Nguồn tin: Kinh Tế Sài Gòn, 02/12/2014
Ngày cập nhật:
3/12/2014
Anh Nguyễn Thanh Trung bên vườn dâu tây của mình. Ảnh: N.H
Bạn có thể bỏ ra 50.000 đồng để mua 1 ki lô gam dâu tây, nhưng cũng có lúc bạn sẵn sàng trả một khoản tiền gấp 6 lần như vậy mà cũng không dễ có dâu tây để mua. Lý thuyết ai trả giá cao sẽ mua được hàng có vẻ chưa đúng với trái dâu tây...
Dâu tây có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sau đó được người châu Âu đưa về lai tạo và trồng ở châu Âu vào thế kỷ 18. Đến thập niên 1940, người Pháp đưa vào Việt Nam trồng ở Đà Lạt. Từ bấy đến nay, dâu tây Đà Lạt đã trải qua bao nỗi thăng trầm.
Cứu dâu Đà Lạt
Mấy chục năm có mặt ở Đà Lạt, phương thức trồng dâu tây của nông dân vẫn không có gì thay đổi. Đó là trồng ở ngoài ruộng và nhân giống bằng cách tách thân bò và cây con từ cây chính để trồng lại. Sau nhiều năm, giống dâu tây phát sinh nhiều thứ bệnh như héo lá, đốm đỏ, vàng mép lá, đặc biệt virus xoắn lá làm giảm năng suất và phẩm chất trái dâu. Điều này buộc người nông dân ngày càng sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hơn, đặc biệt là các loại thuốc diệt nấm.
Trước đây, để có những trái dâu tây thu hoạch được sau hai tháng, cứ cách hai, ba ngày, nông dân phải phun thuốc bảo vệ thực vật một lần. Nhưng có những lúc cây dâu mang quá nhiều bệnh, chúng được phun thuốc hàng ngày. Thời điểm trước năm 2012, theo kết quả kiểm tra của Chi cục Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, phần lớn dâu tây Đà Lạt tồn đọng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ 8 - 12% - mức không an toàn cho người dùng! Cùng lúc đó, dâu tây nhập từ Trung Quốc được bán với giá rẻ tràn ngập ở Đà Lạt. Cây dâu tây Đà Lạt đứng trước nguy cơ bị mất thương hiệu hoàn toàn.
Để cứu dâu tây Đà Lạt, một số nhà khoa học, nhà doanh nghiệp đã tìm cách nhập các giống dâu mới từ Mỹ, Đài Loan, New Zealand, châu Âu... để thay thế các giống cũ. Song song với quá trình này, một số hộ dân bắt đầu mày mò trồng dâu tây sạch bằng công nghệ mới - công nghệ thủy canh. Tuy nhiên, trong số rất ít người có thể giải được bài toán chi phí để sống được với công nghệ trồng dâu thủy canh, có câu chuyện về một “gã” thợ cơ khí tên Nguyễn Thanh Trung ngày đêm trằn trọc với ước mong cứu thương hiệu dâu Đà Lạt.
Gã khùng trồng dâu
Cái khó của anh Trung khi chuyển từ trồng dâu tây trên đất sang trồng trên giá thể, ngoài xơ dừa là chất không có dinh dưỡng ra thì việc bón phân thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt không thể xác định chính xác lượng phân bón cho cây là bao nhiêu. Anh Trung phải mày mò tự pha chế nhiều công thức phối trộn phân bón tưới nhỏ giọt. Ròng rã sáu tháng trời với nhiều đêm thức trắng, Trung cứ trồng dâu rồi nhổ bỏ, rồi lại trồng và nhổ bỏ...
Điểm mấu chốt trong ý tưởng trồng dâu tây sạch của anh Trung là giảm dần lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiến tới không cần dùng đến chúng mà cây dâu vẫn cho thu hoạch trái. Đó chính là điều ám ảnh anh cả trong giấc ngủ. Không tính được anh đã bỏ bao nhiêu công sức đổ sông đổ bể vì cứ làm và thất bại. Nhiều người cho anh là “gã khùng bám víu cây dâu”, vì rằng làm sao có chuyện trồng dâu không dùng thuốc mà cứ phải dày công, bỏ thời gian, tiền bạc để trồng rồi nhổ bỏ!
Quả thật đứng trước sự lựa chọn giữa việc tiếp tục mày mò thực hiện ý tưởng trồng dâu sạch không thuốc bảo vệ thực vật với chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày của gia đình, nhiều lần, Trung đã muốn bỏ cây dâu tây để quay về trồng rau, trồng hoa. May mắn thay, giám đốc một công ty kinh doanh thực phẩm ở TPHCM biết chuyện đã chấp thuận ứng vốn cho anh tiếp tục mày mò công nghệ trồng dâu sạch. Nhận được sự ủng hộ về vật chất lẫn tinh thần này, Trung lại tiếp tục với vườn dâu, với những nghiên cứu diệt nấm bệnh trên dâu mà không dùng thuốc bảo vệ thực vật và việc trồng thử nghiệm.
Vào lúc tuyệt vọng nhất thì một ý tưởng lóe lên trong đầu khi anh nghe thấy lời chào bán sản phẩm nước điện của một doanh nghiệp diệt được các loại nấm. Với vốn tiếng Anh ít ỏi nhưng Trung đã nỗ lực tìm kiếm trên mạng những tài liệu đề cập đến tác dụng của nước điện trong việc kiểm soát sự phát triển của các bào tử nấm. Vốn là kỹ sư chế tạo máy nên khi nắm bắt được vấn đề, Trung đã mày mò tự chế tạo hệ thống diệt bào tử nấm bằng dòng điện. Anh cho biết: “Hiện tôi đang thử nghiệm dùng nguồn điện phóng trực tiếp vào giá thể để diệt bào tử nấm. Bước đầu cho thấy tôi đang đi đúng hướng và không cần phải phun thuốc trừ nấm vào vườn dâu tây...”.
Hiện dâu tây của anh Trung bán có giá gần 300.000 đồng/ki lô gam, cao gấp mấy lần dâu tây trồng theo kiểu truyền thống, nhưng vẫn đắt hàng nhờ nhiều người đã quá sợ hãi trái cây có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, trong đó có trái dâu tây. “Dĩ nhiên, để khách có thể bỏ ra một số tiền lớn mua dâu tây về ăn, tôi phải tạo được niềm tin cho khách hàng, cho họ đến tận nơi quan sát, sờ tận tay, và quan trọng nhất là tôi phải cam đoan những gì tôi làm đúng như những gì tôi nói”, anh Trung chia sẻ.
Phong Vân
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Xem các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.