Nguồn tin: Nhân Dân, 29/09/2014
Ngày cập nhật:
30/9/2014
Một trang trại nuôi bò sữa của hộ gia đình ở thị trấn Nông trường Mộc Châu.
Cung ứng ra thị trường sản phẩm sữa vệ sinh an toàn thực phẩm, chuồng trại sạch sẽ, bảo vệ môi trường, an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình, góp phần tăng nhanh số lượng đàn bò, thu nhập cao...
Đó là những lý do đầy thuyết phục để gần một năm qua, những hộ chăn nuôi bò sữa trên cao nguyên Mộc Châu mạnh dạn ứng dụng quy trình VietGap trong chăn nuôi bò sữa kể từ khi Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu milk) đủ điều kiện cấp chứng nhận vào tháng 11 - 2013.
Trên thực tế, chăn nuôi theo quy trình VietGap không phải là điều xa lạ với các hộ chăn nuôi bò sữa tại Mộc Châu do quy trình chăn nuôi trong nhiều năm qua vốn tuân thủ rất nghiêm ngặt từ quá trình chọn con giống, chăm nuôi, thú y, vệ sinh trang trại, vắt sữa... nhằm bảo đảm quy trình sản xuất sạch, cung ứng ra thị trường sản phẩm tiêu chuẩn hợp vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, đó cũng chính là phương thức chính đáng nhất để hộ nuôi bò sữa cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sữa Mộc Châu uy tín, bền vững.
Theo Phó Tổng giám đốc Mộc Châu milk, Phạm Văn Nhán, VietGap chỉ là một phương pháp "chứng chỉ hóa, nhằm động viên, khuyến khích người nông dân chăn nuôi bò sữa mạnh dạn hơn nữa trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, thúc đẩy năng suất lao động. Qua các lớp tập huấn, chúng tôi cũng tuyên truyền để bà con hiểu một trong những ưu điểm của VietGap chính là tạo cho họ điều kiện, môi trường làm việc tối ưu, nhằm ngăn chặn lạm dụng sức lao động của chính mình".
Lên Mộc Châu vào những ngày này, tiết thu dường như mát lành hơn, khi các hộ chăn nuôi bò sữa đang háo hức lựa chọn những con bò sữa, bò hậu bị đẹp nhất tham gia vòng sơ khảo, chuẩn bị cho vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Bò sữa Mộc Châu đã được tổ chức tròn mười năm. Và cũng bởi một cảm giác được hưởng một bầu không khí thoáng đãng, trong trẻo hơn khi không còn mùi "đặc trưng" từ những con bò sữa và chất thải "xộc" vào mũi, "đập" vào mắt. Cho dù, quy mô đàn bò không ngừng tăng sau mỗi năm. Hiện nay, quy mô hộ chăn nuôi bò sữa Mộc Châu bình quân 30 con/hộ. Hộ nhiều từ 50 đến 60 con, cá biệt có gia đình lên tới 160 con. Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải khi tham gia vào quy trình chăn nuôi sạch, hầu hết các gia đình nuôi bò chúng tôi gặp đều cho biết họ không gặp phải trở ngại nào. Anh Dương Văn Nội (đơn vị Vườn đào 2, thị trấn Nông trường Mộc Châu) chủ của Hoa hậu Bò sữa năm 2013 cho biết: Sau khi dự hai khóa học chứng chỉ VietGap do Mộc Châu milk phối hợp Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức, cộng thêm hai lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư 1,2 tỷ đồng mở rộng quy mô trang trại, làm hố phân, cống thoát nước đạt tiêu chuẩn, đưa máy móc vào việc hỗ trợ nuôi bò. Kể từ đó, đàn bò của gia đình anh Nội tăng đáng kể từ 40 con lên đến 50 con, trong đó 28 con bò đang cho sữa.
Thu nhập bình quân từ 30 lên tới 45 triệu đồng/ tháng.
Còn trang trại của anh Nguyễn Văn Hải (đơn vị Vườn đào 1), do đầu tư chuồng trại từ vài năm trước, cho nên khi áp dụng VietGap, gia đình anh chỉ làm thêm hố phân khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, anh Hải lại mạnh dạn bỏ ra gần một tỷ đồng mua máy cày sản xuất ở Nhật Bản và một chiếc xe ben phục vụ nhu cầu sản xuất. Anh Hải cho biết: "Nói một cách đơn giản, dễ hiểu, áp dụng VietGap là để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình, gia đình mình, sau đó đến môi trường và người tiêu dùng, cũng như tự mình giải phóng sức lao động cho mình và người thân. Trước đây, khi chưa có máy cày, xe ben, máy vắt sữa tự động, tối ngày các thành viên trong gia đình chỉ biết làm việc và làm việc. Giờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào nuôi bò, chăm sóc, vắt sữa, thấy mình nhàn hơn, khỏe ra, chất lượng sữa nâng cao, thu nhập theo đó tăng cao, ai chả muốn làm".
Hiện nay, trang trại của anh Hải có 63 con bò, trong đó 34 con cho sữa, thu 7,2 tạ sữa/ngày.
Trừ chi phí, hằng tháng anh thu về 90 triệu đồng, lọt vào danh sách những tỷ phú nuôi bò trên cao nguyên Mộc Châu.
Lợi ích nhìn thấy rõ ràng khi các hộ nông dân chăn nuôi bò thực hiện tiêu chuẩn VietGap.
Chuồng trại được mở rộng khang trang, sạch đẹp hơn.
Các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của VietGap từ quy trình chăn nuôi, chế biến thức ăn đến khâu vắt sữa, vận chuyển sữa đến điểm thu mua được người nuôi bò sữa chú trọng lên rất nhiều. Từ đó, góp phần tăng năng suất sản phẩm. Tuy nhiên, theo Phó Tổng giám đốc Nhán, trong quá trình triển khai áp dụng VietGap đối với mô hình chăn nuôi lớn gặp khó khăn do việc đầu tư mở rộng, xây trang trại theo đúng kỹ thuật, tiêu chuẩn cần nguồn vốn lớn. Hầu hết các trang trại được xây dựng khá lâu, việc đầu tư mở rộng không đồng bộ, một số chỉ tiêu đánh giá còn nhiều bất cập, rãnh thoát nước giữa các chuồng, hệ thống xử lý rác thải, khử trùng đối với người, phương tiện ra vào trang trại chưa được thực hiện triệt để khiến công tác kiểm tra đánh giá các tiêu chí mất nhiều thời gian. Thời gian tới, công ty tiếp tục hỗ trợ vốn đối với các hộ muốn mở rộng quy mô đàn bò; xây dựng và hoàn thiện phần mềm về quản lý đàn, quản lý dịch bệnh để có hồ sơ đầy đủ, bảo đảm truy nguyên nguồn gốc. Sự phát triển bền vững của mỗi hộ chăn nuôi chính là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và ngược lại.
Cùng với việc triển khai VietGap, năm 2013, Mộc Châu milk đã được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt quy hoạch vùng dự án phát triển chăn nuôi cho các năm 2015 - 2020 - 2030 với diện tích 17 nghìn ha đất nông nghiệp nhằm phấn đấu đến năm 2020, đưa đàn bò sữa Mộc Châu lên 35 nghìn con, với sản lượng sữa đạt hơn 150 nghìn tấn/năm. Để làm được điều đó, Mộc Châu milk đã đưa vào sử dụng hai trung tâm giống, quy mô hai nghìn con bò, thực hiện nhiệm vụ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao giữ giống gốc. Trung tâm giống số ba đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014.
Đây là nơi áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thật, với phương thức chăn nuôi tiên tiến từ châu Âu, chọn lọc ra các giống bò cao sản; đào tạo chuyển giao công nghệ cho người chăn nuôi. Theo Tổng giám đốc Mộc Châu milk Trần Công Chiến: "Hơn 55 năm đứng chân trên mảnh đất này, hơn ai hết chúng tôi và bà con nông dân chăn nuôi bò sữa hiểu rằng nếu mất đi cây chè, con bò sữa và sương mù là mất đi Mộc Châu. Mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi sẽ dần bị tàn phá nếu như chúng ta chỉ coi trọng việc phát triển đàn bò mà quên đi việc trồng cây xanh, xử lý môi trường, tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân nuôi bò. Áp dụng quy trình chăn nuôi VietGap cũng là hướng tới mục tiêu phát triển xanh - bền vững".
THÙY CHI
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83
Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.