Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 11/04/2014
Ngày cập nhật:
13/4/2014
Thời gian qua, ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những biến động về giá cả. Trong khi giá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho chăn nuôi luôn có xu hướng tăng cao thì giá bán đầu ra lại giảm, có lúc dưới giá thành sản xuất, khiến người chăn nuôi trong nước lúc nào cũng đối mặt với khó khăn. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm liên tục hoành hành, khiến người chăn nuôi không ngớt âu lo.
Thời gian tới, khi Hiệp định TPP được ký kết, sức ép cạnh tranh đối với các sản phẩm chăn nuôi trong nước sẽ còn tăng cao. Hiện nay, giá sản phẩm chăn nuôi trong nước đã cao hơn giá sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Đây là những thách thức rất lớn, nếu không kịp thời có những giải pháp đối phó, nguy cơ đổ vỡ ngành chăn nuôi sẽ hiện hữu.
Theo các chuyên gia, ngành chăn nuôi hiện nay có 3 điểm yếu cần khắc phục trong lộ trình tái cơ cấu, đó là: Phát triển không bền vững về năng suất và giá cả; chất lượng một số giống vật nuôi thấp; hình thức tổ chức sản xuất của ngành chăn nuôi còn chậm đổi mới, manh mún và bị cắt khúc nên hiệu quả kinh tế không cao.
Cụ thể, các chỉ tiêu quan trọng của giống vật nuôi nước ta như khả năng sinh sản, sinh trưởng chỉ bằng 85% - 90% thế giới, chi phí cho một đơn vị sản phẩm cao hơn các nước 1,15 - 1,25 lần. Tốc độ tăng đầu con gia súc, gia cầm kéo theo sự nhập khẩu nguyên liệu thức ăn, con giống, thuốc thú y làm tăng giá thành sản phẩm cao hơn các nước trong khu vực, từ đó làm mất sức cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước.
Theo tính toán của người chăn nuôi, để có một con heo thịt xuất chuồng khoảng 1 tạ, người chăn nuôi phải bỏ ra từ 3,8 - 4 triệu đồng chi phí đầu vào, trong đó riêng thức ăn chăn nuôi chiếm đến hơn 70%, chưa kể chi phí thú y và các chi phí khác. Hiện nay, thức ăn gia súc vẫn phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.
Theo Bộ NN-PTNT, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn nhập khẩu chiếm tới hơn 60% thị phần cả nước. Doanh số hàng năm của các doanh nghiệp này lên tới 6 tỷ USD. Các doanh nghiệp này nhờ lợi thế khép kín vừa sản xuất thức ăn, vừa tổ chức chăn nuôi tập trung quy mô lớn nên dần chi phối, lũng đoạn ngành chăn nuôi trong nước.
Không cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp nước ngoài, người chăn nuôi trong nước bị giảm thu nhập, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, tạo tâm lý không muốn tái đàn, dẫn tới giá cả biến động. Đây cũng là nguyên nhân của việc phát triển không bền vững về năng suất và giá cả.
Ngoài ra, khó khăn lớn nhất của ngành hiện nay là thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định.
Ngành chăn nuôi hiện đang đối mặt với các khâu trung gian nhiêu khê trong chuỗi giá trị chăn nuôi. Hiện một sản phẩm chăn nuôi từ trang trại đến tay người tiêu dùng phải qua ít nhất 5 khâu trung gian khiến giá bán bị đẩy lên rất nhiều. Mặt khác, người chăn nuôi trong nước đang phải “tự bơi” trong sản xuất lẫn tiêu thụ.
Theo các chuyên gia, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, cần chuyển đổi mô hình phát triển chăn nuôi chủ yếu từ tăng quy mô sang vừa tăng quy mô vừa nâng cao chất lượng. Tổ chức lại ngành chăn nuôi theo hướng phát huy lợi thế so sánh từng vùng gắn với thị trường, đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Cần có cơ chế hỗ trợ mạnh hơn nữa, chuyển dịch nhanh chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, quy mô công nghiệp với trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, kiểm soát chặt chẽ an toàn sinh học tạo nguyên liệu sản xuất chế biến an toàn thực phẩm theo hướng VietGAP, giá thành hạ, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng của sản phẩm chăn nuôi thì cần phải gắn với việc nâng cao chất lượng con giống. Cần biện pháp khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu chọn tạo giống và nhập các loại giống tiên tiến trên thế giới về để lai tạo ra bộ giống tốt.
Các chính sách cần ưu tiên nhiều hơn cho người nuôi nhỏ lẻ vì nước ta còn cả chục triệu hộ chăn nuôi, vấn đề an sinh xã hội là rất lớn. Họ yếu về mọi mặt nhưng phải cạnh tranh với những doanh nghiệp “khổng lồ” của nước ngoài, đầy sức mạnh về tài chính, thị trường và khoa học công nghệ. Bên cạnh đó cần phải xây dựng liên kết theo chuỗi để giảm chi phí cho người chăn nuôi.
Nhà nước cũng cần tăng tính dự báo về cung, cầu thực phẩm trong và ngoài nước, giúp người chăn nuôi có định hướng trong đầu tư, xác định quy mô chăn nuôi và phân khúc thị trường phù hợp cho sản phẩm làm ra; tổ chức ngành theo hướng gắn sản xuất với hệ thống giết mổ, phân phối thực phẩm để người chăn nuôi được tiếp cận gần nhất với người tiêu dùng...
HÀM LUÔNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83
Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.