Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 16/07/2014
Ngày cập nhật:
17/7/2014
Mô hình VAC của gia đình ông Đỗ Như Phượng, xóm 23, xã Xuân Tín (Thọ Xuân) nhiều năm nay mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Minh Hằng
Giá thức ăn tăng, sự bất ổn của thị trường đầu ra, nguy cơ dịch bệnh... là những nguyên nhân khiến người chăn nuôi thua lỗ, nhất là chăn nuôi nông hộ. Tại một số vùng nông thôn, đã có hiện tượng người dân thu hẹp quy mô hoặc bỏ dần chăn nuôi nông hộ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế ở nông thôn.
Chăn nuôi nông hộ đang dần bị thu hẹp
Gia đình ông Đỗ Như Phượng, ở xóm 23, xã Xuân Tín (Thọ Xuân - Thanh Hóa) là một trong những tấm gương về phát triển chăn nuôi hiệu quả tại địa phương. Nhiều năm qua, gia đình ông thường duy trì đàn gà thịt, gà đẻ khoảng 7.000 con và 2 ao cá, lợi nhuận trung bình từ 70 đến 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, dịch bệnh thường xuyên xảy ra... Khó khăn đã khiến ông phải thu hẹp quy mô chăn nuôi, hiện nay đàn gà chỉ còn khoảng 2.000 con và 700 con vịt đẻ. Cũng tại xóm 23, gia đình anh Nguyễn Mậu Tám trước đây luôn duy trì đàn gia súc gồm 10 lợn thịt và 1 lợn nái. Một năm cho xuất chuồng 3 lứa với số tiền lãi khoảng 10 triệu đồng. Nhưng từ năm 2012 đến nay, giá thịt hơi lên xuống thất thường, chăn nuôi thua lỗ nên anh không còn mặn mà với việc phát triển đàn lợn. Ông Hà Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lai, cho biết: Tổng đàn lợn của xã từ năm 2008 đến nay giảm từ 2.000 - 2.500 con xuống còn 700 - 800 con, có thời điểm cả xã chỉ có 200 - 300 con lợn, tình trạng “treo chuồng” diễn ra tại nhiều thôn. Theo thống kê của UBND huyện Thọ Xuân, tổng đàn lợn tính đến tháng 4-2014 giảm gần 25% so với cùng kỳ, đàn bò giảm 2%, đàn trâu giảm hơn 2%, nguyên nhân chính là do chăn nuôi nông hộ bị thu hẹp.
Yên Định là một trong những địa phương phát triển chăn nuôi chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu nông nghiệp và đạt 46,3%. Tuy nhiên, những năm gần đây, chăn nuôi nông hộ luôn gặp khó khăn. Ông Lê Văn Xướng, Chủ tịch UBND xã Định Hòa, cho biết: Thời kỳ năm 2012 - 2014, đàn lợn của xã giảm từ 4.000 con xuống còn 2.000 con, đàn trâu, bò giảm từ 1.600 con xuống gần 800 con, sản lượng thịt hơi ước giảm 50%, kéo kinh tế chăn nuôi từ 40% xuống còn 35% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Anh Lê Thế Kiên, thôn Ngọc Sơn, xã Định Tường (Yên Định) than thở: Từ năm 2008 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng gấp 2 lần, trong khi đó giá thịt lợn hơi lại giảm đến 30%, có thời điểm giá xuống có 28 - 30.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với 5 năm về trước. Bên cạnh đó, nguy cơ bùng phát dịch bệnh luôn tiềm ẩn. Cùng tâm trạng đó, chị Lê Thị Huê ở cùng thôn chia sẻ: Do chưa có sự liên kết với đơn vị tiêu thụ nên chúng tôi bị phụ thuộc vào thương lái và hầu như bị ép giá, lợn đến thời điểm xuất chuồng càng nuôi càng lỗ. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng đàn gia súc giai đoạn 2010 - 2013 giảm so với những năm trước đây, đàn trâu giảm 9%, đàn bò giảm 32%, đàn lợn giảm 26%.
