Nguồn tin: Báo Lai Châu, 05/07/2014
Ngày cập nhật:
11/7/2014
Hiệu quả kinh tế từ nuôi ong rừng lấy mật mang lại đã khiến nhiều hộ gia đình xã Mường Than (huyện Than Uyên, Lai Châu) đang nỗ lực phát triển đàn ong để nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tẽo, bản Cẩm Trung 1 cũng có 15 đõ ong, lúc nhàn rỗi anh làm thùng để nhân đàn.
Đến xã Mường Than vào một ngày đầu tháng 7, qua trò chuyện với lãnh đạo xã chúng tôi được biết, vài năm qua, trên địa bàn xã, việc bắt ong rừng về nuôi lấy mật đang được bà con nơi đây phát triển thành phong trào, mang lại thu nhập đáng kể. Theo giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình anh Đinh Văn Quang ở bản Cẩm Trung 2. Vừa nhanh tay lật từng xà ong để kiểm tra anh Quang vừa cho chúng tôi biết, việc nuôi ong rừng đến với anh như một cơ duyên. Ngày còn thanh niên, trong một lần đi rừng, khi chặt đổ 1 cái cây to thân rỗng anh đã thấy ong bay ra toán loạn cùng rất nhiều mật ngọt chảy ra, để tránh ong đốt, anh cởi chiếc áo đang mặc quấn lên đầu, thấy ong bám dần vào thành đám, anh bỏ túm ong vaò mũ cối, nảy ra ý nghĩ mang về nhà nuôi. Về nhà anh đã sửa chiếc hòm cũ rồi thả ong vào để thuần dưỡng. Ngày đầu ong ở trong tổ rất ít, anh lo chúng bay mất, song vài sau thì chúng cũng chịu ở. Ba tháng sau mở ra thấy rất nhiều mật, anh lấy ra vắt được 9 chai. Thấy có hiệu qủa, anh tiếp tục vào rừng tìm ong về để nuôi thêm để phục vụ nhu cầu của gia đình. Tuy nhiên do không có kỹ thuật, không biết cách tách, nhân đàn nên cứ vài năm lại thấy ong ít đi mà không biết tại sao. Những năm gần đây thấy trên ti vi, sách báo nói nhiều về việc làm kinh tế bằng cách nuôi ong rừng lấy mật, cùng với kinh nghiệm tích lũy được anh tích cực vào rừng tìm kiếm, bắt ong về nuôi.
Theo anh Quang, nuôi ong rừng không cần phải đầu tư nhiều vốn, không tốn nhiều đất, chăm sóc cũng đơn giản và ít bệnh tật, song vì là ong rừng nên có tập tính hoang dã, tự nhiên, thích sống ở nơi mát như các hốc cây, tán lá rậm nên phải trồng cây cho có bóng râm và che chắn cẩn thận để tránh mưa, nắng để ong không bỏ đi. Đồng thời, không khai thác mật vào mùa đông và mùa mưa nhiều vì mùa này ít hoa và trời rét nên việc làm mật của ong cũng hạn chế. Khoảng tháng 3 ấm áp mới được tách tổ nhân đàn. Nhà anh có 15 đõ ong cho thu hoạch ổn định, mỗi năm anh thu hoạch 7 lần, mỗi lần được 20 chai 65ml. Với giá 250.000/chai như hiện nay, từ đàn ong anh thu về khoảng 40 triệu đồng/năm.
Anh Đinh Văn Quang kiểm tra xà ong làm mật của gia đình.
Nuôi nhiều ong nhất ở xã Mường Than là gia đình anh Kiều Duy Quang ở bản Cẩm Trung 1, hiện tại gia đình anh Trung có 18 đõ ong lấy mật. Anh Quang cũng chia sẻ, để giữ đàn ong, anh đóng những thùng hình chữ nhật để làm nhà cho ong trú ẩn, thùng dài khoảng 50cm, chiều cao 30 cm, rộng 25 cm, trong mỗi thùng đính từ 5 - 7 kèo bằng gỗ để ong làm mật. Theo kinh nghiệm của anh thì việc tăng đàn là rất quan trọng, ngoài yêu cầu thoáng, mát thì nếu không điều chỉnh được đàn hay không chú ý tới chất lượng đàn thì ong sẽ bỏ về rừng. Bởi thế, hàng năm vào mùa hoa nhãn anh chú trọng việc tạo ong chúa, sau đó thì tiến hành chia đàn. Bên cạnh đó, anh còn dành thời gian quan sát, làm vệ sinh thường xuyên, không để kiến, dán, thạch sùng và các loại ong khác leo lên đõ ong, vì khi bị tấn công ong sẽ bỏ tổ nơi khác. Anh bảo, từ khi mang ong về nuôi, năm nào ong nhà anh cũng tự bỏ đi gần một nửa nhưng với niềm đam mê, anh vẫn tiếp tục tìm ong, nhân đàn. Cùng với mật ong là sáp ong, sữa ong chúa, phấn hoa đã mang lại cho gia đình anh khoảng 50 triệu đồng mỗi năm.
Rời bản Cẩm Trung, chúng tôi đến bản Phương Quang, anh Đàm Vũ Anh – Người dân nơi đây cho biết, cũng như nhiều hộ gia đình trong bản, gia đình anh cũng nuôi 10 đõ ong lấy mật. Vì ở gần rừng ít các loại hoa nên anh chỉ cắt mật 5 lần/năm. Trung bình mỗi đõ ong cho 1 chai mật mỗi lần cắt. Bên cạnh phục vụ cuộc sống gia đình, làm quà, mỗi năm cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng.
Băn khoăn về việc đàn ong chưa được phát triển với quy mô lớn, tập trung, anh Lê Văn Chất - Chủ tịch xã Mường Than cho chúng tôi biết, hiện nay trên địa bàn xã Mường Than, 6/8 bản có hộ gia đình nuôi ong, với tổng số khoảng 800 đõ ong. Hầu hết chỉ nuôi ong bằng sở thích và kinh nghiệm chứ chưa có gia đình nào nuôi với quy mô lớn. Một số gia đình nuôi trên chục đõ ong cho biết rằng, không cần treo biển thì ong nuôi tự nhiên nên mật ong cũng thơm mùi hoa rừng, độ ngọt cao và hầu hết là được bà con trong và ngoài địa phương giới thiệu cho nhau rồi đặt mua chứ không phải mang ra chợ bán. Chi phí thấp, đầu ra thuận lợi nên nhiều gia đình nuôi ong có nhu cầu phát triển đàn ong song còn nhiều băn khoăn về những rủi ro, nhất là có khi buổi sáng sớm thấy ong dẫn nhau bay đi cả đàn mà không có cách nào giữ lại. Đặc biệt là những năm gần đây, cùng với phát huy lợi thế phát triển kinh tế vườn đồi, rừng, số trang trại của bà con địa phương đã tăng lên đáng kể, thuận lợi cho việc nuôi ong lấy mật. Vì vậy, xã rất mong muốn tỉnh, huyện quan tâm tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi ong cũng như xây dựng thành mô hình nuôi ong thương phẩm để ong thực sự trở thành "con giảm nghèo", làm giàu cho bà con nơi đây.
Thu Mai
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83
Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.