Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 07/06/2024
Ngày cập nhật:
8/6/2024
Không chọn trồng những giống hoa lan quá đắt tiền, một nông dân trẻ phố núi Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã phát triển kinh tế gia đình từ một loài hoa lan sắc màu sặc sỡ: cattleya. Và từ anh, nhiều nông dân đang bắt đầu mở rộng diện tích loại lan giản dị này.
Anh Phạm Trường Sơn bên vườn lan của mình
HOA ĐẸP, GIÁ RẺ
Anh Phạm Trường Sơn, nông dân thôn Tân Bình 2, xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc mới bước sang tuổi 35, thế nhưng anh đã có kinh nghiệm 15 năm trồng lan. Anh Sơn cho biết, không giống nhiều nhà vườn trồng lan Lâm Đồng thường canh tác các loại như hồ điệp, vũ nữ, anh trồng một loại lan rất phổ thông: Cattleya. Anh Sơn thông tin, cattleya là loại lan có hoa to, màu sắc sặc sỡ, dễ chăm sóc và dễ nở hoa. Cattleya có thể trồng trong nhà hoặc ngoài trời nhưng đều đòi hỏi phải có bóng mát.
Cũng giống hầu hết các loại hoa lan, cattleya yêu cầu được trồng tại nơi có bóng râm. Sau thời gian ban đầu canh tác nhỏ, trồng trong nhà lưới, hiện tại anh Sơn đã có 4 sào nhà kính trồng lan. Nhà trồng Cattleya đơn giản với vòm cao, thoáng, dàn treo bằng sắt lủng lẳng hàng ngàn chậu lan. Anh Sơn cho biết, giống lan này dễ chăm sóc, hầu như chỉ cần tưới nước đầy đủ, cây sẽ phát triển và cho hoa. Để tập trung sản xuất, gia đình anh chuyên trồng hai loại là phi điệp năm cánh trắng họng hồng và dendro vàng. Phi điệp năm cánh trắng họng hồng chuyên ra hoa vào mùa xuân, đúng dịp tết nên được thị trường rất ưa chuộng. Còn dendro vàng, cho hoa màu vàng rực rỡ, màu sắc đẹp nhưng khó ra bông, người trồng cần shock nhiệt, kích thích để cây ra hoa. Cả hai loại hoa đều phục vụ cho dịp tết với giá cả rất vừa phải.
“Chưng bông vào dịp tết là truyền thống của người Việt, gia đình tôi trồng lan cũng phục vụ nhu cầu của người yêu hoa. Điểm đặc biệt là lan Cattleya khá rẻ, chỉ từ 80-150 ngàn đồng là đã có một chậu bông. Sau khi thưởng hoa, người yêu hoa tiếp tục chăm sóc, sang năm cây sẽ nở ra những giò hoa đẹp. Giá rẻ, dễ chăm sóc, cho hoa nhiều năm, đó chính là lợi thế để người nông dân gắn bó với lan Cattleya” - anh Sơn chia sẻ rất thật lòng.
Theo anh Phạm Trường Sơn, cây lan ở các lứa tuổi khác nhau có chế độ chăm sóc, phân bón, tưới nước khác nhau. Với 15 năm kinh nghiệm, anh Phạm Trường Sơn sản xuất từ cây giống cho tới chậu ra bông. Với các cây giống, anh lấy từ các chậu lan già với chiều dài 5-7 cm. Cho giống nghỉ trên giàn, tưới nước đều, sau một tháng sẽ nảy chồi. Đúng 45 ngày chồi dài 3 cm và được xử lý cấy vào giá thể. Sau khi trồng 18-22 tháng, từ chồi giống nhỏ sẽ cho ra một chậu lan trưởng thành, có hoa. Chính vì vậy, với thời tiết Bảo Lộc, anh Sơn thường cấy vào tháng Tư để cây ra hoa vào vụ tết năm sau. Mỗi năm, anh bán từ 10-15 ngàn chậu lan các loại. Anh Phạm Trường Sơn chia sẻ chân thành, một sào lan cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm, rất dễ bán, đã có sẵn thương nhân bao tiêu sản phẩm. Vào những ngày sát tết, gia đình anh xuất bán hàng chục ngàn chậu lan đang nở hoa sặc sỡ.
TRỒNG LAN VÀ GIẢM ẢNH HƯỞNG ĐẾN RỪNG
Điều khá đặc biệt với anh Phạm Trường Sơn, đó là anh hết sức chú ý tới vấn đề môi trường. Trước đây, người trồng lan Cattleya thường dùng dớn và vỏ thông để làm giá thể trồng lan do đây là những loại giá thể tự nhiên, thoáng, phù hợp cho lan. Tuy nhiên, nhận thấy dớn và vỏ thông là cây lá trong rừng, người khai thác dớn và vỏ thông ảnh hưởng tới rừng, anh Sơn đã chuyển hướng, tìm loại giá thể nhân tạo. Anh chia sẻ, trồng lan trong nhà kính, quản lý độ ẩm tốt nên vườn chuyển sang dùng xơ dừa để làm giá thể trồng lan. Trồng xơ dừa vừa có nguồn cung thoải mái, vừa rẻ, không gây hại tới rừng. Từ nhiều năm nay, anh đã nghiên cứu được mức tưới nước phù hợp với loại giá thể xơ dừa, giúp cây vừa khoẻ, lại giảm chi phí cho người nông dân cũng như giảm thu hái dớn rừng.
Khi xây dựng nhà kính trồng lan, anh Phạm Trường Sơn luôn làm bể chứa nước, lắp hệ thống thu nước từ mái xuống đưa trực tiếp vào bể, dùng nước mưa tưới cho lan, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa giảm áp lực nước chảy tràn gây xói lở. Theo anh, nước mưa cũng là tài nguyên quý, tưới cây lan rất tốt đồng thời tận dụng được nguồn tài nguyên nước, không cần khai thác quá mức hệ thống nước ngầm.
Chị Vũ Thị Yến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thanh nhận xét, hộ anh Phạm Trường Sơn là hội nông dân trẻ làm kinh tế giỏi. Từ mô hình trồng lan của anh Sơn, nhiều nông hộ xung quanh đã học kĩ thuật, lấy giống và canh tác lan Cattleya cho hiệu quả kinh tế cao. Xã Lộc Thanh cũng đang xây dựng nhóm hộ trồng lan thành tổ hợp tác, tiến tới thành lập HTX trồng lan Cattleya như một mô hình kinh tế bền vững cho nông dân. Được biết, với mô hình kinh tế hiệu quả, anh Phạm Trường Sơn được Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc hỗ trợ 50 triệu đồng để phát triển sản xuất cũng như thực hiện chuyển giao kĩ thuật cho nông dân trong vùng, phát triển cây lan Cattleya trên đất Bảo Lộc.
DIỆP QUỲNH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.