• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vĩnh Long: Quản lý bệnh thối gốc và thối củ trên khoai lang

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 17/09/2024
Ngày cập nhật: 19/9/2024

Thời gian gần đây, bệnh thối gốc và thối củ trên khoai lang (KL) xuất hiện nhiều hơn, gây thiệt hại nặng đến năng suất và lợi ích kinh tế của người dân Vĩnh Long. Để quản lý tốt bệnh này, ngành chức năng đã thực hiện mô hình “Quản lý bệnh thối gốc và thối củ trên cây KL ở địa bàn huyện Bình Tân” nhằm giúp nông dân quản lý bệnh một cách an toàn, hiệu quả, tạo ra sản phẩm an toàn đáp ứng tốt nhu cầu của các thị trường khó tính hiện nay và thân thiện với môi trường.

Thời gian qua, việc thâm canh tăng vụ trên cây KL đã khiến tình hình dịch hại xuất hiện và gây hại ngày càng nhiều. Đặc biệt, thời gian gần đây, bệnh thối gốc và thối củ trên cây KL xuất hiện nhiều hơn, gây thiệt hại nặng đến năng suất và lợi ích kinh tế của người dân.

Theo kết quả giám định bước đầu của Trường ĐH Cần Thơ, bệnh thối gốc và thối củ KL tại huyện Bình Tân do nấm thuộc chi Diaporthe gây ra, gồm 2 loài Diaporthe batatas và Diaporthe destruens.

Bệnh xuất hiện và gây hại nặng ở các vùng chuyên canh từ 2-3 vụ KL liên tục/năm, bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn cây KL được 2 tháng trở về sau; sử dụng nguồn giống không đảm bảo chất lượng; ruộng trồng mật độ dày; sử dụng nhiều phân bón hóa học; bệnh thường gây hại nặng vào mùa mưa và chân ruộng thường xuyên bị ngập nước.

Nhằm tìm ra giải pháp quản lý hiệu quả đối tượng dịch hại mới này, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân, Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT) đã triển khai mô hình “Quản lý bệnh thối gốc và thối củ trên cây KL”.

Được thực hiện trong 6 tháng, ngay từ đầu vụ, mô hình đã áp dụng đồng bộ quy trình quản lý tổng hợp như: biện pháp canh tác, luân canh, giống khỏe, trồng với mật độ thưa, tăng cường sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học...

Qua các lần lấy chỉ tiêu từ khi xuống giống đến giai đoạn 150 ngày sau khi trồng, không phát hiện bệnh xuất hiện trong mô hình. Điều này cho thấy, việc áp dụng quy trình quản lý tổng hợp trên sẽ giúp quản lý tốt đối với bệnh thối gốc và thối củ trên cây KL.

Không chỉ vậy, mô hình còn bảo tồn được thiên địch trên ruộng như: bọ rùa, nhện, kiến ba khoang, bọ đuôi kìm… Trong mô hình tăng cường sử dụng phân hữu cơ nhằm thay thế một phần phân hóa học góp phần tăng sức đề kháng của cây trồng một cách gián tiếp thông qua vai trò quan trọng của chúng đối với các đặc tính sinh học của đất, cũng như sự phát triển của các cộng đồng vi sinh vật có ích trong đất làm cây khỏe mạnh hơn và có khả năng chống chịu tốt đối với dịch hại và góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Triệu chứng gây hại của bệnh thối gốc và thối củ trên cây khoai lang.

Tại thời điểm 145 ngày sau khi trồng, tỷ lệ củ thương phẩm của ruộng trong mô hình đạt 79,8% cao hơn so với đối chứng nông dân là 3,3%. Đồng thời, bề mặt vỏ củ KL của ruộng mô hình trơn bóng (không có hiện tượng rạn nứt vỏ) và màu sắc đẹp hơn rất nhiều so với ruộng đối chứng.

Ruộng trong và ngoài mô hình được đánh giá có năng suất tương đương nhau, bán với giá như nhau nhưng nhờ vào việc giảm lượng phân hóa học và giảm được 4 lần phun thuốc BVTV làm cho chi phí đầu tư trong mô hình thấp hơn, dẫn đến lợi nhuận đạt được trong mô hình cao hơn so với ruộng nông dân là 2.130.000đ/1.000m2.

Tham gia thực hiện mô hình, anh Nguyễn Văn Nhiên (xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân) cho biết: “Tôi thấy trong suốt vụ tình hình sinh trưởng của cây KL trong mô hình phát triển tốt. Cây sinh trưởng khỏe, khả năng xuống củ và nuôi củ rất tốt.

Củ có độ đồng đều cao hơn và có trọng lượng lớn hơn so với đối chứng nông dân ngoài mô hình. Trong mô hình sử dụng giống khỏe và sạch bệnh góp phần tăng khả năng chống chịu sâu, bệnh và điều kiện bất lợi của môi trường.

Bên cạnh, mô hình trồng với mật độ thưa giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn và giảm được phân bón. Tôi nhẩm tính vụ khoai này năng suất, chất lượng tốt hơn, lợi nhuận cũng tăng hơn. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục áp dụng trên các ruộng khoai còn lại”.

Bà Đinh Thị Tuyết Hạnh- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bình Tân cho biết: Mô hình “Quản lý bệnh thối gốc và thối củ đối với cây KL” với kết quả khả quan quản lý bệnh và hiệu quả kinh tế cao.

Để nhân rộng mô hình, thời gian tới phòng nông nghiệp sẽ phối hợp với địa phương tuyên truyền rộng rãi đến nông dân. Đồng thời, phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao quy trình sản xuất cho các ngành, đoàn thể, các hội viên ở cơ sở, lực lượng tổ khuyến nông cộng đồng, nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân cũng như các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và thực hiện mô hình ở những mùa vụ và các vùng đất khác trên địa bàn huyện để đưa ra các giải pháp quản lý tốt dịch bệnh, đồng thời giúp người dân có điều kiện tiếp xúc với phương pháp kỹ thuật mới đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.

Hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình tiếp tục ứng dụng các kỹ thuật đã được cán bộ chuyên môn tập huấn cần hướng dẫn và tuyên truyền, hướng dẫn lại cho những hộ dân lân cận trong vùng áp dụng quy trình quản lý bệnh thối gốc và thối củ đối với cây KL.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Từ kết quả thực hiện cho thấy, khả năng xâm nhiễm của bệnh sẽ cao đối với trường hợp có tạo vết thương cho cây KL. Đồng thời, việc thực hiện tốt biện pháp quản lý tổng hợp ngay từ đầu vụ cùng với chế độ chăm sóc hợp lý như: sử dụng phân hữu cơ để tăng cường sức khỏe đất, sức khỏe cây khoai; không sử dụng thuốc trừ cỏ, Pachlobutrazol,… để xử lý xuống củ và ức chế dây; bón phân cân đối và hợp lý theo nhu cầu của cây KL, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học,… Tất cả các yếu tố đó đã giúp cây khoai phát triển tốt, tăng cường sức đề kháng nên khi chủng nguồn nấm vào thì cây khoai đủ sức chống chịu nên sau 3 lần chủng bệnh thì cây khoai chỉ nhiễm bệnh với tỷ lệ thấp. Đồng thời, khi phát hiện bệnh sớm và áp dụng thuốc BVTV để quản lý sẽ khống chế tốt, ngăn ngừa bệnh lây lan.

Bài, ảnh: THẢO LY

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang