• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hướng đi nào cho thương hiệu cam Vinh?

Nguồn tin: Báo Nghệ An, 31/12/2013
Ngày cập nhật: 1/1/2014

Thương hiệu cam Vinh đã tồn tại và lưu giữ mãi vì chất lượng sản phẩm mà người trồng cam đã dày công chăm sóc. Nhưng đầu ra cho thương hiệu cam Vinh đang là bài toán khó giải, khi cam Vinh chưa được dán nhãn và đang bị mạo danh.

Cam Trung Quốc “đội lốt” cam Vinh

Khi những cái rét cắt da ùa về, là khi người dân xứ Nghệ được thưởng thức vị ngọt thơm, giàu dinh dưỡng từ trái cam từ lâu được gọi là cam Vinh. Mùa này đi đâu cũng thấy cam, cam tại các chợ bán lẻ truyền thống, cam trên những sạp hàng siêu thị, cam trên những chiếc xe tải dừng dọc hai bên đường. Dù nhiều, nhưng cam có giá không hề rẻ, dao động từ 30 – 50 ngàn đồng, tùy loại cam. Và hầu hết đều được các tiểu thương bán lẻ cam đoan “Cam Quỳ Hợp xịn đấy!”

Theo dư luận, trên thị trường hiện tồn tại những loại cam xuất xứ từ các vùng khác, không đảm bảo chất lượng vẫn được trà trộn trong những hàng cam Vinh. Và không ai có thể phân biệt đâu là cam Vinh đâu là cam có xuất xứ từ các vùng khác. Để tìm nguồn gốc xuất xứ các loại cam, chúng tôi tìm đến chợ đầu mối.

2h sáng, tại chợ Vinh, những xe cam đã tấp nập đậu kín đường Cao Thắng nơi trước đây chỉ dành cho chợ hoa quả miền Tây. Những thùng các - tông đóng gói cẩn thận được các chủ hàng bốc trên xe xuống, những quả cam chín mọng được phân loại đều tăm tắp, tưởng là cam từ Nghĩa Đàn hay Quỳ Hợp, thế nhưng quan sát thấy người bán hàng chỉ nêu giá từ 11- 14 ngàn đồng/kg, bằng một nửa giá cam được bán lẻ tại các chợ. Hóa ra đấy là cam Hà Giang, cam Trung Quốc, chủ hàng Nguyễn Phi Long cho biết: “Cam này bọn em nhập từ Hà Giang thì mới có giá ấy chứ”. Băn khoăn vì sao lại lựa chọn loại cam ở tận địa đầu Tổ quốc mà không ưu tiên dùng cam nhà mình. Anh Long nói: “Cam Hà Giang chỉ có giá bằng 1/3 cam Vinh nên tiểu thương mua về bán lẻ chuộng hơn”.

Trong số 7 xe hàng chỉ có 2 xe cam Quỳ Hợp và cam Nghĩa Đàn được dân buôn định đoạt ngầm vị trí đỗ xe, đổ hàng. Cam Quỳ Hợp đổ sỷ, được đỗ ở sâu phía trong, có giá không hề rẻ, giao động từ 30- 45 ngàn đồng/kg (tùy mẫu quả). Mỗi đêm, chủ hàng nhập từ thương lái Quỳ Hợp từ 4 đến 5 tấn, có ngày bán hết nhưng cũng có ngày còn dư dăm bảy tạ, để bán lẻ trong ngày. Anh Nguyễn Văn Quân là thương lái đổ sỉ hàng hoa quả tại chợ Vinh cho biết: “Tôi đã buôn cam Quỳ Hợp được 7 năm nay, và hầu hết đều nhập cho một số mối quen, cam này tuy đắt nhưng ăn quả cam người ta biết ngay địa chỉ của nó. Chỉ tiếc khi nó được bán lẻ thì tại rất nhiều nơi, người ta đã độn nó với cam Hà Giang, Trung Quốc gây thất thiệt cho người tiêu dùng”. Ông Bình, người mua hàng của anh từ 5 năm nay nói thêm: “Chúng tôi phải độn cam thì mới có lãi chứ, nếu không độn thì người mua phải trả giá cao từ 45-55 ngàn đồng/kg, thường thì chỉ bán cho khách sộp thôi. Đa phần bà con chỉ mua với giá 30-35 ngàn đồng/kg, đó cũng chính là giá mà chúng tôi buôn vào”.

