• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăn nuôi “sạch”

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 31/01/2014
Ngày cập nhật: 3/2/2014

Lâu nay, chúng ta thường nghe thuật ngữ “trái cây sạch”, “rau sạch”… nhưng gần đây ở Hậu Giang đã và đang xuất hiện thêm mô hình “chăn nuôi sạch”. Đó chính là mô hình nuôi gia súc, gia cầm trên đệm lót sinh học mà tỉnh đang thí điểm thực hiện và hứa hẹn sẽ mở ra một hướng đi mới cho ngành chăn nuôi.

Nuôi heo không tắm

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ghé thăm Trung tâm Giống nông nghiệp của tỉnh, nơi đang được các cấp lãnh đạo, người dân trong và ngoài tỉnh chú ý đến với mô hình nuôi heo trên nền đệm lót sinh học, hay còn được cán bộ nơi đây gọi với cái tên khá thú vị là “nuôi heo không tắm”. Sở dĩ có tên gọi này bởi vì heo từ khi nuôi cho đến xuất chuồng hoàn toàn không tắm giọt nước nào. Mô hình này đang phát triển nhanh và tạo sự thích thú cho người chăn nuôi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân (thứ 2 từ phải sang) tham quan mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học tại trung tâm giống.

Lý giải cách gọi trên, ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Trung tâm Giống, cho biết: Đây là phương pháp sử dụng chế phẩm vi sinh Balasa N01 nhằm tạo ra các quần thể vi sinh vật sống để xử lý chất thải của vật nuôi, làm cho môi trường trong sạch. Cụ thể, nước tiểu và phân thải của heo thấm vùi vào lớp đệm thông qua hoạt động ủi của heo. Toàn bộ những chất thải này được hệ vi sinh vật phân hủy ngay nên không có mùi hôi, từ đó, người nuôi không cần phải dội rửa chuồng trại, hay tắm cho heo như cách nuôi truyền thống.

Nói là cách nuôi mới, nhưng thật ra mô hình đã được phát triển khá mạnh ở Hà Nam và một số tỉnh, thành. Tuy nhiên, cái mới của Hậu Giang ở đây là không dùng mạt cưa làm đệm lót, mà thay vào đó là bã mía. Đây là nguyên liệu rất dồi dào và gần gũi với người dân Hậu Giang, nơi có hơn 14.000ha mía và 3 nhà máy đường hoạt động. Khi được hỏi vì sao biết đến cách làm này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Văn Đồng cười tươi nói: “Trong một lần họp giao ban trực tuyến của ngành nông nghiệp, tôi thực sự bị cuốn hút khi nghe nhắc đến mô hình này. Ngay lập tức đã cho đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm và giao trung tâm giống triển khai thực nghiệm mô hình từ tháng 10-2012”.

Nông dân tham quan mô hình “nuôi heo không tắm” tại Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh.

Sau một năm thực hiện, trung tâm đã nuôi 3 lứa heo, mỗi lứa có 8-10 con và thời gian nuôi từ 3,5-4 tháng. Qua quá trình theo dõi cho thấy, mô hình thực sự mang lại nhiều hiệu quả thiết thực: đàn heo ăn nhiều, lớn nhanh, tỷ lệ mắc bệnh đường tiêu hóa giảm, hạ giá thành chăn nuôi do không tốn nước, ít sử dụng điện; tỷ lệ tăng trọng bình quân của heo nuôi trên đệm lót sinh học là 0,87kg/ngày, còn nuôi bình thường là 0,73kg/ngày; giá thành của heo nuôi trên đệm lót chỉ 31.186 đồng/kg, nuôi thông thường đến 35.878 đồng/kg. Tuổi thọ của lớp đệm tùy thuộc vào chất liệu làm đệm và phương pháp bảo dưỡng mà có thể kéo dài từ 2-3 năm. Tổng chi phí làm đệm lót cho chuồng có diện tích khoảng 20m2, gần 15 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với làm nền chuồng bằng xi măng như truyền thống. Với những hiệu quả đem lại, ông Hội vừa nhâm nhi tách trà nóng trước hơi lạnh của những ngày giáp tết, vừa nêu kế hoạch năm sau: “Sang đầu năm mới, chúng tôi sẽ triển khai nhân rộng khoảng 50 mô hình nuôi heo theo phương pháp “không tắm” tại 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Mỗi mô hình, bà con được hỗ trợ 100% (không hoàn vốn) về nguyên vật liệu và chi phí làm đệm lót, đồng thời được tập huấn, hướng dẫn cách thực hiện...”. Đây thực sự là lối mở đầy triển vọng cho bà con chăn nuôi heo ở Hậu Giang.

Nuôi gà không mùi hôi

Việc dùng chế phẩm vi sinh Balasa N01 làm đệm lót sinh học cho vật nuôi để khử mùi hôi không chỉ thí điểm trong nuôi heo, mà người dân cũng đang sử dụng trong chăn nuôi gà. Anh Nguyễn Hoàng Huy, ở ấp 3, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy là một trong những nông hộ áp dụng thành công đầu tiên trên địa bàn tỉnh.

Đang vỗ béo cho 1.600 con gà (giống Bến Tre) để sẵn sàng xuất chuồng bán vào dịp tết sắp tới đây, gặp chúng tôi, anh Huy phấn khởi nói: “Qua 2 năm nuôi bằng phương pháp mới, với 4 lần xuất chuồng, tôi cảm thấy đây là một sự ứng dụng tuyệt vời, với nhiều tiện ích. Trong đó, điều tôi tâm đắc nhất là việc không còn mùi hôi của gà, bảo vệ được môi trường sinh thái và đây thật sự mở ra một hướng đi mới cho người chăn nuôi”.

Từ khi áp dụng phương pháp nuôi gà trên nền đệm lót sinh học, anh Huy tiết giảm nhiều chi phí trong quá trình nuôi, đặc biệt chuồng gà không còn mùi hôi. Trước đây, do số lượng gà nuôi tương đối nhiều nên gia đình anh Huy và bà con hàng xóm có lúc cảm thấy khó chịu về mùi hôi từ gà phát ra. Từ khi được hướng dẫn và vận dụng cách nuôi mới này, đó là dùng chế phẩm vi sinh Balasa N01 trộn với trấu tạo thành lớp đệm lót và công dụng của lớp đệm này không khác gì so với nuôi heo. Anh Huy bộc bạch: “Từ khi áp dụng cách nuôi mới tới nay, mùi hôi tại chuồng gà của tôi đã giảm 70-80%; gà ít mắc các bệnh thông thường; tiết kiệm chi phí về chất độn, bởi, gà từ khi nuôi đến xuất chuồng phải mất từ 3-3,5 tháng. Nếu ngày trước trong vòng 10 ngày phải thay trấu một lần, còn bây giờ chỉ làm một lần cho một lứa nuôi”. Nói xong, anh Huy đưa mắt nhìn theo đàn gà rồi nhẩm tính: “Với số lượng 1.600 con gà, giá bán hiện tại từ 85.000 - 90.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng. Số tiền này, chắc chắn gia đình sẽ có được cái tết thật ấm cúng”.

Không chỉ thành công với mô hình nuôi gà kiểu mới này, anh Huy còn hướng dẫn cho nhiều bà con khác cùng thực hiện và bước đầu đạt được kết quả khả quan. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Văn Đồng cho rằng: Điểm thú vị là mô hình đạt được “4 không”: không mùi hôi; không khí độc; không cần dọn chất thải; nếu nuôi heo thì không cần phải tắm cho heo trong suốt quá trình nuôi. Đây thật sự mở ra một hướng đi mới cho nghề chăn nuôi, đó là thân thiện với môi trường sinh thái. Mô hình hoàn toàn có thể được áp dụng tại các khu vực đông dân cư mà không lo ngại về ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, lớp đệm sau khi nuôi heo có thể dùng làm phân bón cho cây trồng, điều này cũng góp phần tiết giảm chi phí cho nông dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã có chuyến tham quan mô hình nuôi heo tại Trung tâm Giống nông nghiệp của tỉnh, tại đây, nguyên Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả bước đầu mà trung tâm giống đạt được, nhất là đã tìm ra một loại nguyên liệu vốn rất dồi dào trên địa bàn để thay thế cho mạt cưa. Nguyên Phó Thủ tướng cũng đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang cần quan tâm, theo dõi và phát triển mô hình thực nghiệm này, hướng tới nhân rộng ra toàn tỉnh. Đây chính là những ứng dụng từ khoa học thiết thực, góp phần trực tiếp vào đổi mới cách chăn nuôi truyền thống, giảm chi phí đầu vào, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, góp phần xây dựng NTM…

HỮU PHƯỚC

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
28/12/2014
28/12/2014
28/12/2014
27/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang