Nguồn tin: Nhân Dân, 18/12/2014
Ngày cập nhật:
20/12/2014
Đồng bào Thái xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu "mặc áo" cho bò.
12 giờ trưa, trời nắng nhạt, nhiệt độ ở xã Xà Hồ ở độ cao gần 2.000m của huyện Trạm Tấu (Yên Bái) vẫn chỉ 11 độ C. Từ mười ngày trước, nhiệt độ ở vùng núi cao này luôn chông chênh ở mức như thế, nên đàn trâu bò trên rừng người Mông quen thả rông đã được lùa về chuồng nuôi nhốt, không còn cảnh trâu chết rét cả tuần, đi thăm trâu mới biết như ngày trước.
Chị Lường Thị Kim, bản Lừu 1, xã Hát Lừu (Trạm Tấu) vừa khuấy nồi cháo pha muối đổ cho con bò được nuôi nhốt trong chuồng xong, trên mình bò được khoác "áo" ấm, vừa tiếp chuyện: “Mùa này ở bản mình gió lạnh lắm, môi và da tay chân người đều nẻ nứt vì rét, con trâu, con bò nếu không có nơi kín gió về đêm cũng chết rét thôi. Thấy mấy nhà ở bản bên lấy áo, chăn cũ khoác chống rét cho bò nên mình cũng làm theo đấy”.
Quả thực, khi đi xuyên qua các bản của người Thái, người Mông ở Trạm Tấu việc thấy trâu, bò được khoác trên mình tấm chăn cũ hay mảnh ni-lon kín thân không là chuyện lạ.
Hiện, cả huyện Trạm Tấu có hơn 24.000 gia súc, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, cũng như thấy mấy vụ trước, nếu không lo tránh rét thì trâu, bò chết, nên đồng bào đã ý thức việc nuôi nhốt gia súc trong mùa đông. Đó là đã trữ được 1.561 cây rơm; hỗ trợ 2.500 m2 bạt dứa cho các hộ nghèo hoàn cảnh khó khăn có gia súc để che gió lùa; vận động đồng bào dùng củi, trấu đốt bên cạnh chuồng nuôi nhốt, tăng cường cho gia súc uống nước ấm pha muối loãng; tăng cường cho ăn thêm thức ăn tinh khi những ngày rét đậm, rét hại.
Thào A Phử, bản Tấu trên, xã Trạm Tấu, nhanh tay cắt thái đám cỏ voi được trồng trên nương, về băm nhỏ cho đàn trâu tám con nuôi nhốt trong chuồng được che chắn kín cả ba mặt kín hướng gió lùa, vừa nhỏ nhẹ bảo: “Mình thấy cái cán bộ thú y cuối tháng 11 vừa qua xuống bảo phải nhốt trâu lại vừa tiêm vắc-xin, vừa nhắc phải nhốt trâu trong đợt rét đậm này, gia đình mình làm theo đấy. Cũng may mà nhà làm theo cán bộ là trữ cây rơm, lại trồng thêm được đám cỏ voi ngay vạt nương trước nhà, nên nay khi nuôi nhốt chỉ thêm ít muối, ít sắn lát, ít gạo cũ nấu cháo phụ thêm cho trâu sẽ qua được mùa lạnh này thôi”.
Xã bên là Pá Hu cũng có hơn 600 trâu, bò đã được đưa từ rừng về về trong các chuồng có mái che, có bạt quây xung quanh, không còn đàn trâu nào ở trên rừng thả rông nữa, bởi vì người Mông đã biết giá trị một trâu đực trưởng thành từ bốn tuổi khỏe mạnh cũng đổi được ba xe máy (khoảng 60 triệu đồng). Hiện toàn xã trồng được 15 ha cỏ voi, diện tích trồng ngô thu trên đất dốc, ngoài thu hái quả còn ngọn và lá ngô dự trữ cho trâu bò, các hộ dân trong xã đã làm được 130 cây rơm đủ cho việc nuôi nhốt trong các ngày lạnh giá. Sùng A Chơ, ở bản Km16, cho biết: “Năm 2008, cái rét về làm bốn con trâu thả trên rừng bị chết, mấy ngày sau hết rét lên thăm thì thịt chẳng còn ăn được. Bây giờ đàn trâu sáu con của mình đều đem về cạnh nhà để cho cỏ và rơm ăn, không bị chết rét, chết đói nữa đâu”.
Về thôn Hợp Thịnh, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình nơi làm tốt việc phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gặp nông dân Ngô Văn Huyên đang che chắn bạt dứa cho đàn lợn 20 con, kế bên là chuồng trâu với hai trâu, hai bò được buộc gần nhà đang gặm cỏ băm. Anh Huyên xây dựng gia đình được bố mẹ cho ở riêng đã tám năm, nhìn vào một ha rừng keo, hai sào lúa nước thì không đủ sống. Vậy nên, vợ chồng vay mượn và đến nay đã có đàn trâu, bò, lợn tổng giá trị gần 200 triệu đồng. Bí quyết thành công của anh là phải tiêm phòng đúng lịch, kể cả các mũi tiêm nhắc; mùa đông này phải "mặc áo" cho trâu bò tránh rét và cho ăn thêm sắn lát, ngô phụ cùng rơm. Với giá lợn hơi hiện tại 45.000/kg, Tết này xuất khoảng 1,5 tấn thì gia đình anh Huyện có chắc trong tay 60 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng gần 20 triệu đồng, đủ sắm Tết tươi vui.
Nông dân xã Văn Lãng, huyện Yên Bình cho trâu ăn cỏ khi nuôi nhốt.
Anh Lã Tuấn Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Bình, cho biết: Là huyện vùng thấp có hồ Thác Bà điều tiết nước và đồng cỏ phong phú, hiện huyện có hơn 15.000 trâu, bò; qua đội ngũ khuyến nông viên cơ sở đã tập huấn cho nông dân các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc; trong đó đi sâu vào các kỹ thuật tữ thức ăn như: ủ xanh, ủ chua, dự trữ rơm, cỏ khô, đi đôi với tích cực dùng vật liệu tại chỗ như: lá cọ, bao tải, bạt che chắn gió tại các chuồng trại. Nhờ vậy đợt rét từ đầu tuần đến nay, toàn huyện Yên Bình không xảy ra bệnh dịch trên đàn gia súc, không có nghé, bê chết rét.
Ngày này, rong ruổi trên các xã vùng cao của Yên Bái, bắt gặp cảnh bò, trâu "mặc áo" quanh các trụ cây rơm ven đường cũng thấy vui mắt. Vui nhất là người dân đã ý thức được "đầu cơ nghiệp" phải chăm chút, không thả rông, thả lã trên rừng trong mùa đông như ngày nào.
THANH SƠN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83
Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.