Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 06/01/2014
Ngày cập nhật:
8/1/2014
Những năm gần đây, với việc phát triển kỹ thuật xử lý cho trái cây ra rải vụ, nhiều loại trái cây nội địa hầu như có mặt trên thị trường quanh năm. Bên cạnh đó, thị trường còn có nhiều chủng loại trái cây nhập ngoại, tạo thêm cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng. Song, xuất xứ nhiều loại trái cây còn mập mờ đang là "rào cản lớn" đối với người tiêu dùng trong việc lựa chọn trái cây đảm bảo chất lượng, an toàn, có giá cả hợp lý.
Rối rắm về xuất xứ
Thời điểm này, thị trường trái cây đa dạng về chủng loại khi nhiều loại trái cây như: vú sữa, xoài, mận, cam, quýt… đang vào mùa thu hoạch. Các loại sầu riêng, chôm chôm, nhãn… được nhà vườn xử lý cho ra trái rải vụ và nghịch mùa để phục vụ thị trường Tết cũng có mặt trên thị trường. Tuy nhiên, trái cây nghịch mùa nhưng giá không đắt so với nhiều loại trái cây mùa thuận. Tại nhiều chợ trên địa bàn TP Cần Thơ, giá nhiều loại trái như: ổi, táo, đu đủ, dưa hấu, thanh long, bưởi 5 roi, cam sành, nhãn tiêu da bò, mận, các loại xoài thơm, xoài tượng, chôm chôm Java… đang ở mức 7.000-20.000 đồng/kg. Các loại xoài cát chu, cát Hòa Lộc, quýt đường, quýt hồng, sầu riêng hạt lép, bưởi da xanh, mảng cầu ta, quýt Vinh và cam Vinh, nho Phan Rang, chôm chôm nhãn, chôm chôm giống Thái…có giá từ 25.000-40.000 đồng/kg, tùy loại.
Thu mua đu đủ tại một vựa trái cây ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
Trái cây nhập ngoại đang bày bán trên thị trường hiện cũng khá đa dạng về chủng loại. Phổ biến nhất và dễ bắt gặp tại các điểm bán trái cây là các loại bom, lê, cam quýt và nho, lựu, hồng… giá chỉ ở mức 25.000 - 40.000 đồng/kg. Theo một số chủ sạp kinh doanh trái cây, giá những loại trái cây trên rẻ do chủ yếu là xuất xứ từ Trung Quốc. Bom lê được người bán ghi là bom Nhật, Mỹ và Úc… giá từ 45.000 - 65.000 đồng/kg; nho Mỹ, nho Úc giá khoảng 60.000 - 120.000 đồng/kg, tùy loại. Nhìn bằng mắt thường, nhiều người tiêu dùng rất khó phân biệt đâu là trái cây của Trung Quốc, đâu là trái cây nhập ngoại cấp cao.
Sau các vụ việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm của trái cây nhập ngoại, hiện nhiều người tiêu dùng rất ngán ngại đối với trái cây nhập ngoại giá rẻ, nhất là trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc. Song, nhiều loại trái cây nhập ngoại giá rẻ, không rõ chất lượng vẫn tràn ngập trên thị trường. Đây là một nghịch lý? Các chuyên gia thị trường cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên do thời gian qua việc buôn bán các loại trái cây ở thị trường trong nước chưa được quản lý tốt về xuất xứ hàng hóa. Ngành chức năng còn thiếu các quy định bắt buộc và chế tài đối với các trường hợp không công bố rõ ràng xuất xứ, chất lượng sản phẩm và niêm yết, bán đúng giá. Có lẽ vì vậy, nhiều người ngang nhiên giới thiệu các loại trái cây có xuất xứ Trung Quốc là hàng của Việt Nam hoặc của Thái Lan, Mỹ, Úc… để dễ bán hàng và bán được giá cao.
