Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 16/10/2014
Ngày cập nhật:
19/10/2014
Triển khai từ tháng 5, đến nay, việc thí điểm nuôi heo trên đệm lót sinh thái ở Cam Lâm, Khánh Hòa bước đầu cho thấy một số ưu điểm, đặc biệt không ô nhiễm môi trường.
Thích hợp chăn nuôi nhỏ trong khu dân cư
Ông Nguyễn Văn Lực (thôn Lập Định 2, xã Cam Hòa) vừa bán 12 con heo, thu lãi hơn chục triệu đồng. Ông cho biết: “Nuôi heo theo kiểu đệm lót sinh thái đạt lắm, đặc biệt không ô nhiễm. Tiền bán heo đợt này, tôi dùng lo việc nhà, còn lại nâng cấp chuồng, mua thêm chục con heo giống nuôi tiếp”. Ông Lực là 1 trong 3 hộ tham gia đề tài Ứng dụng mô hình sinh kế chăn nuôi heo trên đệm lót sinh thái ở Cam An Nam, Cam Thành Bắc và Cam Hòa (huyện Cam Lâm). Qua 3 tháng 20 ngày nuôi, heo nhà ông Lực từ 7kg đã đạt 95kg, chậm hơn so với dự kiến do đây là lần đầu tiên ông nuôi theo cách này.
Trước khi tham gia đề tài, hộ ông Hồ Đức Hùng (thôn Vĩnh Đông, xã Cam An Nam) đã nuôi 3 lứa heo theo phương pháp này nhờ học hỏi ở các tỉnh khác. Lứa đầu tiên, ông nuôi với mật độ hơi dày (60 con trong 4 ô chuồng, 25m2/ô) nên trừ chi phí ông lãi 40 triệu đồng. Lứa thứ hai ông nuôi giảm xuống 40 con, thu lãi 32 triệu đồng, tăng 100.000 đồng/con so với lứa trước. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến lứa thứ ba, ông bố trí 2 ô chuồng nuôi heo có làm hầm biogas, 2 ô còn lại nuôi heo trên đệm lót sinh thái và cho kết quả tốt hơn.
Kỹ sư Nguyễn Quốc Huy giới thiệu cách nuôi heo trên đệm lót sinh thái cho nông dân xã Cam An Nam.
Điều mà cả 3 hộ nông dân tham gia đề tài đều nhận thấy là người nuôi heo trên đệm lót sinh thái không phải dọn rửa chuồng 1 - 2 lần/ngày, heo tăng trọng nhanh, ít bệnh. Tính đến nay, heo của các hộ nuôi trong đề tài đều tăng trọng nhanh hơn cách nuôi thông thường 5 - 7kg. Mức tiêu tốn thức ăn trung bình cho 1kg tăng trọng cũng rất tốt: 1,81kg.
Không ô nhiễm môi trường
Theo kỹ sư Nguyễn Quốc Huy (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm) - chủ nhiệm đề tài, cách nuôi này có ưu điểm lớn nhất là không gây ô nhiễm môi trường. Nuôi heo trên đệm lót sinh thái dựa trên công nghệ lên men vi sinh độn lót nền chuồng. Theo đó, toàn bộ chất thải của heo được vi sinh vật phân giải và chuyển thành nguồn thức ăn protein sinh học cho chính vật nuôi. Nuôi theo cách này không cần nước rửa chuồng và tắm cho heo nên không có nước thải. Chuồng nuôi không có mùi hôi thối vì vi sinh vật hữu ích trong đệm lót đã tiêu diệt vi sinh vật thối rữa gây lên men, sinh mùi khó chịu; qua đó góp phần triệt tiêu môi trường sinh sôi ruồi, muỗi. Nhờ đảm bảo vệ sinh môi trường và heo phải vận động nhiều trên đệm nên ít bệnh, tiêu hóa, hấp thụ tốt hơn. Cách nuôi này rất phù hợp cho chăn nuôi nhỏ trong khu dân cư.
Công nghệ này tiết kiệm 80% nước dùng (nước chỉ để heo uống và phun giữ ẩm), 60% sức lao động, 10% thức ăn do heo ăn được vi sinh vật sinh ra trên đệm lót cung cấp lượng protein chất lượng cao, giảm thiểu chi phí về thuốc thú y do heo ít bệnh..., khả năng kháng bệnh cũng tăng. Chi phí làm đệm lót sinh thái cũng thấp hơn nhiều so với làm sàn xi măng.Hiện nay, cách nuôi heo này đang thu hút sự quan tâm của nhiều hộ. Sau khi tham quan chuồng heo nhà ông Hùng, ông Nguyễn Văn Chương (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) cũng quyết định thả nuôi 10 con heo. Qua hơn 1 tuần nuôi, ông Chương nhận thấy nuôi heo trên đệm lót sinh thái khỏe hơn nhiều. Ông dự định sau lứa nuôi này sẽ tăng thêm chuồng nuôi heo.
Theo ông Nguyễn Ta, Phó phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, với khả năng xử lý tốt mùi hôi từ chất thải, đệm lót sinh thái mở ra hướng mới cho nghề nuôi heo vì mô hình này có thể áp dụng tại các khu đông dân cư mà không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Tuy nhiên, mô hình khó áp dụng cho chăn nuôi công nghiệp vì không thể nuôi với mật độ cao. Chuồng nuôi phải thoáng mát, chiều cao mái tối thiểu phải đạt 2,5m, mật độ nuôi thích hợp 12 - 14 heo thịt/20m2. Nguyên liệu làm đệm lót sinh thái cần khoảng 50 - 70% mùn cưa nên nếu nhiều hộ cùng nuôi nhiều chuồng, đôi khi khó kiếm đủ chất xơ. Do đó, Phòng khuyến cáo người dân không nên áp dụng ồ ạt trên diện rộng.
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, sau 3 năm áp dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi (2011 - 2013), cả nước hiện có 40 tỉnh, thành phố thực hiện, trong đó có 28 trang trại và 3.658 hộ sử dụng đệm lót trong chăn nuôi heo.
Tại Cam Lâm, tính đến tháng 8, tổng đàn heo toàn huyện là hơn 83.000 con với khoảng 1.500 hộ nuôi, trong đó chăn nuôi hộ gia đình chiếm 70 - 80%; nhưng vẫn có 60% số hộ thải trực tiếp chất thải chăn nuôi ra môi trường.
TIỂU MAI
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83
Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.