Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 07/10/2024
Ngày cập nhật:
9/10/2024
Theo ngành Nông nghiệp, sản xuất vụ lúa thu đông gặp nhiều khó khăn do thời gian này thời tiết mưa, bão nhiều, đây cũng là điều kiện lý tưởng để các loại sâu bệnh phát triển, phá hại lúa. Để hạn chế thiệt hại, đảm bảo sản xuất an toàn cho nông dân, ngành Nông nghiệp đề nghị các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch sản xuất vụ thu đông 2024 theo kế hoạch chung của tỉnh; riêng nông dân cần áp dụng đúng kỹ thuật và lịch thời vụ.
Nông dân xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) cải tạo đất chuẩn bị xuống giống vụ lúa thu đông. Ảnh: C.L
Vệ sinh kỹ đồng ruộng
Ngay sau khi thu hoạch dứt điểm trà lúa hè thu 2024, nông dân một số địa phương đã nhanh chóng bắt tay vào cải tạo mặt ruộng để tiến hành gieo sạ nối vụ. Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, thời gian phơi đất giãn cách mỗi vụ phải từ 15 - 20 ngày, để rơm rạ của vụ trước có thời gian phân hủy, tránh ngộ độc hữu cơ cho cây lúa vụ sau. Vụ lúa thu đông năm nay, toàn huyện Phước Long (Bạc Liêu) xuống giống khoảng 6.670ha, tập trung chủ yếu ở xã Vĩnh Thanh, hiện bà con đã hoàn tất việc xuống giống. Lão nông Trần Thanh Phong (xã Vĩnh Thanh) cho biết: “Mấy năm nay tuy có trạm bơm tập trung, giảm bớt khó khăn trong quản lý, kiểm soát nguồn nước trên mặt ruộng nhưng tình hình sâu, bệnh trên trà lúa thu đông thường rất phức tạp và tốn nhiều chi phí phòng, trị. Đúc kết từ những vụ trước lúa non thường bị vàng lá sau vài tuần do nhiễm độc hữu cơ từ do rơm rạ cũ phân hủy gây ra, vụ này gia đình tôi cải tạo kỹ lắm mới dám gieo giống xuống. Hy vọng vụ lúa này sẽ thành công”.
Bên cạnh việc chuẩn bị tốt khâu đảm bảo xuống giống đúng lịch thời vụ, khi xuống giống nông dân cần tuân thủ theo nguyên tắc chung là gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng; sử dụng lúa giống cấp xác nhận, sạ thưa, sạ hàng hoặc cấy với lượng giống 80 - 100kg/ha. Tuyệt đối không xuống giống nhiều trà lúa trên một tiểu vùng. Đồng thời, nên chọn sử dụng các giống ngắn ngày, có chất lượng cao, kháng sâu bệnh, cho năng suất cao, khá an toàn về dịch bệnh, phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất và thị trường tiêu thụ thời gian qua như: OM9582, Đài thơm 8, OM5451, OM7347, OM6976, OM18, OM4900…
Đầu tư cho hệ thống thủy lợi
Theo Sở NN&PTNT, trước dự báo mưa, lũ, bão, triều cường có khả năng diễn biến bất thường, các địa phương cần tập trung đầu tư cho công tác thủy lợi để đảm bảo an toàn, nhất là công trình thủy lợi nội đồng cần được tiến hành sớm nhằm tiêu thoát nước, chống ngập phục vụ diện tích lúa đã gieo sạ. Song song đó, nhu cầu đầu tư sửa chữa các trạm bơm tiêu cố định hiện có và lắp thêm các trạm bơm di động (giải pháp tiêu bằng động lực) ở những khu ruộng trũng, khó tiêu tự chảy, cũng rất cần thiết và rất lớn để tiến tới chủ động trong tiêu thoát nước hết diện tích lúa đã gieo sạ khi gặp những điều kiện bất lợi về thời tiết xảy ra.
“Vụ lúa thu đông năm nay, huyện Hòa Bình xuống giống khoảng 8.000ha, tập trung chủ yếu ở các xã có hệ thống trạm bơm khép kín. Đồng thời, để chủ động các phương án bảo vệ mùa vụ cho bà con, Phòng Nông nghiệp cũng đã xuống thăm đồng, hướng dẫn bà con xử lý mầm bệnh ở giai đoạn đầu của trà lúa cũng như sẵn sàng các phương án tiếp theo để hướng đến một vụ thành công”, ông Cổ Tân Xuyên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Bình, cho biết.
Bên cạnh việc tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm giúp vụ lúa thu đông vừa an toàn trước thiên tai vừa giúp tăng năng suất, sản lượng lúa, thì các địa phương cũng cần chú trọng đến vấn đề xã hội khác như: sự liên kết giữa nông dân, tổ chức sản xuất (hợp tác xã, tổ hợp tác) với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, về giá cả đầu vào - đầu ra trong sản xuất, thị trường tiêu thụ... nhằm đảm bảo hài hòa về thu nhập, lợi nhuận cho người trồng lúa và doanh nghiệp liên kết sản xuất, thu mua lúa gạo.
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, thời gian phơi đất giãn cách mỗi vụ phải từ 15 - 20 ngày, để rơm rạ của vụ trước có thời gian phân hủy, tránh ngộ độc hữu cơ cho cây lúa vụ sau. Trường hợp không đủ thời gian phơi đất, có thể dọn sạch rơm rạ, đồng thời cải tạo mặt ruộng thật kỹ, kết hợp với việc xử lý bằng các sản phẩm sinh học để đẩy nhanh quá trình phân hủy của rơm rạ cũng như loại bỏ các mầm bệnh trong đất. Tuyệt đối tránh sử dụng nhớt cặn như chất mồi lửa để đốt với mục đích xử lý nhanh lượng rơm rạ còn lại trên đồng.
Chí Linh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.