Lời giải cho thương hiệu cam Vinh?

Vì sao cam Vinh đã được đăng ký quyền bảo hộ thương hiệu từ 2010 nhưng không có tem nhãn? Đem điều này thắc mắc với cơ quan quản lý nhà nước, ông Hoàng Văn Tám - Phó Giám đốc Sở KHCN cho hay: “Việc bao tiêu sản phẩm thương hiệu cam thì đã có các nhà sản xuất được trao chỉ dẫn địa lý thực hiện, chúng tôi chỉ quản lý về mặt nhà nước mà thôi”.

Theo lời ông Tám chúng tôi tìm đến vùng đất Phủ Quỳ, nơi được xem là thủ phủ của thương hiệu cam Vinh. Con đường đất đỏ ngoằn nghèo dẫn chúng tôi vào Nông trường Cờ Đỏ - Nghĩa Đàn, nơi đây từ những năm 70 thế kỷ trước có tiếng là vựa cam xuất khẩu đi các nước Đông Âu với sản lượng lên tới 4 đến 5 nghìn tấn/năm. Thời ấy toàn bộ đất nông trường đều trồng cam, nhà nhà giàu lên từ cam, dân nông trường đi đâu cũng được phong địa chủ nhờ những trái cam họ trồng được đi khắp muôn nơi, mang đến nguồn lợi không nhỏ cho các chủ lô... Khi được hỏi về việc cam Vinh đã được đăng ký quyền bảo hộ thương hiệu, và cam Nông trường Cờ Đỏ có phải là vùng cam được nhận những nguồn lợi từ chỉ dẫn địa lý cam Vinh hay không? Ông Nguyễn Minh Hòa - Phó Giám đốc Nông trường cho biết: “Chúng tôi đã có những đầu tư về kỹ thuật trồng để cho ra những mẫu quả đẹp nhất nhưng hiện bà con đang phải bán ra tại gốc với giá rẻ chỉ bằng 1/3 ngoài thị trường. Và việc gia nhập Hiệp hội cam Vinh thì chúng tôi vẫn chưa được hướng dẫn”. Ông Hòa dẫn chúng tôi đến lô cam đang vào mùa thu hoạch, chị Lê Thị Hương thuộc Đội sản xuất số 2, chủ lô cho biết: “Hiện chúng tôi chỉ bán ra với giá 7 ngàn đồng/kg thôi, mà khi ra đến chợ thấy người ta bán 30 ngàn đồng/kg. Không hiểu vì sao cam ở nông trường chúng tôi chất lượng tốt thế mà rớt giá thê thảm quá!”

Chị Nguyễn Thị Hương (Đội sản xuất số 2, Nông trường Cờ Đỏ) trao đổi với phóng viên về quy trình trồng cam.

Để có một mùa cam bội thu ngoài yếu tố mưa thuận gió hòa, người nông dân quanh năm một nắng hai sương phải tuyệt đối tuân thủ quy trình nghiêm ngặt của kỹ thuật trồng cam, chịu chi phí đầu vào về phân bón cao. Đất phải luôn ổn định độ Ph, giàu tính kiềm tạo đường cho quả, muốn vậy đến thời điểm cam ra hoa đã phải bón lót vôi để trung hòa axit. Thường xuyên phải canh chừng các loại sâu bệnh hại lá, quả, để không cho ra quả xấu, kém ngọt. Nhưng có được mùa cam bội thu không hẳn người nông dân có lãi cao bởi qua rất nhiều tầng nấc trung gian quả cam được người nông dân đem bán chỉ bằng 1/5 giá mà các chủ buôn bán cho người tiêu dùng.

