Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 07/07/2014
Ngày cập nhật:
9/7/2014
Từ đầu năm đến nay, tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), dịch bệnh trên cây trồng diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên cây sầu riêng và tiêu.
Dịch bệnh hoành hành
Những ngày này, trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã có mưa, màu xanh trở lại trên các nương rẫy, nhà vườn; thế nhưng, dịch bệnh trên cây trồng vẫn chưa dừng lại. Tại vườn sầu riêng của ông Lê Anh Quang (xã Sơn Bình), chúng tôi thấy nhiều gốc sầu riêng đã chết khô, những cây đang chữa trị với thân đầy thương tích. Ông Quang lo lắng: “Tôi đã dùng mọi cách nhưng vẫn không ngăn được bệnh. 80/130 cây sầu riêng bị bệnh, trong đó có 10 cây đã chết. Với đà này sẽ khó có thể cứu vãn được tình hình, thiệt hại rất lớn”. Ông Quang cho rằng, dịch bệnh bùng phát mạnh từ đầu năm, cùng lúc xuất hiện 3 căn bệnh khó trị là xì mủ, nấm và sâu đục thân. Tuy ông đã làm theo hướng dẫn của Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) nhưng hiệu quả chưa rõ, dịch vẫn tiếp tục lan rộng.
Dịch bệnh cũng đang lan sang cây tiêu. Ông Hồ Văn Minh - chủ một vườn tiêu tại xã Sơn Bình lo lắng vì dịch đang lây lan, làm chết nhiều gốc tiêu trong thời kỳ cho thu hoạch. “Đầu tiên, bệnh xuất hiện từ vườn bên cạnh lây sang làm lá úa, vàng, rụng và dây tiêu từ từ chết khô. Toàn vườn có 25/125 gốc tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó có nhiều trụ tiêu đã chết khô…”.
Sầu riêng Khánh Sơn đối mặt cùng lúc với 3 loại dịch bệnh.
Điều đáng chú ý, cây trồng bị nhiễm bệnh đều là những loại cây có giá trị kinh tế cao nên ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân. Người dân cho rằng, thiệt hại đối với cây sầu riêng từ 0,6 đến 1 triệu đồng/cây/năm; tiêu 0,5 triệu đồng/trụ/năm… Theo Trạm BVTV huyện, dịch bệnh xảy ra trên hầu hết các loại cây trồng, từ cây ăn quả đến cây ngắn ngày, đặc biệt là trên cây sầu riêng và tiêu. Các bệnh phổ biến trên cây sầu riêng như: xì mủ, nấm hồng, khô cành, quả. Đối với bệnh sâu đục vỏ, tuy được kiểm soát nhưng khả năng phục hồi rất hạn chế. Cây tiêu bị bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora sp, bệnh chết chậm do nấm Fusarium solani, Fusarium oxysporum kết hợp tuyến trùng gây hại… Thời gian gần đây, bệnh xuất hiện và lây lan nhanh làm thiệt hại khoảng 20% diện tích trồng tiêu của huyện (toàn huyện có 45ha tiêu), thậm chí có nhà vườn mất trắng toàn bộ diện tích tiêu…
Để giúp người dân ngăn chặn dịch bệnh trên cây trồng, cán bộ Trạm BVTV huyện thường xuyên tăng cường nắm bắt tình hình dịch bệnh, đưa ra khuyến cáo và hướng dẫn cách phòng trừ. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí tập huấn nên việc vận động, tuyên truyền còn nhiều hạn chế; nhiều bệnh dịch xuất hiện cùng lúc; việc phòng trừ của người dân chưa bảo đảm…nên dịch tiếp tục lan rộng, vượt quá khả năng của huyện.
Cần tỉnh hỗ trợ dập dịch
Mới đây, trong buổi làm việc tại huyện Khánh Sơn, Chi cục BVTV đề nghị huyện có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ dập dịch trên cây trồng. Ông Đinh Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn thừa nhận: “Sâu bệnh ngày càng tăng và diễn biến phức tạp. Năm 2013, trên địa bàn đã xuất hiện các bệnh nấm, sâu đục trên nhiều loại cây trồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dịch vẫn chưa được khống chế mà tiếp tục lan rộng, gây thiệt hại rất lớn đến kinh tế của huyện. Địa phương đang mong muốn tỉnh hỗ trợ về chuyên môn, kinh phí, lực lượng để giúp huyện dập dịch…”.
Theo ông Trần Thiện Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV, đến thời điểm này, dịch bệnh tại huyện Khánh Sơn vẫn chưa được khống chế do nhiều nguyên nhân như: Nông dân sản xuất và phòng trừ sâu bệnh còn theo cảm tính, chưa bảo đảm quy trình sản xuất khoa học, quy trình canh tác an toàn, bền vững theo Vietgap, Globalgap…; thời tiết, khí hậu tại Khánh Sơn diễn biến thất thường làm dịch bệnh phát sinh; cây trồng đa dạng cũng làm nảy sinh nhiều dịch bệnh. Do đó, giải pháp trước mắt là huy động nguồn lực và sự hỗ trợ của tỉnh để dập dịch. Về lâu dài, các cơ quan chức năng như: Phòng NN-PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm BVTV cần phối hợp chặt chẽ, đưa ra quy hoạch tổng thể các loại cây trồng, tổ chức tập huấn cho nông dân, thành lập các hiệp hội cây trồng để tuyên truyền, vận động nông dân nắm bắt, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất… Từ đó, làm giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận.
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, huyện Khánh Sơn đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh để công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng tại địa phương đạt hiệu quả, giảm thiệt hại về kinh tế cho người dân.
Bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục BVTV: “Pháp lệnh về công bố dịch trên cây trồng quy định phải có hơn 30% diện tích bị nhiễm nặng và ảnh hưởng 20% diện tích của huyện liền kề. Khánh Sơn là huyện biệt lập, đồng thời dịch xuất hiện trên nhiều loại cây trồng nên rất khó để công bố dịch…”.
P.L
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Xem các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.