Trái cây nội địa chủ yếu buôn bán dạng xá, chất đống, để trên mâm, xề. Sản phẩm thiếu bao bì, nhãn hiệu, người tiêu dùng chỉ biết xuất xứ hàng hóa thông qua lời giới thiệu của người bán nên dễ bị đánh lừa khi người bán hàng đưa ra các thông tin sai lệch. Chị Trần Thị Năm, ngụ ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, bộc bạch: "Sự đa dạng về chủng loại, giá cả của các loại trái cây trên thị trường đang tạo nhiều cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, có tình trạng người bán hàng đã lấy trái cây nhập ngoại giá rẻ của Trung Quốc để giới thiệu là hàng Việt Nam hoặc hàng nhập ngoại cấp cao. Để tránh bị đánh lừa, người tiêu dùng phải hết sức chú ý khi mua trái cây, phải chọn lựa những nơi bán có uy tín để mua hàng ".
Cần truy xuất nguồn gốc
Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc các loại trái cây trên thị trường rất khó do việc buôn bán trải qua nhiều khâu trung gian. Tuy nhiên, đối với những người bán hàng thì việc phân biệt giữa trái cây nội địa và trái cây nhập ngoại không phải là chuyện quá khó. Rõ ràng cùng với sự cảnh giác của người tiêu dùng, để loại bỏ tất cả các loại trái cây nhập ngoại kém chất lượng ra khỏi thị trường rất cần sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng và các bên có liên quan, nhất là sự tham gia của người bán hàng trong việc công khai xuất xứ sản phẩm.
Thời gian qua, chất lượng nhiều loại trái cây trong nước được nâng cao nhờ phát triển sản xuất theo hướng sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nhiều địa phương trong nước đã hình thành được các mô hình sản xuất thanh long, vú sữa lò rèn, xoài cát hòa lộc, chôm chôm Java… theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Đây là cơ hội tốt để trái cây nội có thể hoàn toàn làm chủ thị trường trong nước. Vấn đề còn lại là phát huy lợi thế và khắc phục những hạn chế của trái cây nội.
Bà Trần Thị Hảo, chủ vựa trái cây Minh Hùng 1 ở thị trấn Phong Điền, TP Cần Thơ, cho rằng: "Vựa trái cây chủ yếu thu mua các loại trái cây của nhà vườn tại địa phương như: vú sữa, cóc, xoài… đem đi nơi khác tiêu thụ. Năm nay, nhiều loại trái cây có giá so với năm trước và việc tiêu thụ nhiều loại trái cây cũng thuận lợi do nhiều người tiêu dùng ưa chuộng trái cây nội. Tuy nhiên, người tiêu dùng còn gặp khó trong việc nhận biết trái cây nội địa và ngoại. Tình trạng buôn bán các loại trái cây ngoại theo kiểu mập mờ về xuất xứ cũng gây ảnh hưởng cho sự lựa chọn của người tiêu dùng và có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của một số loại trái cây nội địa do bị trái cây ngoại kém chất lượng giả danh". Một trong những hạn chế lớn của trái cây trong nước là chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất và tiêu thụ. Hiện phần lớn nhà vườn phải tiêu thụ hàng qua thương lái, sản phẩm bán ra thị trường thiếu bao bì, nhãn hiệu. Trong khi đó, khâu chế biến và bảo quản trái cây sau thu hoạch còn hạn chế nên người kinh doanh ngán ngại bán trái cây nội.
Từ thực tế này, cần sự quan tâm hỗ trợ của các ngành chức năng trong công tác quy hoạch, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết với các doanh nghiệp và nhà tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm một cách bền vững. Mặt khác, nhà nước cần ban hành thêm các chính sách hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm được sản xuất theo các quy trình sạch (như GAP) có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, nhà vườn trồng cây ăn trái ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: "Tôi có 6 công vườn nhưng chỉ 2 công trồng chuyên canh vú sữa lò rèn và vú sữa bơ, còn lại là vườn tạp. Gia đình tôi rất cần Nhà nước có chương trình cho vay vốn ưu đãi để cải tạo hết các diện tích vườn tạp chuyển sang trồng các loại cây đặc sản. Ngoài ra, chúng tôi cũng cần nhà nước hỗ trợ trong việc kết nối với các nhà tiêu thụ trái cây để có đầu ra sản phẩm ổn định hơn". Theo chị Hạnh, thời gian qua giá bán lẻ vú sữa lò rèn (loại I) trên thị trường ở mức trên 20.000 đồng/kg nhưng thương lái đến vườn thu mua chỉ ở mức 8.000 - 10.000 đồng/kg (hàng xô). Đây là thiệt thòi lớn cho cả nhà vườn và người tiêu dùng.
Khánh Trung
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Xem các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.