Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 21/03/2014
Ngày cập nhật:
22/3/2014
Giống bò Barahman đỏ có trọng lượng gần 1 tấn/con trưởng thành, giá trị kinh tế cao hơn bò vàng song thời gian sinh trưởng lại như nhau.
Giống bò lai sind ở Hải Lăng đang được thay thế bởi giống bò giá trị kinh tế hơn
Huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đang thay dần đàn bò vàng địa phương bằng giống bò Barahman đỏ, trọng lượng gần 1 tấn/con trưởng thành, giá trị kinh tế cao hơn song thời gian sinh trưởng như nhau.
Học một sàng khôn
Nhiều nông dân và cán bộ huyện Hải Lăng được sang tận Thái Lan học tập kinh nghiệm chăn nuôi bò. Điều băn khoăn lớn nhất của nhiều người sau khi thăm các trang trại nuôi bò ở Thái Lan là vì sao giống bò vàng VN đang nuôi có vóc hình nhỏ bé, giống và công nghệ nuôi bò của thế giới đã thay đổi quá nhiều mà ta thì vẫn nuôi bò vàng thả rông. Còn giống bò của Thái Lan thì đúng là rất to, cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với bò vàng VN.
Ông Dương Viết Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hải Lăng kể, hằng năm ngành nông nghiệp Thái Lan tổ chức cuộc thi và trao huy chương cho những người lai tạo giống và nuôi bò giỏi. Chủ trang trang nào có bò đi thi được chấm điểm “giống đực tốt nhất” thì họ rất mừng vì quá trình tạo giống của họ đã cho kết quả tốt để phục vụ thị trường chăn nuôi. Người nông dân nuôi bò thịt nhờ có giống tốt, giá trị kinh tế cao nên mau sinh lãi. Với chính sách khuyến khích như vậy nên giống bò của Thái Lan luôn tốt nhất trong khu vực, đó là lý do mà huyện Hải Lăng cử cán bộ sang tận bên ấy để nghiên cứu, học hỏi.
Sau khi đi học tập và nghiên cứu trở về, huyện Hải Lăng mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi bò giống ngoại nhằm giúp bà con làm giàu. Thái Lan và VN có nhiều nét tương đồng trên lĩnh vực nông nghiệp nên việc đưa giống bò Thái Lan về nuôi không khó để thích nghi.
Theo ông Dương Viết Hải, huyện Hải Lăng có đủ điều kiện để phát triển đàn bò lai rất tốt, đó là có đồng cỏ lớn, bà con có truyền thống nuôi bò, quan trọng hơn nữa là huyện có sẵn đề án phát triển đàn bò lai thay thế dần bò vàng. Tổng số đàn bò của Hải Lăng có 4.600 con, trong đó mới có 1.200 bò lai sind.
Tuy nhiên, tỷ lệ bò lai và máu lai đang còn thấp. Vì vậy, trong kế hoạch phát triển đàn bò giai đoạn 2013-2015, Hải Lăng tập trung thụ tinh nhân tạo giống bò Brahman đỏ trên nền bò cái hiện có là Brahman đỏ và lai sind. Ngoài ra, còn thử nghiệm các giống Drouhtmaster, Charolais, Brahman trắng để rút kinh nghiệm trong chăn nuôi bò giống ngoại.
Cho vay không lãi để nuôi bò lai
Bà Nguyễn Thị Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết huyện chủ trương đầu tư vốn cho nông dân nuôi bò sớm thoát nghèo bằng một đề án phát triển chăn nuôi bò lai, bò giống ngoại theo mô hình nuôi bò nhốt bán thâm canh ở hộ gia đình. Từ nay đến năm 2020 huyện chú trọng phát triển bò thịt để cung cấp cho thị trường. Nông dân đầu tư mua giống bò ngoại huyện cho vay không tính lãi trong thời gian tối đa 2 năm để mua giống đạt chuẩn (trên 50% máu ngoại), giá trị cho vay không quá 50% trị giá tổng số tiền nông dân đầu tư nuôi bò.
Cụ thể, bà con nuôi bò theo phương thức nhốt tại chuồng, chuồng trại xây đúng quy cách, theo kích thước, khuôn mẫu được bộ phận kỹ thuật của huyện cung cấp một cách bài bản. Mỗi hộ gia đình có đủ điều kiện nuôi bò phải nuôi 3 con trở lên mới có lời nhiều. Với giống bò thì phải giống ngoại, tốt nhất là giống bò Brahman đỏ của Thái Lan, rất phù hợp với khí hậu ở Quảng Trị. Giống bò này có ưu điểm tầm vóc lớn, khi trưởng thành có con nặng gần 1 tấn, bò tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt rất tốt. Đây là những giống bò ưu việt mà Thái Lan đã nhập về phát triển chăn nuôi từ những năm đầu thế kỷ 20. Giống bò vàng của VN chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế thấp, nông dân khó giàu.
Mô hình nuôi bò đã được triển khai 5 xã Hải Thượng, Hải Phú, Hải Lăm, Hải Tân, Hải Ba. Qua thực tế đã chứng minh nuôi bò nhốt mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với quy mô chăn nuôi hộ gia đình, tận dụng được nguồn thức ăn cỏ tươi và rơm khô của địa phương có thế mạnh nông nghiệp này. Giống bò Brahman đỏ đang nuôi tai huyện Hải Lăng cho hiệu quả kinh tế rất cao. Bò mẹ rất mắn đẻ, mỗi năm đẻ mỗi con. Bê mới 6 tháng đã bán được giá 15 triệu đồng.
Ông Dương Viết Hải cho biết song song với việc đẩy mạnh nuôi bò lai, giống ngoại thì các cơ sở hết sức chú ý thiến bò đực cóc. Mỗi gia đình có bò đực cóc thiến được hỗ trợ 150 ngàn đồng, người đi thiến được hỗ trợ 50 ngàn đồng.
Ông Hải lý giải nếu không loại trừ giống bò vàng ở những con đực cóc ngay từ đầu thì chính sách nuôi bò ngoại của huyện sẽ không có kết quả. Vì bò vàng đực cóc rất tài trong việc đi tìm bạn tình đến thời điểm động dục.
Cuộc cách mạng nuôi bò ngoại ở Hải Lăng người nông dân được lợi rất nhiều về kinh tế, chỉ có những con bò đực cóc vàng giống VN là thiệt thòi nhất, vì chúng là nguyên nhân đầu tiên góp phần làm cho đàn bò hiệu quả kinh tế ngày càng thấp, nên khi vừa ra đời thì đã bị thiến bộ phận sinh dục.
Chỉ sau 2 năm phát triển bò lai và giống ngoại, đàn bò huyện Hải Lăng tăng thêm 747 bê con lai. Đây là một thành quả rất lớn mà huyện Hải Lăng đầu tư đúng hướng trong việc phát triển chăn nuôi bò lai theo hình thức hộ gia đình.
LÂM QUANG HUY
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83
Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.