• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phục hồi cây trồng sau nhiễm mặn

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Long, 15/05/2024
Ngày cập nhật: 16/5/2024

Trước phản ánh của người dân xã Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) về tình trạng vườn cây ngày càng suy yếu, cháy lá, thậm chí chết cây, ngành chức năng đã đến khảo sát, ghi nhận, đánh giá nguyên nhân, đồng thời tập huấn nông dân cách phục hồi cây trồng.

Cây trồng suy kiệt

Tháng 4 vừa qua, người dân 2 ấp Bình Hòa 1 và Phước Định 1 (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) phản ánh với UBND huyện về tình trạng cây bị cháy lá, suy kiệt, thậm chí chết cây. Có vườn không thể phục hồi. Người dân nghi nguyên nhân do cây bị ngộ độc muối từ nguồn nước tưới lấy từ kênh rạch.

Có 4 công chôm chôm mới trồng đang chết dần, ông Nguyễn Văn Minh (xã Bình Hòa Phước) cho hay: “Lúc trong Tết, tôi thấy vườn cây 20 năm tuổi đã bị cháy lá, suy kiệt nên tôi đốn và trồng cây con lại, tuy nhiên, hiện cây vẫn suy. Giờ đợi mùa mưa đến, tôi sẽ nhổ bỏ cây con và tiếp tục trồng lại”.

Không chỉ riêng vườn của ông Minh, theo khảo sát chính quyền địa phương, chỉ riêng khu vực ấp Bình Hòa 1 (xã Bình Hòa Phước) có hơn 13ha vườn cây ăn trái chủ yếu là chôm chôm và sầu riêng đang bị thiệt hại. Nhiều vườn hiện chết khô, một số khác nông dân đang đốn bỏ. Chú Nguyễn Văn Nhàn (xã Bình Hòa Phước) cũng cho hay: “Trước mắt tôi thấy vườn sầu riêng của tôi đã bị thiệt hại khoảng 80%. Còn vú sữa thì năm trước thu hoạch được 1 tấn, năm nay không hái được trái nào”.

Theo nhiều nông dân, tình trạng cây suy kiệt, thất mùa đã xảy ra nhiều năm nay, tuy nhiên đến nay xuất hiện ngày càng nhiều vườn cây không thể phục hồi. Dù chưa được xác định chính thức về nguyên nhân gây nên tình trạng cây bị suy kiệt dần, nhưng nhiều nông dân có kinh nghiệm nghi rằng có thể do ngộ độc muối khi sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn để tưới.

Ông Phạm Minh Phú- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước, cho biết: Sau khi nhận được đơn phản ánh của người dân về độ mặn ở sông Cầu Mương, xã đã phân công cán bộ cũng như trực tiếp đi đo độ mặn của tuyến sông này. Theo đó, độ mặn đo được dao động từ 0,24-0,4‰. Nếu độ mặn từ 0,3‰, tưới lâu ngày thì có thể dẫn đến chết cây. Còn đối với cây chôm chôm độ mặn 0,3-0,4‰ thì cũng làm ảnh hưởng, cây cháy lá, khô đọt dẫn đến vườn cây suy yếu”.

Kênh, rạch, mương vườn có mặn

Theo ông Hồ Thế Nhu- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Long Hồ, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, ngày 19-20/4, Phòng Nông nghiệp-PTNT phối hợp với Chi cục Trồng trọt-BVTV cùng với UBND huyện, UBND xã khảo sát hiện trạng vườn cây ăn trái của những hộ dân ấp Bình Hòa 1 và ấp Phước Định 1.

Kết quả khảo sát ở 40 hộ trồng cây chôm chôm, sầu riêng và mai vàng có trên 13,7ha bị cháy lá và rụng lá. Trong đó: có trên 2.200 cây chôm chôm từ 3-30 năm tuổi; 860 cây sầu riêng từ 3-30 năm tuổi; 142 cây mai vàng từ 3-80 năm tuổi; 40 cây vú sữa hoàng kim từ 3-5 năm tuổi.