Cam Nghĩa Đàn ngọt, thơm đấy nhưng ra thị trường kém đàn anh Quỳ Hợp xa vì cam Quỳ Hợp to hơn, đẹp hơn, được người bán truyền miệng nhiều hơn vậy là dù đây là cam Nghĩa Đàn đạt chất lượng nhưng người bán vẫn khẳng định “cam Quỳ Hợp”.

Ông Nguyễn Viết Minh - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuân Thành – là nơi chủ Dự án Đăng ký quyền sở hữu cam Vinh, cho biết: “Từ khi được trao chỉ dẫn địa lý thương hiệu cam Vinh chúng tôi đã được hưởng rất nhiều quyền lợi, từ việc được tập huấn về kỹ thuật trồng cam cho năng suất cao, đến việc thương hiệu cam được quảng bá rộng rãi và được nhiều người tiêu dùng tin tưởng. Thế nên từ chỗ cam Quỳ Hợp trước đây chỉ có giá 5-7 ngàn đồng/kg thì nay có lô bà con đã thu tới 40-50 ngàn đồng/kg, cá biệt có những gốc cam nuôi được đến tết thì có giá 80-90 ngàn đồng/kg”.

Theo lời quảng bá hấp dẫn ấy, chúng tôi tìm đến tỷ phú vườn cam Nghi – Minh. Những trái cam to đều chín đỏ lúc lỉu đang vào mùa thu hoạch. Cam của gia đình anh Nghi Minh nổi tiếng khắp vùng vì hương vị ngọt đậm thơm nồng và hình thức hấp dẫn. Giá cam tại đây lên tới 42 - 45 ngàn/kg, những năm trước vào dịp Tết Nguyên đán có khi chủ hộ còn bán được với giá 80 – 90 ngàn đồng/kg. Có được thành quả ấy ngoài việc “ăn ngủ cùng cam” của anh Minh chị Nghi thì việc được hưởng lợi từ chỉ dẫn địa lý cam Vinh đã giúp lô cam của anh chị có chất lượng tốt hơn những năm trước.

Cam Vinh có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng vì thế thường bị các loại cam các vùng miền khác mạo danh, đánh đồng. Thực tế chẳng có cách gì để có thể phân biệt được cam Vinh và cam từ các vùng khác. Vì thế phương án dán nhãn có thể là cách phân biệt mang tính chuyên nghiệp hóa cho một loại trái cây có thương hiệu chăng? Theo ông Minh thì công ty đã có mẫu nhãn, nhưng việc dán nhãn không khả thi vì có thể có những vườn cam không đạt chất lượng vẫn được dán nhãn, quy trình kiểm nghiệp chất lượng cam để được dán nhãn rất mất thời gian, công sức. Và việc dán nhãn chỉ có ý nghĩa khi cam được bán trên các đại lý của nông trường, nhưng hiện giờ nông trường Xuân Thành vẫn chưa thể làm được điều đó.

Từ khi được trao chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu cam Vinh, Công ty TNHH MTV Xuân Thành đã thành lập Hiệp hội Thương hiệu cam Vinh là nơi đăng ký quyền bảo hộ cam Vinh của các nông trường bạn như: Nông trường 1/5, Cờ Đỏ (Nghĩa Đàn), các vườn cam thuộc huyện Con Cuông, Tân Kỳ nơi người dân muôn nơi vẫn gọi chung là cam Vinh. Để đạt được thương hiệu cam Vinh thì cần gắn với các tiêu chí: Mẫu quả phải to, màu sắc phải đẹp và độ ngọt phải đạt chất lượng, phải có năng suất từ 40-50 tấn/ha…

Vòng luẩn quẩn người mua phải đi tìm cam Vinh trong khi người trồng cam lại mong nó đến được tận tay người tiêu dùng đã diễn ra nhiều năm và sẽ còn tiếp diễn nếu không có những chuyển động thực sự từ những nhà quản lý.

Nhóm PV

Các tin mới:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014

 

 

Xem các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126

Xem các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang