Nguồn tin: Báo Hòa Bình, 15/11/2014
Ngày cập nhật:
21/11/2014
Cam Cao Phong tăng nhanh diện tích, sản lượng trên lộ trình xây dựng chỉ dẫn địa lý, phát triển thương hiệu. Ảnh: Nông dân thị trấn Cao Phong (Hòa Bình) thu hoạch cam lòng vàng. Ảnh: P.V
Trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu, sản phẩm cam Cao Phong ngày càng khẳng định được lợi thế nổi bật so với các loại đặc sản khác của địa phương. Đến nay, cam Cao Phong là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh đã đăng ký bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Kết quả này mở ra nhiều cơ hội để cam Cao Phong trở thành một thương hiệu mạnh, có sức vươn bền bỉ ra thị trường trong và ngoài nước.
Cam kết vàng cho chất lượng sản phẩm
Với chức năng là đầu mối quản lý Nhà nước ở địa phương về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Sở KH & CN đóng vai trò quyết định trong việc đăng ký bảo hộ thành công CDĐL “Cao Phong cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong. Cụ thể, CDĐL “Cao Phong được bảo hộ cho 4 giống Cam CS1 (cam lòng vàng), cam Xã Đoài lùn, cam Xã Đoài cao và cam Canh với các tiêu chuẩn chất lượng đăng ký. Trong đó, chất lượng cảm quan của các sản phẩm được mô tả: Cam CS1 có vỏ quả và tép màu vàng đậm, vỏ quả nhẵn, túi tinh dầu lộ rõ; mùi thơm đặc trưng, mọng nước, vị ngọt đậm; hình dáng quả cầu đều. Cam Xã Đoài lùn mọng nước, thơm; quả hình cầu đều, màu vàng cam; vỏ nhẵn, túi tinh dầu lộ rõ; tép màu vàng nhạt; vị ngọt. Cam Xã Đoài cao mọng nước, thơm, quả hình cầu đều hơi lồi về cuối; vỏ quả màu vàng cam và nhẵn, túi tinh dầu nhìn rõ; tép màu vàng nhạt; vị ngọt. Cam Canh vỏ nhẵn và mỏng; mọng nước; quả hình cầu dẹt; vỏ đỏ vàng (khi chín); túi tinh dầu không rõ; múi ít hạt, vách múi dai nhưng dễ tan, ít xơ bã; vị ngọt mát. Cùng với những đặc điểm trên, chất lượng sinh hóa và cơ lý của cam Cao Phong cũng được nêu rõ trong bảng đăng ký chất lượng tiêu chuẩn. Đây chính là cơ sở để quản lý chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường và chống các hành vi làm sai lệch chất lượng đã đăng ký.
Theo thạc sỹ Bùi Kim Đồng - Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp, Viện cây lương thực và cây thực phẩm, mặc dù đều có nguồn gốc di thực nhưng các giống cam trồng tại huyện Cao Phong phù hợp với điều kiện khí hậu, nông hóa và thổ nhưỡng nên vẫn duy trì được những đặc tính di truyền tốt của giống gốc, thậm chí còn thể hiện một số ưu thế về chất lượng và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Đây chính là cơ sở để Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký CDĐL Cao Phong cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Thông qua việc cấp chứng nhận đăng ký CDĐL “Cao Phong cho sản phẩm cam trồng trên đất Cao Phong", Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận chất lượng của sản phẩm này, theo đó nêu rõ: Cam Cao Phong chỉ duy trì được chất lượng đặc thù khi trồng trên các đồi thấp và tương đối bằng phẳng, có độ cao 300 m so với mực nước biển, độ dốc <100. Đất trồng phải là đất feralit phát triển trên đá macma axit có màu vàng nâu, dày trên 1, 2 m hoặc đất feralit phát triển trên đá vôi, có màu vàng nâu nhạt, thoát nước tốt, dày trên 1,3 m.
Nhiều cơ hội mở ra cho cam Cao Phong
Khẳng định tầm quan trọng của sản phẩm cam Cao Phong được bảo hộ CDĐL, đồng chí Đỗ Hải Hồ, Giám đốc Sở KH &CN trao đổi: CDĐL là công cụ bảo vệ người sản xuất bằng chất lượng đặc thù của sản phẩm, cạnh tranh lành mạnh và chống gian lận thương mại, tạo cơ hội tiếp cận thị trường. Việc sản phẩm cam của huyện Cao Phong được bảo hộ CDĐL là bước ngoặt mang tính chiến lược, là tiền đề quan trọng để tiếp tục phát triển bền vững thương hiệu Cam Cao Phong. Kết quả này càng thêm ý nghĩa khi đặt vào tình hình bảo hộ tài sản trí tuệ hiện nay. Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, hiện nay, trên toàn quốc mới có 39 sản phẩm trong nước được đăng bạ bảo hộ CDĐL. Tại tỉnh ta, đến nay, cam Cao Phong là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ CDĐL. Đây là bước đột phá trong công tác phát triển tài sản trí tuệ cũng như góp phần phát triển KT -XH địa phương, bởi vì đây là hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao nhất dùng cho các sản phẩm có chất lượng đặc thù do các điều kiện địa lý của khu vực đó quyết định.
Trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu Cam Cao Phong, việc đăng ký thành công bảo hộ CDĐL đồng nghĩa với việc mở ra nhiều cơ hội mới cho sản phẩm. Thứ nhất, CDĐL Cao Phong là cơ sở pháp lý để bảo vệ người trồng cam Cao Phong trước các hành vi gian lận và tranh chấp thương mại về tên gọi sản phẩm trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Thứ hai, đây là công cụ quảng bá và giới thiệu sản phẩm, thông qua đó, người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến sản phẩm cam của huyện Cao Phong nhiều hơn, chính là cơ hội mở rộng thị trường và quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa. Thứ ba, CDĐL là công cụ nhằm thỏa mãn các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của sản phẩm, phương thức sản xuất trước yêu cầu ngày càng khắt khe về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng. Vì vậy, có thể giúp cam Cao Phong tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng cam. Thứ tư, CDĐL buộc người sản xuất phải cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, đây chính là cơ sở để hạn chế các tác động tiêu cực do biến động giá nông sản. Thứ năm, CDĐL là nhãn hiệu hàng hóa hỗ trợ người sản xuất nhỏ chưa đủ khả năng xây dựng thương hiệu hàng hóa riêng, việc sử dụng chung CDĐL cho sản phẩm góp phần thiết lập ngành hàng riêng cho nông sản đặc sản. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng là cần tuyên truyền để người trồng cam ở Cao Phong nhận thức được vai trò, giá trị của CDĐL, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ, duy trì chất lượng sản phẩm.
Đánh giá cao kết quả này, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận: Đăng ký thành công bảo hộ CDĐL cho sản phẩm là cột mốc quan trọng trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu Cam Cao Phong. Vấn đề tiếp theo rất quan trọng là phải quản lý và khai thác tốt CDĐL. Theo tôi, sẽ có hai thách thức lớn đặt ra, một là duy trì chất lượng đặc thù của sản phẩm, hai là sử dụng đúng và bảo vệ được tên thương mại trên thị trường. Vượt qua hai thách thức này, sản phẩm cam Cao Phong sẽ thực hiện được những bước tiến dài trong hành trình phát triển trở thành một thương hiệu mạnh với sức vươn bền bỉ ra thị trường trong nước và quốc tế.
Thu Trang
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Xem các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.