Qua khảo sát, đa số diện tích trồng cây chôm chôm, sầu riêng ở khu vực này đều có tỷ lệ bị cháy lá từ 10-80% số cây trên một vườn, có một số cây chôm chôm, sầu riêng bị chết nhánh. UBND xã đã có biên bản thống kê số hộ, diện tích, loại cây, tuổi cây bị ảnh hưởng.

Đến ngày 7/5, đoàn công tác tiếp tục khảo sát hiện trạng cây trồng trong mùa nắng các xã cù lao tại 3 khu vực gồm bến phà Đình Khao (ấp Phước Định 1, xã Bình Hòa Phước), khu vực cặp sông Cái Muối (ấp Phú An 2, ấp Bình Hòa 2, xã Bình Hòa Phước), khu vực vành đai ấp Phú Thạnh 4 (xã Đồng Phú).

Kết quả khảo sát hiện trạng vườn cây ăn trái của 15 hộ dân tại các khu vực trên: đa số các vườn cây sầu riêng, chôm chôm, mai vàng đều có dấu hiệu suy kiệt hơn so với năm trước.

Hiện trạng trên cây sầu riêng bị cháy lá từ 5-70% và đọt non bị rụng lá; chôm chôm bị cháy lá 20-80%; mai vàng có dấu hiệu lá nhỏ dúm lại từ 5-20%. Ngoài ra, có vườn cây chôm chôm, sầu riêng và mai vàng vẫn tươi tốt và phát triển bình thường.

Độ mặn đo được tại các điểm dao động từ 0,2-0,3‰. Riêng với khu vực vành đai của hộ có nuôi lươn thì độ mặn có cao hơn ở 2 vị trí còn lại 0,05-0,13‰ (độ mặn trong mương vườn dao động từ 0,25- 0,38‰ và ngoài sông 0,28-0,33‰). Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra 24 giếng khoan của 15 hộ nuôi lươn hầu hết bị nhiễm mặn với nồng độ từ 1,6-4,8‰.

Ngành chức năng tiến hành đo độ mặn trong mương vườn khu vực bị thiệt hại.

Theo đó, đoàn công tác đánh giá qua khảo sát, cây trồng trong khu vực gồm chôm chôm, sầu riêng, mai vàng, vú sữa hoàng kim bị cháy lá và rụng lá. Kết quả quan trắc phát hiện trên hệ thống kênh, rạch và trong mương vườn của nông dân có vườn cây bị cháy lá suy kiệt có độ mặn làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Bên cạnh, một số hộ có giếng khoan khai thác nước ngầm để nuôi lươn cũng chưa có giấy phép khai thác, số lượng khai thác của các hộ từ 30-200 m3/ngày đêm.

“Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng cháy lá cây trồng tại 2 ấp Phước Định 1 và Bình Hòa 1 (xã Bình Hòa Phước) như: kỹ thuật canh tác, cách chăm sóc, dịch bệnh, độ mặn, nắng nóng... Hướng tới, ngành chức năng, địa phương sẽ nghiên cứu tìm giải pháp để hài hòa lợi ích kinh tế giữa người trồng cây và nuôi lươn. Bên cạnh đó, khuyến cáo các hộ nuôi lươn không xả tràn”- ông Hồ Thế Nhu cho biết thêm.

Trước hiện trạng vườn cây ngày càng suy yếu, nông dân xã Bình Hòa Phước mong muốn chính quyền địa phương và ngành chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Ông Võ Trung Sơn- Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, cho biết: “Trước mắt, UBND huyện Long Hồ tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân chăm sóc, phục hồi cây trồng. Đồng thời, vận động nông dân trồng cây chủ động thực hiện phục hồi cây trồng sau khi nhiễm độ mặn. Chỉ đạo UBND xã cần cập nhật độ mặn thường xuyên để thông báo cho người dân biết. Bên cạnh đó, triển khai tập huấn cho các hộ nuôi lươn chuyển từ kỹ thuật nuôi nước ngầm sang nuôi nước mặt. Huyện cũng chỉ đạo các ngành chuyên môn thực hiện đóng các giếng khoan sai quy định”.

Bài, ảnh: THẢO LY

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang