnh “tác nhân cơ hội”.

Các hộ nuôi phải duy trì mực nước ao nuôi/bể đảm bảo độ sâu 1,5 - 2m, mực nước khu vực lồng nuôi từ 2-3m nhằm ổn định và tránh biến động đột ngột nhiệt độ nước nuôi và di chuyển lồng bè đến khu vực ít gió. Với các cơ sở nuôi tôm vụ đông, ngoài duy trì mực nước trong ao nuôi/bể phù hợp cần có các biện pháp chống rét như làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi/bể để bảo vệ tôm nuôi.

Quá trình nuôi phải đảm bảo cung cấp đầy đủ, sử dụng thức ăn có chất lượng cao, bổ sung Vitamin C để tăng sức đề kháng và tính toán lượng thức ăn phù hợp để tránh dư thừa gây ảnh hưởng đến chất lượng nước ao nuôi. Khi nhiệt độ nước ao nuôi xuống dưới 15oC thì ngừng cho ăn, tranh thủ các thời điểm nắng ấm trong ngày để cho thủy sản ăn với lượng phù hợp.

Vào mùa đông cần hạn chế thả giống, chỉ tổ chức thả giống đối với các cơ sở đáp ứng đủ điều kiện, có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho thủy sản. Các cơ sở, chủ hộ nuôi thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tình trạng sức khỏe thủy sản nuôi và các yếu tố môi trường nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp. Chú ý một số loài thủy sản có khả năng chống chịu rét kém như cá rô phi, cá chim trắng, cá lóc, ba ba, cá vược, cá chim vây vàng…

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong thời gian đến do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên rất có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to trên diện rộng, nhiệt độ giảm thấp. Do đó, Chi cục Thuỷ sản khuyến cáo người dân tại các vùng nuôi trên cát ven biển (tôm thẻ chân trắng, ốc hương, cá…), vùng nuôi dưỡng giống thủy sản và vùng nuôi thủy sản nước ngọt có lịch thả giống vào đầu năm 2025 cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình trạng sức khỏe của đối tượng nuôi để có biện pháp chống rét phù hợp cho vật nuôi và phát hiện các bất thường để xử lý kịp thời.

Bài, ảnh: Thế Trí

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang