Nguồn tin: Sóc Trăng, 09/12/2014
Ngày cập nhật:
10/12/2014
Từ khi thành lập và đi vào hoạt động, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đã không ngừng chăm lo phát triển kinh tế, thực hiện tốt công tác giảm nghèo, từ các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đến các chính sách hỗ trợ giúp người dân tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống, đáng kể là mô hình chăn nuôi bò sữa. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm và phát triển bền vững của tỉnh, trong đó có chủ trương chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò, từ đó hiệu quả kinh tế cao hơn những năm trước.
Thăm mô hình nuôi bò sữa của gia đình anh Tăng Thanh Đức ở ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn, trước đây gia đình thuộc hộ nghèo được dự án Canada hỗ trợ 1 con bò, anh ra công chăm sóc kỹ lưỡng, vì lúc đó chưa có công ty thu mua sữa nên chỉ bán cho bà con lối xóm sử dụng với giá thấp, cuộc sống gia đình cũng bấp bênh, đến khi hợp tác xã thu mua sữa tươi nguyên liệu được thành lập ở địa phương, gia đình được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vay vốn mua thêm 01 con bò sữa, đây là thời điểm gia đình bắt đầu tập trung vào chăn nuôi bò, đến nay đã tăng đàn lên 06 con, với giá sữa tươi cao như hiện nay, gia đình đã vươn lên thoát nghèo và cuộc sống ổn định hơn.
Anh Đức chia sẻ: “Trước đây phải đi làm thuê quanh năm nhưng cuộc sống vẫn túng thiếu, nhờ chăn nuôi bò sữa mà cuộc sống gia đình giờ đã khấm khá hơn, không còn lo cái ăn cái mặc hàng ngày, có điều kiện lo cho con cái ăn học đầy đủ”.
Chị Trương thị Bích ấp Bưng Triết, xã Liêu Tú, là hộ nghèo thổ lộ, tôi đang đi học lớp chăn nuôi thú ý do Hội Nông dân xã Liêu Tú phối hợp với Trường Dạy nghề: “Học được nhiều kiến thức chăn nuôi bò sữa, qua 1 tháng học đã giúp tôi biết được cách chăm sóc bò tốt hơn, từ cách cho ăn, uống nước, vệ sinh chuồng trại, trồng loại cỏ nào có nhiều chất dinh dưỡng phù hợp cho loại bò sữa và quan trọng nhất là cách phòng và trị bệnh thông thường để bò phát triển tốt, thu được nhiều sữa, cải thiện cuộc sống gia đình, có tiền nuôi 2 con ăn học là tôi vui lắm”.
Chị Bích bộc bạch thêm: “Tôi có 2 công đất ruộng làm lúa kém hiệu quả, sâu bệnh làm thất mùa, tôi đã chuyển sang trồng cỏ nuôi bò. Ngày ngày ra cắt cỏ gần nhà, tiết kiệm thời gian để chăm sóc con cái, gia đình và đặc biệt là có nhiều thời gian nghiên cứu học hỏi để chăn nuôi bò có nhiều sữa, để cho thu nhập cao cải thiện kinh tế gia đình, để tết ngày vui hơn”.
Mô hình nuôi bò sữa ở Trần Đề ngày càng phát triển
Hiện nay, mô hình nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Trần Đề đã góp phần rất lớn cho công tác xóa đói giảm nghèo, không dừng lại ở đó, nhiều hộ còn vươn lên khá giàu. Như gia đình ông Thạch Tha ở ấp Trà Đức, xã Viên An, nuôi bò sữa từ năm 2010, lúc đầu chỉ có 01 con, nhờ chi tiêu tiết kiệm, dành dụm mua thêm bò, đến nay đã tăng đàn lên 07 con, hiện 03 con đang cho sữa, cuộc sống giờ gia đình sung túc hơn, Ông Tha cho biết: “Thấy nuôi bò sữa cho thu nhập cao hơn so với làm ruộng số ít, cho nên tới đây gia đình tôi sẽ mở rộng và trồng cỏ nuôi bò cho cuộc sống ngày càng khấm khá hơn”.
Qua thực tế, việc phát triển đàn bò sữa cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Theo ước tính thì một con bò sữa hiện nay có thể cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm. Vì nếu tính ngoài sản lượng sữa hàng năm từ 5 tấn/con trở lên, thì mỗi năm bò đẻ một lần, điều này giúp cho người dân có thêm con giống, thêm nguồn thu nhập khi bán bò ra thị trường. Với hiệu quả tích cực mà bò sữa mang lại, mà từ năm 2010, tổng đàn bò sữa trên địa bàn huyện là 813 con, đến nay đã tăng lên hơn 5.300 con, dự kiến đến năm 2020, 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có nuôi bò sữa, với tổng đàn sẽ tăng lên khoảng 6.500 con. Cùng với đó, các địa phương còn quan tâm công tác quy hoạch đất trồng cỏ đảm bảo nguồn thức ăn và hỗ trợ kỹ thuật nuôi bò làm cho chất lượng sữa tươi ngày càng được nâng lên.
Ông Trần Hoàng Dũng - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp cùng HTX bò sữa và Trạm Khuyến nông tập huấn thêm kiến thức chăn nuôi bò sữa đồng thời chúng tôi phối hợp với các kỹ thuật viên chương trình Heifer để chọn những con bò tốt gieo tinh để tạo ra đàn bò F1 có chất lượng. Để giải quyết vấn đề thức ăn, chúng tôi khuyến cáo bà con trồng cỏ ngay tại bờ kênh trên đất nhà để giải quyết vấn đề thức ăn trong hiện tại và tương lai”.
Theo tính toán của nông dân, một con bò sữa từ 18 tháng tuổi trở lên đã có thể cho sữa kéo dài đến 10 tháng, chỉ ngưng khoảng 02 tháng thì bò tiếp tục cho sữa lần tiếp theo. Như vậy nếu tính hiệu quả kinh tế, nuôi một con bò sữa cho thu nhập tương đương 1 ha lúa/năm. Đây là giải pháp thoát nghèo bền vững mà huyện Trần Đề sẽ nhân rộng trong thời gian tới.
Quang Minh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83
Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.