Chăn nuôi nông hộ dần bị thu hẹp còn có nguyên nhân từ quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phát triển tự phát, thiếu quy hoạch. Thực tế, đa số các hộ chăn nuôi khi giá giảm thì bỏ hàng loạt, lúc giá tăng thì người dân lại ồ ạt tái đàn, dẫn đến cung vượt quá cầu và lại bị ép giá. Bên cạnh đó, việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật chưa được chú trọng, do đó năng suất, hiệu quả chăn nuôi thấp. Dễ lây lan và phát sinh bệnh tật do chưa tuân thủ nghiêm ngặt công tác thú y, vệ sinh chuồng trại. Khả năng kiểm soát môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm còn yếu. Sự liên kết chăn nuôi nông hộ hầu như chưa được triển khai, do vậy việc tham gia thị trường đầu vào, đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế, khiến người chăn nuôi thường xuyên bị thua lỗ và giảm thu nhập do các khâu trung gian.
Phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả
Với hơn 70% dân số sinh sống tại nông thôn, ngành chăn nuôi đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh, giúp người dân nông thôn tăng thu nhập, giải quyết việc làm lúc nông nhàn, tạo nguồn phân bón hữu cơ cho phát triển cây trồng. Chăn nuôi nông hộ còn được xem là “nhà máy chế biến” những phụ phẩm của ngành trồng trọt và các nghề phụ ở nông thôn như xay xát, nấu rượu, làm bún, bánh...; tạo ra những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như trứng, thịt, sữa. Tiến sĩ Võ Sinh Huy, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định: Cần hoạch định lại chiến lược phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững. Việc phát triển, đổi mới chăn nuôi nông hộ không chú trọng gia tăng đàn vật nuôi một cách cơ học mà hướng tới chăn nuôi có kiểm soát, nâng cao tính cạnh tranh. Trong đó, chú trọng vấn đề chọn giống và phổ biến cho nhân dân các bộ giống có chất lượng tốt, thích hợp để nâng tầm vóc, chất lượng sản phẩm; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, hiệu quả chăn nuôi, bảo đảm môi trường; hỗ trợ vốn cho người chăn nuôi đầu tư chuồng trại, mở rộng quy mô sản xuất; hỗ trợ tiêm phòng để kiểm soát dịch bệnh; liên kết tiêu thụ sản phẩm, hướng dần tới việc phát triển chăn nuôi nông hộ một cách chuyên nghiệp để người chăn nuôi đứng được ở thế chủ động và thực sự có lãi. Để thực hiện tốt vấn đề này, ngoài sự kiên trì, cố gắng của người nông dân, rất cần sự vào cuộc của Nhà nước, các cơ quan chuyên môn, ngành nông nghiệp từ tỉnh tới địa phương trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ, định hướng phương thức chăn nuôi nông hộ hiệu quả cũng như bảo đảm an toàn.
Huyện Triệu Sơn là đơn vị tiên phong của tỉnh trong việc đi trước, đón đầu các chính sách. Vì vậy, sau 2 năm thực hiện Đề án “Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tại hộ gia đình theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường giai đoạn 2012-2016”, hiệu quả đã bắt đầu được khẳng định. Với đề án này, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ xây dựng chuồng trại, mua giống, hỗ trợ tiền công tiêm phòng các loại vắc-xin bắt buộc và lắp đặt công trình biogas 1 triệu đồng/hộ... Việc ban hành kịp thời chính sách, cộng với việc tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục thuê đất, vay vốn ưu đãi giúp các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm gia súc, gia cầm, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực chăn nuôi. Thống kê cuối năm 2013 cho thấy, mặc dù số lượng hộ chăn nuôi giảm so với năm 2011 nhưng tổng đàn lợn và gia cầm tăng, trong đó đàn lợn tăng 12%, đàn gia cầm tăng 53%, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt gần 8.000 tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2011, dịch bệnh được kiểm soát do tỷ lệ tiêm phòng tăng hơn 20%.
Trong thời gian qua, các chính sách phát triển chăn nuôi của tỉnh cũng như các địa phương chỉ mới chú trọng đến chăn nuôi trang trại mà “bỏ quên” chăn nuôi nông hộ. Hơn lúc nào hết, lúc này người nông dân cần định hướng, quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước để chuyển đổi từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi có kiểm soát, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao; đồng thời, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Minh Hằng
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83
Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.