Nguồn tin: Báo Phú Yên, 19/04/2014
Ngày cập nhật:
21/4/2014
Vụ lúa đông xuân 2013-2014 đang thu hoạch, đây cũng là thời điểm nhiều đàn vịt bắt đầu chạy đồng, nên nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên đàn gia cầm rất cao. Ngành Thú y cùng các địa phương triển khai nhiều biện pháp quản lý, giám sát đối với đàn vịt chạy đồng, không để phát sinh dịch bệnh.
Người nuôi vịt tại sông Bàn Thạch chờ vào mùa đồng - Ảnh: T.TIÊN
Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Yên, các diện tích lúa trà sớm đã được thu hoạch và đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch trà lúa chính, đây cũng là thời điểm nhiều đàn vịt bắt đầu vào mùa chạy đồng. Ông Nguyễn Tuấn ở thôn Hiệp Đồng, xã Hòa Xuân Đông (Đông Hòa) cho biết: “Đàn vịt hơn 2.000 con của tôi đang được nuôi nhốt tạm dọc các bờ mương, chờ sau khi lúa thu hoạch xong sẽ cho chạy đồng”. Theo ông Tuấn, ngoài mấy sào lúa của gia đình thì ông cũng đã thuê được một số đồng của địa phương để chăn vịt. Không riêng ông Tuấn mà hiện nay, khi đồng lúa đang vào mùa thu hoạch, hầu hết các hộ chăn vịt đều đã đưa đàn vịt về địa phương cắm sào chờ đồng.
Điều này đã tạo nên nhiều áp lực cho ngành Thú y và các địa phương trong việc quản lý, giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm. Theo ông Huỳnh Ngọc Phát, cán bộ thú y thị trấn Chí Thạnh (Tuy An), ngoài những đàn vịt được nuôi cố định tại địa phương, hiện nhiều đàn vịt của các hộ dân của thị trấn đang chạy đồng ở những nơi khác cũng đã tập trung về đồng nhà. Vì vậy công tác quản lý và giám sát của ngành cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, đối với người chăn nuôi, khi vịt vào mùa chạy đồng là thời điểm bà con thu được lợi nhuận cao nhất, bởi nó giảm được đáng kể chi phí thức ăn chăn nuôi. Ông Nguyễn Tín ở thôn Thạch Tuân 2, xã Hòa Xuân Đông (Đông Hòa) cho hay: Khi cho vịt chạy đồng, tận dụng nguồn thức ăn trên ruộng sẽ giúp cho người chăn nuôi vịt giảm được 1/2 chi phí thức ăn so với nuôi nhốt vịt tại chuồng, cho ăn thức ăn tổng hợp. Bên cạnh đó, vịt chạy đồng còn có tỉ lệ đẻ và kích cỡ trứng cũng to hơn nên lợi nhuận thu được cao hơn nhiều. Đây cũng là nguyên nhân chính mà nhiều năm qua người chăn nuôi vẫn tiếp tục duy trì phương thức đưa vịt chạy đồng, mặc dù nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao, nhất là trong thời điểm dịch cúm gia cầm chỉ mới vừa tạm lắng.
Để dung hòa được những khó khăn trong việc quản lý cũng như lợi ích của người chăn nuôi vịt trong mùa chạy đồng hiện nay, ngành Thú y cùng các địa phương đang thực hiện nhiều biện pháp giám sát. Ông Dương Mẫn, Trưởng trạm Thú y huyện Đông Hòa cho biết: Hiện trạm đang tăng cường giám sát tình hình chăn nuôi gia cầm, nhất là đàn vịt chạy đồng trên địa bàn thông qua hệ thống chân rết cán bộ thú y cơ sở, để từ đó nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh sớm và kịp thời nhất. Đồng thời trạm còn phối hợp với các xã, thị trấn vận động bà con thường xuyên tổ chức phun thuốc tiêu độc sát trùng môi trường khu vực chăn nuôi để hạn chế mầm bệnh trong không khí. Đối với các huyện, thị xã, thành phố có đàn vịt chạy đồng đã chủ động đề ra nhiều biện pháp phòng chống dịch. Ông Phan Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Đông cho biết: Việc giám sát đàn vịt của địa phương được theo dõi thông qua sổ theo dõi việc nhập, xuất đàn ra vào địa phương. Mỗi đàn vịt khi ra, vào địa phương đều phải đảm bảo có giấy chứng nhận tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định, khi phát hiện đàn gia cầm không đảm bảo các tiêu chí này hoặc có dấu hiệu bệnh lâm sàng sẽ bị trục xuất, không cho nhập đàn vào địa bàn.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng còn tăng cường tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện một số biện pháp phòng dịch như tiêm phòng, tiêu độc; đồng thời chú trọng việc phát hiện báo cáo dịch sớm nếu có dấu hiệu dịch xảy ra trên đàn gia cầm nuôi của mình hoặc của những hộ nuôi lân cận. Ông Trần Văn Đặng ở xã Hòa Quang Bắc (Phú Hòa) cho hay: “Ngoài các loại vắc xin thông dụng như tả, tụ huyết trùng vẫn tiêm phòng lâu nay thì vừa qua, khi dịch cúm gia cầm xảy ra ở huyện Đông Hòa, gia đình tôi đã chủ động mua vắc xin cúm gia cầm để tiêm phòng cho cả đàn vịt đẻ hơn 1.000 con. Chính vậy nên vào mùa chạy đồng này, chúng tôi cũng khá yên tâm vì đàn vịt đã được “bảo hộ”, hy vọng sẽ không xảy ra dịch bệnh gì nữa để chúng tôi kiếm được ít lãi, bù vào số tiền thua lỗ do giá trứng hạ hồi dịch cúm”.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh khuyến cáo, hiện dịch cúm gia cầm đã được khống chế, tuy nhiên nguy cơ tái phát dịch vẫn còn rất cao, nhất là trong thời điểm vịt chạy đồng như hiện nay. Để không phát sinh dịch, ngành Thú y khuyến cáo người chăn nuôi cần thận trọng trong việc chọn địa điểm di chuyển đàn, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin quy định để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Các địa phương cần thực hiện chặt chẽ việc giám sát đàn gia cầm của địa phương và các đàn gia cầm từ các địa phương khác đưa về thông qua sổ theo dõi chạy đồng, các chứng từ tiêm phòng để kịp phát hiện, xử lý khi có trường hợp gia cầm nhập đàn trái phép…
THỦY TIÊN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83
Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.