• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lợi nhuận khá từ vụ lúa Hè Thu

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 17/07/2024
Ngày cập nhật: 18/7/2024

Năng suất đạt tương đối, nông dân có lợi nhuận khá từ vụ Hè Thu.

Những ngày qua nông dân trong tỉnh Vĩnh Long tập trung thu hoạch lúa Hè Thu. Mặc dù mưa giông thường xuyên diễn ra khiến việc thu hoạch lúa ở một số nơi gặp khó khăn, nhưng nhìn chung nông dân vẫn đạt lợi nhuận khá trong vụ lúa này.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, hiện toàn tỉnh đã thu hoạch khoảng 30.000ha lúa Hè Thu, chiếm 82,1% diện tích xuống giống, ước tính năng suất bình quân đạt 5,9 tấn/ha. Diện tích lúa còn lại đang giai đoạn chín và đang thu hoạch khoảng 6.550ha.

Thời tiết từ đầu vụ lúa đến trước thu hoạch tương đối thuận lợi, ít sâu bệnh, cây lúa phát triển tốt. Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch tập trung thường xảy ra mưa kèm giông lốc nên đã làm nhiều diện tích lúa đổ ngã. Theo đó, tại các ruộng này năng suất bị thiệt hại phổ biến từ 10-15%, chi phí thu hoạch bằng máy cũng tăng thêm từ 10-30%. Riêng đối với phần lớn diện tích lúa không bị đổ ngã năng suất vẫn đảm bảo.

Vừa thu hoạch xong lúa Hè Thu, chú Phạm Thanh Hiểu (xã Long An, huyện Long Hồ) phấn khởi khi ruộng lúa không đổ ngã trong các đợt mưa giông vừa qua. Qua đó, năng suất được đảm bảo, lợi nhuận đạt khá cao. Đây cũng là kết quả đạt được của nhiều nông dân khi áp dụng quản lý nước ngập khô xen kẽ và phòng trừ dịch bệnh theo IPM.

“Ruộng để khô nhiều hơn ngập nên cây lúa phát triển tốt, không bị nhiễm phèn, không bị ngộ độc hữu cơ. Dịch bệnh năm nay cũng không phát sinh nhiều, không có dịch hại nào đáng kể. Mùa này năng suất cũng gần bằng với vụ Đông Xuân, nếu như vụ Đông Xuân được 14-15 bao/công thì vụ này cũng 13-14 bao/công”- chú Hiểu cho biết thêm.

Tuy nhiên, với một số ruộng bị đổ ngã, năng suất lúa cũng bị giảm từ 10-30%. Có ruộng bị sập do mưa lớn nhiều ngày, chú Trịnh Văn Hải (xã Bình Phước, huyện Mang Thít) cho hay: “Mưa kéo dài nhiều ngày trước thời điểm thu hoạch nên lúa của tôi bị đổ ngã khoảng 20-30%. Vụ này chắc năng suất giảm khoảng 30% so với vụ Đông Xuân, sau khi trừ chi phí cũng còn lời khoảng 1 triệu đồng/công”.

Theo nhiều nông dân, khoảng 10 ngày nay, giá lúa tươi dao động từ 7.300-7.700 đ/kg đối với các giống lúa gieo sạ phổ biến là OM 5451 và OM 18, thấp hơn lúc mới gieo sạ. Cũng chính vì vậy có tình trạng giá nông dân bán thấp hơn giá đặt cọc trước đó hoặc tình trạng thương lái chịu lỗ vốn thu mua lúa của bà con nông dân.

Anh Lê Thanh Phong- thương lái thu mua lúa ở huyện Long Hồ cho hay: “Đầu vụ tôi đặt cọc lúa với giá 7.800-8.000 đ/kg, khoảng 1 tuần nay, giá lúa có giảm khoảng 500-700 đ/kg. Nếu không thu mua thì nông dân sẽ giận, vụ sau không bán cho tôi nữa nên tôi đành ráng chịu lỗ thu mua vụ này để lấy uy tín vụ sau mua tiếp”.

Theo ngành nông nghiệp, mặc dù gặp một số khó khăn nhưng nhìn chung việc thu hoạch lúa Hè Thu đến nay đúng kế hoạch mà các địa phương đề ra, nông dân đảm bảo có lợi nhuận. Theo kế hoạch, vụ lúa Hè Thu sẽ được thu hoạch dứt điểm trong tháng 7, sau đó nông dân chuẩn bị đất gieo sạ vụ Thu Đông sớm, hạn chế thiệt hại do mưa bão, triều cường diễn biến phức tạp giai đoạn cuối vụ.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT), thời tiết hiện nay nắng mưa xen kẽ thích hợp cho bệnh đạo ôn cổ bông tiếp tục phát sinh phát triển trên lúa Hè Thu muộn và đạo ôn lá trên lúa Thu Đông sớm.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo, những diện tích lúa Hè Thu đã thu hoạch xong cần vệ sinh đồng ruộng, xử lý nấm Trichoderma giúp rơm rạ mau phân hủy nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ; theo dõi diễn biến rầy di trú để có kế hoạch xuống giống lúa Thu Đông tập trung “né rầy” hiệu quả theo lịch khuyến cáo của địa phương. Áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ nhằm quản lý tốt các đối tượng gây hại như: ốc bươu vàng, bọ trĩ (bù lạch), chuột, cỏ dại,…

Bên cạnh đó, nguy cơ ruộng lúa bị ngộ độc hữu cơ từ việc tranh thủ mùa vụ do gieo sạ cập rập có thể dẫn đến tỷ lệ nhiễm bệnh gia tăng.

Đối với những diện tích chuẩn bị xuống giống, sau khi đã thu hoạch lúa Hè Thu cần vệ sinh đồng ruộng thật kỹ lúa rài, lúa chét và cỏ dại xung quanh bờ ruộng, xới trục kỹ và phải đảm bảo thời gian cách ly ít nhất 14 ngày. Đặc biệt những vùng xuống giống lúa Thu Đông không đảm bảo thời gian cách ly cần phải phun nấm Trichoderma, bón lót phân lân ngay khi làm đất lần cuối nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ. Xử lý vôi, bơm và tháo nước rửa đất cho những diện tích có nguy cơ ngộ độc hữu cơ cao.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang