Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 15/10/2014
Ngày cập nhật:
17/10/2014
Chỉ trong vòng hơn 2 năm, nhập khẩu bò từ Úc vào Việt Nam tăng một cách chóng mặt. Từ vài ngàn con trong năm 2012 đã nhảy ngay lên con số 70 ngàn con vào năm 2013 và dự kiến nhập 150 ngàn con bò Úc vào năm 2014. Tiềm năng lớn về thị trường khiến nhiều “đại gia”, như: Hoàng Anh Gia Lai, Thành Thành Công... tuyên bố đầu tư chăn nuôi bò thịt với quy mô lớn.
Đàn bò nhập khẩu từ Úc tại Công ty TNHH Trung Đồng.
Tổng đàn trâu, bò của Đồng Nai hiện là 69.814 con, trong đó, chăn nuôi trang trại chiếm chưa đến 2% trên tổng đàn. Đây không phải là vật nuôi chủ lực của tỉnh nhưng nhiều nông dân, doanh nghiệp (DN) vẫn đánh giá cao cơ hội đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh.
* Nhập bò Úc vì thiếu bò Việt
Bà Trương Thị Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Trung Đồng (TP.Biên Hòa), DN đầu tiên của Việt Nam nhập khẩu bò Úc nguyên con, chia sẻ về nguyên nhân bà phải lặn lội tìm sang tận Úc nhập bò: “Nguồn bò nội địa có số lượng rất hạn chế trong khi nhu cầu thị trường ngày càng lớn. Chính vì vậy, tôi phải nhập bò từ Campuchia, Thái Lan về giết mổ nhưng giá cả thường lên xuống thất thường vì sản lượng thiếu ổn định”.
Khi thấy bò Úc tiêu thụ tốt trên thị trường, nhiều DN tham gia nhập bò Úc với nhiều hình thức: nhập bò về tự tổ chức giết mổ, phân phối; đầu tư trang trại, nhập bò về vỗ béo rồi cung cấp cho các lò mổ nhỏ lẻ khắp các tỉnh, thành. Theo bà Đồng, vì nhu cầu nhập bò Úc của Việt Nam tăng đột biến khiến giá nhập khẩu và giá bán lẻ bò Úc tăng theo. Tuy nhiên, điều này không mấy ảnh hưởng đến sức mua trên thị trường. “Tốc độ tăng trưởng về sản lượng nhập khẩu bò của Trung Đồng vẫn đạt mức 100%/năm”.
Hiện thịt bò Úc không chỉ chiếm lĩnh quầy kệ trong các hệ thống siêu thị lớn, nhỏ trong cả nước mà đã len lỏi khắp các chợ từ thành phố đến nông thôn. Nhiều quán phở bình dân cũng quảng bá đang sử dụng thịt bò Úc. Chị Trần Thị Hoa, tiểu thương bán thịt bò tại chợ Tam Hòa
(TP.Biên Hòa), nhận xét: “Vì bò Úc vẫn có tiếng về chất lượng nên khi đưa ra giới thiệu, người mua khá tin tưởng. Giá bán lại không mấy chênh lệch với bò nội địa nên các bà nội trợ ngày càng quen sử dụng mặt hàng này”.
* Vẫn có cơ hội cho chăn nuôi
Theo giới kinh doanh thịt bò, hiện nay ngày càng nhiều DN tham gia nhập bò Úc nhưng nhu cầu thị trường về thịt bò nói chung và bò Úc nói riêng vẫn chưa bão hòa. Tiềm năng tiêu thụ thịt bò vẫn còn lớn đang thu hút nông dân, DN quan tâm đầu tư.
Ông Phan Thành Phong, Trưởng ấp Thọ Trung (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc), cho biết ấp có đa số là người dân tộc thiểu số, trình độ canh tác cây trồng còn hạn chế nên chăn nuôi bò, dê có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. “Thời trước, người dân được Nhà nước hỗ trợ nuôi bò để xóa đói, giảm nghèo. Hiện nay, nhiều hộ dân đang giàu lên nhờ có đàn bò vài chục con. Lợi nhuận thu về từ loài gia súc này rất tốt vì giá cả đầu ra ổn định, ít dịch bệnh nên nông dân cũng quan tâm trồng thêm đồng cỏ, cho bò ăn cám theo hướng bán công nghiệp chứ không chỉ chăn thả tự do như trước”.Ông Điểu Cu, nông dân có đàn bò gần 30 con ở ấp Thọ Trung, cho biết: “Tôi vừa bán cặp bò 1 năm tuổi được 33 triệu đồng, giá tăng thêm được 4 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thức ăn của bò chủ yếu vẫn là cỏ tự nhiên nên chi phí chăn nuôi không cao. Đây là gia súc nuôi lâu năm, thời điểm giá không tốt thì tôi giữ lại tiếp tục vỗ béo chờ giá cao. Hiện nay, nhiều hộ nông dân trong ấp có vốn đều mua bò về nuôi”.
Ông Vũ Như Ý, Giám đốc Công ty TNHH Minh Ý, DN đang đầu tư phát triển đồng cỏ rộng vài chục hécta tại huyện Xuân Lộc với kế hoạch đầu tư chăn nuôi bò, cho rằng: “Đồng Nai vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi để đầu tư chăn nuôi bò theo hướng công nghiệp vì nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, thị trường tiêu thụ tốt. Nếu DN đầu tư chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến thì hoàn toàn có thể cạnh tranh được với bò Úc về mặt giá thành và chất lượng”.
Theo ông Phùng Khôi Phục, Phó tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico), đơn vị đang triển khai dự án Trung tâm chăn nuôi bò và chế biến sữa Dofico tại xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc). Dự kiến trong quý IV-2014, Dofico sẽ cho di dời đàn bò sữa hiện hữu của Công ty cổ phần bò sữa Đồng Nai từ Long Thành về Xuân Lộc. Năm 2015, đơn vị sẽ nhập thêm khoảng 500 con giống bò sữa. Hiện trung tâm đã trồng được khoảng 10 hécta cỏ chăn nuôi. Đây sẽ là nguồn giống gốc để phát triển những đồng cỏ chăn nuôi sau này. Qua đó, xây dựng chuỗi liên kết cung cấp giống bò, giống cỏ; chuyển giao, hỗ trợ về kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân
Bình Nguyên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83
Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.