• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tỉ phú Ba Ớt kể chuyện nuôi tôm công nghệ cao

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 15/04/2025
Ngày cập nhật: 19/4/2025

Về huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang), hỏi thăm nhà ông Thùy Văn Ớt, tên thường gọi Ba Ớt ở ấp Ngọc Thuận, xã Ðông Hưng A, huyện An Minh gần như ai cũng biết. Là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương nhiều năm liền, ông Ba Ớt được biết đến là một trong những người tiên phong ở địa phương áp dụng quy trình nuôi tôm công nghệ cao, lợi nhuận thu về mỗi năm hàng tỉ đồng.

Ông Thùy Văn Ớt thu hoạch tỉa tôm thẻ chân trắng nuôi công nghệ cao trong bể nổi.

Trong khi hầu hết nông dân trong vùng mới thả lứa tôm đầu tiên của năm 2025 thì ông Ba Ớt đã thu hoạch hơn 2,6 tấn tôm thẻ, thu về gần 500 triệu đồng. Những con tôm được nuôi theo quy trình công nghệ cao 2 giai đoạn trong ao nổi sau 2,5 tháng nuôi đạt cỡ 30 con/kg, cỡ tôm mà ít có nông dân nào dám mạo hiểm dưỡng vì độ rủi ro cao. “Tôm nuôi đạt cỡ này bán mới được giá cao. Hiện tôm 30 con/kg bán với giá 186.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 160.000 đồng, có thời điểm giảm còn 95.000 đồng”, ông Ba Ớt cho biết.

Là thành viên của Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản Tân Huy với tổng diện tích sản xuất 13ha, ông Ba Ớt dành 15.000m2 cho nuôi tôm công nghệ cao 2 giai đoạn với 1 ao vèo, 3 ao lắng và 3 ao nuôi, phần diện tích còn lại ông nuôi tôm quảng canh. Theo kinh nghiệm của ông Ba Ớt, nuôi tôm là “nuôi nước”, phải gây màu nước trước 1 tuần mới thả giống vèo, chờ tôm lớn khoảng 1 tháng mới thả ra ao nuôi với mật độ 400 con/m2, sau đó tiếp tục chuyển qua bể nuôi với mật độ 250 con/m2.

Ðam mê con tôm cùng sự đầu tư bài bản, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, 5 năm trở lại đây, trại nuôi tôm công nghệ cao của ông Ba Ớt đạt sản lượng từ 40-50 tấn tôm thương phẩm/năm, doanh thu gần 4 tỉ đồng, trừ hết chi phí ông lợi nhuận hơn 2 tỉ đồng. “Ðể có được thành công như hôm nay, đòi hỏi phải có nguồn điện phục vụ sản xuất ổn định. Chi phí đầu tư ban đầu khá lớn khoảng 2 tỉ đồng, 2 năm đầu chuyển đổi, tôi lỗ trắng tay vì chưa có kinh nghiệm. Nhưng những thất bại đó là bài học quý giá giúp tôi gặt hái thành công hôm nay”, ông Ba Ớt nói.

Nhận thấy thời tiết ngày càng thay đổi thất thường, nắng nóng và hạn mặn diễn ra ngày càng gay gắt khiến nông dân trải qua nhiều khó khăn và rủi ro khi nuôi tôm quảng canh theo phương pháp truyền thống. Trước thách thức đó, ông Ba Ớt đi tham quan và học tập kinh nghiệm tại các mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở các tỉnh lân cận. Qua học tập, ông Ba Ớt nhận thấy nuôi tôm theo hướng nông nghiệp công nghệ cao mang lại nhiều lợi ích như kiểm soát môi trường nuôi, quản lý dịch bệnh, và nâng cao năng suất thu hoạch so với nuôi truyền thống. Năm 2019, ông quyết định thử nghiệm nuôi tôm công nghệ cao. Nối gót ông Ba Ớt, nhiều hộ dân trong ấp cũng dần chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh sang nuôi tôm công nghệ cao. Xác định chỉ có mua chung, bán cùng, hình thành vùng nguyên liệu tôm tập trung mới tăng hiệu quả sản xuất, ông Ba Ớt vận động thêm 16 nông dân cùng nghề thành lập HTX nuôi trồng thủy sản Tân Huy.

Nhằm tiếp thêm nguồn lực cho những nông dân nuôi tôm năng động, dám đột phá, cấp ủy, chính quyền huyện An Minh đã đề nghị và được tỉnh chấp thuận đầu tư ngân sách cho hệ thộng điện 3 pha cùng con đường bê tông dài 8km nối từ cảng Xẻo Nhàu về cống Thuồng Luồng với tổng kinh phí hơn 30 tỉ đồng. Cũng từ đây, nguồn điện phục vụ sản xuất, đường giao thông vận chuyển thức ăn, tiêu thụ tôm thương phẩm cho vùng tôm công nghệ cao xã Ðông Hưng A được thuận lợi hơn.

Nhắc lại chuyện ngày đầu lập nghiệp, ông Ba Ớt kể, năm 1991, ông cưới vợ, ra riêng, được cha mẹ cho 15 công ruộng lập nghiệp. Hết nuôi cá đồng, đến làm ruộng lúa mùa, vợ chồng ông Ba Ớt lại tập tành tôm sú, nuôi cua đẻ. Cơ cực chẳng ngại, mỗi năm, từ tiền tích lũy được, vợ chồng ông Ba Ớt mua thêm vài công ruộng. Bà Tôn Thị Phim, vợ ông Ba Ớt kể: “Khoảng năm 2008, vợ chồng tôi học được nghề nuôi cua sinh sản từ bên Cà Mau. Hồi đó bán cua con lời dữ lắm. Mỗi con cua đẻ được mấy trăm ngàn con cua con, bán với giá 1.100 đồng/con, có lần tôi bán được 140 triệu đồng, lúc đó vàng chỉ 20 triệu đồng/lượng”. Không chỉ mát tay với nghề “bà đỡ” cho cua, ông Ba Ớt còn mở trại thuần và bán tôm giống phục vụ người dân trong và ngoài xã. Hiện các con ông Ba Ớt đã thành tài, người làm bác sĩ, người phụ ông quản lý nuôi tôm công nghệ cao tại nhà. Xóm giềng quý mến vợ chồng Ba Ớt ở sự giản dị, gần gũi, và nhất là dù có của ăn của để nhưng vợ chồng ông Ba Ớt vẫn chăm chỉ lao động như những ngày đầu lập nghiệp.

Bài, ảnh: AN LÂM

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang