Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 03/01/2014
Ngày cập nhật:
6/1/2014
Một chương trình nghiên cứu khá thú vị đang được thực hiện giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận: Tìm hiểu khả năng sinh sản của "sản phẩm" sinh ra từ cuộc hôn phối gữa bò tót và bò nhà ở vùng rừng giáp ranh hai địa phương trong thời gian gần đây.
"Sản phẩm" đang được nhắc đến là những con bò tót thuần hóa - bò lai F1 - đang được nhiều giới, nhiều ngành trong cả nước và quốc tế đặc biệt quan tâm.
Cuối năm 2013 vừa qua, UBND hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận đã chính thức có văn bản gửi đến Bộ KH-CN đăng ký nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước về khai thác và bảo tồn nguồn gen bò thuần hóa F1 lai giữa bò tót và bò nhà.
Theo kế hoạch mà hai tỉnh đã xây dựng thì tổng kinh phí cho chương trình này là 13 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương chiếm 11 tỷ đồng, còn lại do hai tỉnh bỏ ra mỗi tỉnh một nửa.
NGHIÊN CỨU BÒ LAI F1
Trước khi đăng ký đề tài khoa học với Bộ KH-CN, công cuộc nghiên cứu liên quan đến nội dung này của cơ quan chức năng hai tỉnh đã chính thức được khởi động kể từ đầu năm 2013 với một dự án có tiêu đề: “Nghiên cứu giám định và phát triển khả năng sinh sản của bò lai F1 giữa bò nhà (Bos taurus) và bò tót (Bos gaurus) tại vùng rừng giáp ranh tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng”.
Còn trước đó nữa, theo Sở KH-CN Lâm Đồng, thực ra, ngay từ năm 2012, sự hợp tác giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận trong việc nghiên cứu đó đã được tiến hành như một bước thăm dò. Và, trên cơ sở này, trong năm 2013 vừa qua, hai địa phương đã đưa ra quyết định chính thức triển khai dự án nói trên với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng và giao cho hai đơn vị chức năng nằm trên địa bàn của hai tỉnh trực tiếp thực hiện là Trung tâm Ứng dụng KH-CN Lâm Đồng và Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận).
Sở KH-CN Lâm Đồng cũng lưu ý: Với đề tài này, đối tượng nghiên cứu là bò lai F1 chứ không phải là bò tót hay bò nhà; có nghĩa, đối tượng đó là bò tót thuần hóa. Và, nội dung nghiên cứu của đề tài không phải là khả năng sinh sản thông qua hoạt động “quan hệ” giữa bò tót và bò nhà mà là khả năng sinh sản của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà.
Bò tót đực “sống chung” với đàn bò nhà
Theo các tài liệu khoa học, ở Việt Nam hiện nay, bò tót chỉ còn lại khoảng 300 con, được phân bố chủ yếu ở 3 vườn quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước), Chư Mom Ray (Kon Tum) và Mường Nhé (Lào Cai) và một số vùng khác tại các tỉnh Tây Nguyên. Nhìn vào “sơ đồ” phân bố này, điều dễ dàng nhận thấy, Tây Nguyên (trong đó có Lâm Đồng) là vùng đất sống chủ yếu của đàn bò tót Việt Nam.
Nghiên cứu của các nhà khoa học chuyên ngành từ trước đến nay cho thấy, bò tót thường sống thành đàn từ 8 - 10 cá thể. Tuy nhiên, khi về già, những con bò đực thường tách đàn để sống riêng lẻ hoặc chúng hội nhau lại thành những nhóm bò đực già riêng lẻ. “Đây chính là những đối tượng gây nên “hậu quả” là những con bò tót lai bò nhà (bò tót thuần hóa) ra đời tại khu rừng giáp ranh giữa hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng trong vài năm gần đây” - một cán bộ khoa học của Sở KH-CN Lâm Đồng cho biết.
KHẢ NĂNG DUY TRÌ NGUỒN GEN
Trong thực tế vài năm gần đây, một hiện tượng sinh học thú vị giữa bò tót (có thể bắt đầu từ những con bò tót già tách đàn) với bò nhà đã xảy ra tại vùng rừng giáp ranh Lâm Đồng và Ninh Thuận: Một vài cá thể bò tót đực thỉnh thoảng xuất hiện tại bìa rừng cạnh những rẫy bắp của người dân để “tìm gặp” những con bò nhà nuôi thả gần đó.
Thông tin từ VQG Phước Bình (Ninh Thuận) cho biết rõ hơn: Trong khoảng giữa tháng 6/2011, một con bò tót đực ở thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình đã sống chung với đàn bò nhà của ông Nguyễn Văn Chuẩn và kết quả là một con bê lai bò tót đã ra đời. Từ đó đến nay, có thể từ một hoặc một số con bò tót "lẻ bầy" trong "quan hệ" với bò nhà đã cho ra đời 11 con bê con.
Bước đầu, Viện Di truyền nông nghiệp đã vào cuộc và đưa ra nhận định: Khả năng lai giống giữa bò tót với bò nhà là điều không có gì phải ngạc nhiên. Bởi lẽ, chúng có cùng loài và có cùng số nhiễm sắc thể. Ở Việt Nam, Viện Chăn nuôi trong những năm trước cũng đã từng nhập về hai con bò tót lai của Thái Lan để thử phối giống với đàn bò nhà và đã thành công, đàn con lai F2 này vẫn đang phát triển tốt.
Hoặc như, ngay từ những năm 60 thế kỷ trước, Việt Nam cũng đã từng nhập về những con bò lai Sind từ nước ngoài để phối trực tiếp lên đàn bò nhà Việt Nam nhằm cải tạo giống; hoặc nhập tinh trùng của bò lai từ Cuba, Hà Lan, Australia… về để phối lên đàn bò vàng Việt Nam và kết quả không còn gì phải bàn cãi.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu tâm ở “cuộc hôn phối” giữa bò tót và bò nhà ở vùng rừng giáp ranh giữa Ninh Thuận và Lâm Đồng này chính là “khả năng sinh sản của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà” chứ không phải khả năng sinh sản của bố mẹ chúng.
Theo thông tin từ VQG Phước Bình, tính đến nay, đã có 11 “báu vật trời cho” - bò tót thuần hóa - như trên vừa nói ở huyện Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận. Cũng theo các nhà chuyên môn, qua quan sát cho thấy, về hình vóc, những con bò tót F1 có đặc điểm to lớn hơn bò nhà cùng tuổi, đuôi to và ngắn, không có yếm ở cổ như bò nhà, nhìn giống như trâu ở phía trước và giống như bò ở phía sau…
Trong tương lai, ở vùng rừng giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận sẽ tiếp tục có những con bò tót đực về già tách đàn sống riêng lẻ hoặc tụ thành nhóm là nhận định ban đầu của cơ quan chức năng. Bởi vậy, khả năng tiếp tục có những con bê bò tót thuần hóa ra đời là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, việc giám định và phát triển khả năng sinh sản của bò lai F1 giữa bò nhà và bò tót ở vùng rừng giáp ranh Ninh Thuận và Lâm Đồng hiện vẫn còn là một câu hỏi. Bởi vậy, một chương trình nghiên cứu có quy mô đúng tầm (cấp quốc gia) như đề xuất của UBND hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng theo đề cương đăng ký đề tài khoa học vừa trình Bộ KH-CN hồi cuối năm 2013 là vấn đề không nên trì hoãn.
THI HOÀNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83
Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.