Nguồn tin: Báo Nghệ An, 13/11/2014
Ngày cập nhật:
14/11/2014
Cam Vinh lâu nay được biết đến là sản phẩm có chất lượng cao. Tuy nhiên, trong chuỗi liên kết sản xuất thì mảnh ghép đầu ra vẫn chưa ổn định, cần những giải pháp đồng bộ để xây dựng kênh tiêu thụ bền vững và hướng tới thị trường nước ngoài.
Giá trị kinh tế cao
Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi có dịp trở lại Minh Hợp (Quỳ Hợp - Nghệ An) – nơi nổi tiếng với những vườn cam trĩu quả mang thương hiệu Cam Vinh nức tiếng gần xa. Trên diện tích 0,75 ha, gia đình chị Nguyễn Thị Mai và anh Kiều Quang Vinh, công nhân nghỉ hưu của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành trồng 390 gốc cam Vân Du, đây là năm thứ 4 cây cam cho thu hoạch. Dẫn chúng tôi len qua những cây cam lúc lỉu quả, chị Mai cho biết: “Trên diện tích đất này, thời kỳ trước cũng đã trồng cam, rồi chuyển sang trồng mía khi có nhà máy đường thành lập. Nhưng từ năm 2007, gia đình quay lại trồng cam. Hiệu quả thực tế cho thấy, giá trị kinh tế mà cây cam mang lại hơn nhiều cây trồng khác”.
Mùa cam ở nông trường Xuân Thành (Quỳ Hợp - Nghệ An). Ảnh: Văn Hải
Năm 2013, vườn cam của gia đình chị Mai cho thu hoạch 40 tấn quả, bán với giá khởi điểm 22.000 đồng/kg và cuối vụ bán đến 60.000 đồng/kg, mang về tổng thu nhập gần 900 triệu đồng; chi phí đầu tư chăm sóc hết khoảng 80 triệu đồng nên gia đình thu lãi ròng hơn 800 triệu đồng. Cũng từng ấy gốc, nhưng vụ cam năm 2014 này theo ước tính của chị Mai, sản lượng sụt giảm khoảng một nửa so với vụ cam 2013, nhưng tin vui là giá cam năm nay cao hơn do nhu cầu thị trường tiếp tục tăng, trong khi nguồn cung hạn chế. “Thời điểm này, ngày nào cũng có tư thương đến tận vườn hỏi mua cam, giá sản phẩm cam bị lỗi mẫu mã cũng được trả giá tới 16.000 đồng/kg. Nhìn chung từ khi được đăng ký chỉ dẫn địa lý Cam Vinh, giá bán cam ổn định hơn trước đây rất nhiều. Vì vậy, đời sống của những gia đình dần đi vào ổn định, có điều kiện sửa sang lại nhà cửa, chăm lo cho con cái học hành”, chị Mai chia sẻ.
Chúng tôi tiếp tục men theo những con đường len lỏi giữa mênh mông vùng cam Minh Hợp để đến thăm vườn cam của gia đình anh Lê Văn Thịnh và chị Lê Thị Phương - công nhân đội 5, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành. Chỉ vỏn vẹn 0,5 ha đất trồng cam nhưng thu nhập của gia đình anh chị thực sự là con số đáng mơ ước của rất nhiều người làm nông nghiệp. Vườn cam được trồng từ cuối năm 2009 với 300 gốc giống cam Xã Đoài lòng vàng. Thời điểm cây cam 2,5 năm tuổi đã cho thu hoạch bói được 1,5 tấn quả, thu nhập 30 triệu đồng. “Đến năm 2013, vườn cho sản lượng quả 6,5 tấn, thu về 175 triệu đồng. Vụ cam năm 2014, dự kiến vườn cam cho sản lượng 18 tấn, với giá bán tại vườn 42.000 đồng/kg, sẽ mang lại thu nhập không nhỏ cho gia đình”, anh Thịnh cho biết.
Ở Minh Hợp, còn rất nhiều hộ có thu nhập cao từ cây cam. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ tính riêng Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành đã có 700 ha, trồng chủ yếu các giống cam Xã Đoài, Vân Du, V2, Sông Con, giao cho 680 hộ dân nhận khoán, trong đó, đã có 300 ha cam kinh doanh. Theo tính toán của công ty, toàn bộ diện tích khai thác cho sản lượng 4.500 tấn quả; năm 2014, dự kiến cho sản lượng khoảng 4.000 tấn quả. Ông Hoàng Minh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành cho biết: Năm 2014, doanh thu bình quân đạt khoảng 300 - 350 triệu đồng/ha, trong khi đó thu nghĩa vụ trên đất nhận khoán chỉ 5 - 6 triệu đồng/ha nên thu nhập của người nhận khoán rất cao.
Chưa xứng tiềm năng
Phía sau những kết quả nhất định, vùng cam Minh Hợp nói riêng, cam Quỳ Hợp nói chung vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố chưa bền vững. Trước hết, trong sản xuất cam hiện nay ở Quỳ Hợp, chuỗi liên kết giá trị hàng hóa đối với sản phẩm cam còn thiếu “mảnh ghép” đầu ra đảm bảo. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay toàn bộ sản phẩm cam ở đây đều do tư thương tự bao tiêu, vì vậy, trong tâm lý của người trồng cam bao giờ cũng nơm nớp nỗi lo được mùa - mất giá như các nông sản khác. Chị Nguyễn Thị Mai, người dân nhận khoán đất của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành chia sẻ: “Diện tích, sản lượng cam ngày càng tăng lên, trong khi đầu ra chỉ trông chờ vào tư thương nên về lâu dài chúng tôi có phần lo lắng. Vì khi cung vượt cầu thì người trồng cam rất dễ bị ép giá”. Nỗi lo lắng này của người trồng cam hoàn toàn có cơ sở, vì hiện nay, diện tích cam của toàn huyện Quỳ Hợp đạt khoảng 1.400 ha, và tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Và người nông dân thì có những trăn trở rất thực tế, như anh Lê Văn Thịnh, công nhân đội 5, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành cho biết: “Hiện nay, khó khăn nhất là việc mua đúng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc cho cây cam, vì trên thị trường có rất nhiều cửa hàng bán; chất lượng, nguồn gốc không ai dám chắc có đảm bảo hay không? Bên cạnh đó, do chưa có kênh phân phối chính thức nên có những tư thương hám lợi mua cam ở vùng khác trộn lẫn với cam Vinh để bán, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu của cam Vinh”.
Ngoài bất cập về đầu ra, mô hình phát triển vùng cam hiện nay ảnh hưởng đến chất lượng chung của sản phẩm. Ông Hoàng Minh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành cho hay, do giao đất theo hình thức khoán hộ nên khó khăn trong công tác điều hành và quá trình sản xuất, cây cam lại có nhiều lứa tuổi khác nhau dẫn đến chất lượng sản phẩm cam giữa từng hộ, từng vùng không đồng đều, chỉ có khoảng 60% sản phẩm cam sau thu hoạch có chất lượng tốt, bán được giá cao. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm Cam Vinh trên thị trường còn hạn chế dẫn đến việc nhận diện thương hiệu của người tiêu dùng gặp không ít khó khăn. Để khắc phục tình trạng trên và nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, năm 2014, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành tổ chức xúc tiến thương mại tại một số thành phố lớn trên cả nước, đặc biệt là chọn một số lượng cam đạt chất lượng cao để dán tem vào quả, chào hàng ở Hà Nội. “Mục tiêu hướng đến của chúng tôi là sản phẩm cam Vinh không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn có mặt ở thị trường nước ngoài. Muốn vậy, công ty rất cần được hỗ trợ trong xúc tiến thương mại; bên cạnh đó, là sự liên kết với đối tác nước ngoài để xây dựng kho bảo quản sau thu hoạch, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Sắp tới có đoàn của Đại sứ quán và các doanh nghiệp Nhật Bản về tìm hiểu sản phẩm cam Vinh ở Minh Hợp, chúng tôi hy vọng sẽ liên kết với đối tác Nhật Bản để xuất khẩu cam Vinh sang thị trường Nhật Bản”, ông Hoàng Minh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành cho biết. Trao đổi về vấn đề đầu ra cho sản phẩm cam Quỳ Hợp, ông Hoàng Văn Thái – Trưởng phòng NN & PTNT huyện Quỳ Hợp cho biết thêm: Huyện Quỳ Hợp rất mong muốn có một nhà máy bảo quản, chế biến hoa quả đóng trên địa bàn. Như vậy mới tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm cam, tăng chuỗi giá trị sản xuất trong điều kiện diện tích cam theo quy hoạch sẽ ngày càng tăng lên.
Năm 2010, tại Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành (Quỳ Hợp) đã tổ chức Lễ đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Vinh” dùng cho sản phẩm cam quả (ghi nhận ở Sổ đăng ký quốc gia về chỉ dẫn địa lý theo Quyết định số 386/QĐ - SHTT ngày 31/5/2007 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ). Có 3 giống cam quả ở tỉnh Nghệ An được mang chỉ dẫn địa lý “Vinh” là cam Xã Đoài, cam Vân Du và cam Sông Con trồng trên địa bàn các xã Nghi Diên, Nghi Hoa (huyện Nghi Lộc), Hưng Trung (huyện Hưng Nguyên), Nghĩa Bình, Nghĩa Hiếu, Nghĩa Hồng, Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn (huyện Nghĩa Đàn), Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp) và Tân An, Tân Long, Tân Phú (huyện Tân Kỳ).
Nhật Lệ
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Xem các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.