Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 04/03/2014
Ngày cập nhật:
5/3/2014
Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm A/H5N1 vẫn còn ở mức cao. Điều đáng lo là thời gian qua, trong số các ổ dịch phát sinh mới tại nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực giáp ranh với địa bàn tỉnh Hậu Giang đang lưu hành các chủng vi-rút thuộc Clade 2.3.2.1C, thay vì Clade 1.1.
Tính đến ngày 2-3, cả nước còn 60 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 21 tỉnh. Toàn bộ số gia cầm trong đàn mắc bệnh đã được địa phương tiêu hủy.
Tràn lan chủng vi-rút 2.3.2.1C
Kết quả giám sát của Cục Thú y cho thấy, tỷ lệ lưu hành vi-rút H5N1 trên đàn thủy cầm tại các chợ buôn bán gia cầm trong năm vừa qua gần 6%. Đặc biệt là cuối năm 2013 và đầu năm 2014, nhánh vi-rút 2.3.2.1C đã xâm nhập và gây bệnh thay cho nhánh 1.1 lưu hành phổ biến tại các tỉnh phía Nam trong những năm trước đây. Nguyên nhân có thể do quá trình vận chuyển gia cầm từ phía Bắc vào Nam, sau đó lây lan qua các đàn vịt chạy đồng trong vùng dẫn đến việc nhánh 2.3.2.1C xuất hiện và lưu hành rộng rãi trên địa bàn. Hiện chủng vi-rút thuộc Clade 2.3.2.1C đã ghi nhận trên đàn gia cầm mắc bệnh ở các địa phương như Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, thành phố Cần Thơ.
Công tác tiêm phòng trên đàn gia cầm gặp khó khăn hơn khi vi-rút biến đổi sang chủng mới, nhánh 2.3.2.1C.
Đáng nói ở đây là có những tỉnh, thành phố trong vùng cùng lúc lưu hành 2 nhánh vi-rút thuộc Clade 1.1 và 2.3.2.1C. Cách đây chưa lâu, cúm gia cầm đã xảy ra ở 2 hộ chăn nuôi ở 2 xã tại 2 huyện Trần Văn Thời và TP.Cà Mau làm 146 con gia cầm mắc bệnh. Thế nhưng, kết quả giám sát lưu hành vi-rút H5N1 trên địa bàn tỉnh lại thuộc Clade 2.3.2.1C tại thành phố Cà Mau và Clade 1.1 tại huyện Thới Bình. Theo thông tin từ Cục Thú y, hầu hết các ổ dịch trên gia cầm (gà, vịt, ngan) tại các tỉnh có dịch do vi-rút H5N1 nhánh 2.3.2.1C. Một số tỉnh phía Nam đang lưu hành cùng lúc 2 nhánh vi-rút cúm H5N1 thuộc nhánh 2.3.2.1, nhóm C và nhánh 1.1. Chẳng hạn như: Cà Mau, Sóc Trăng, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, thành phố Cần Thơ.
Đến nay, trên địa bàn Hậu Giang vẫn đang lưu hành vi-rút nhánh 1.1. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành thú y tỉnh thì trong thời gian tới, nguy cơ xảy ra dịch cúm A/H5N1 thông qua con đường vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm, nhất là đàn vịt chạy đồng trong giai đoạn thu hoạch lúa Đông xuân 2013-2014 còn rất cao. Bởi trên thực tế, các tỉnh, thành phố lân cận, giáp ranh với Hậu Giang như Sóc Trăng, Bạc Liêu, thành phố Cần Thơ đang có dịch và lưu hành loại vi-rút chủng mới 2.3.2.1C. Cho nên, không loại trừ khả năng nhánh vi-rút 2.3.2.1C thâm nhập vào địa bàn, gây nên tình trạng lưu hành cùng lúc 2 loại vi-rút như các địa phương kể trên.
Khó cho việc chọn vắc-xin
Vào tháng 2 vừa qua, ngành thú y tỉnh đã khẩn trương khoanh vùng và tiến hành tiêu hủy trên 1.000 con gà của gia đình anh Lê Văn Thiện và đàn gà 437 con của gia đình anh Lê Văn Đạt cùng ngụ ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành. Trong đó, đàn gà của hộ anh Thiện cho kết quả dương tính với vi-rút cúm gia cầm H5N1. Theo anh Thiện thì đàn gà đã được “tiêm phòng đầy đủ” vì anh là cán bộ thúy y đang công tác tại Cần Thơ. Kết quả này cũng chỉ là thông tin từ phía anh Thiện và cán bộ thú y huyện Châu Thành cũng chỉ xác nhận kết quả đó khi kiểm tra số lượng vắc-xin hiện còn, được hộ anh Thiện bảo quản tại gia đình, chứ trong mỗi lần tiêm không có sự giám sát của cơ quan chuyên môn địa phương.
Ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho rằng, mẫu bệnh phẩm trên đàn gà của anh Thiện đã được cơ quan chuyên môn gửi đi phân tích sự biến đổi gene cúm gia cầm. Nếu kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm mang vi-rút 1.1 thì có 2 khả năng xảy ra, một là anh Thiện không tiêm phòng, hoặc chất lượng vắc-xin không đảm bảo do anh tự mua thuốc về bảo quản không phù hợp trước khi tiêm. Trường hợp biến đổi sang chủng vi-rút thuộc nhánh 2.3.2.1C thì anh Thiện có tiêm phòng nhưng do vắc-xin hiện tại không còn hiệu lực với chủng vi-rút mới, đồng nghĩa với việc Hậu Giang sẽ lưu hành thêm nhánh vi-rút mới.
Cũng theo ông Trưng, nếu kết quả phân tích có sự biến đổi sang chủng vi-rút nhánh 2.3.2.1C như một số địa bàn lân cận thì công tác phòng chống dịch cúm gia cầm A/H5N1 của tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, trước hết là trong việc chọn lựa vắc-xin tiêm phòng cho phù hợp với từng địa bàn. Khi mà vắc-xin Re-5 không còn tác dụng cao trên đàn gia cầm mang chủng vi-rút thuộc Clade 2.3.2.1C. Trong khi đó, vắc-xin Re-6 mới nhất của Trung Quốc hoàn toàn bảo hộ trên đàn vịt khi mang chủng vi-rút thuộc các nhánh khác nhau, kể cả nhánh 2.3.2.1C, nhưng đàn gà chỉ đạt tỷ lệ bảo hộ là 50%, bao gồm nhánh 1.1.
Chuyện vi-rút có biến đổi sang chủng mới hay không đang là một ẩn số. Song thực hư thế nào sẽ được các cơ quan có thẩm quyền đưa ra câu trả lời trong nay mai. Có lẽ bài toán khó nhất lúc này chính là phải làm sao nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh cho người dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chủ động hợp tác với ngành thú y tiêm phòng chặt chẽ, góp phần ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm A/H5N1, với chủng vi-rút nhánh 1.1 được ghi nhận là vẫn đang lưu hành trên địa bàn tỉnh.
NGUYỄN GIA
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83
Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.