Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 11/06/2014
Ngày cập nhật:
12/6/2014
Nuôi tôm trong vùng quy hoạch cũng còn lo!
Ông Nguyễn Văn Thẻ bên các ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Trần Quốc
Rời khu vực nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, bước sang tuyến đê nằm ven sông Hàm Luông (Bến Tre) là vùng quy hoạch nuôi tôm. Hầu hết, các hộ nuôi đầu tư vùng nuôi khá bài bản.
Hệ thống lưới điện phục vụ cho vùng nuôi cũng được kéo hoàn chỉnh đến tận ao nuôi. Những hộ đất ít, không có điều kiện nuôi đã cho hộ có điều kiện thuê đất để có diện tích đảm bảo có ao nuôi và ao lắng. Tuy vậy, phần lớn hộ nuôi đều tỏ vẻ “mệt mỏi” với con tôm sú lẫn tôm thẻ chân trắng. Ông Cao Văn Hai - một ngư dân đã có nhiều kinh nghiệm và lâu năm trong nghề nuôi tôm biển chia sẻ, từ ngày tham gia nuôi tôm đến nay, ông không dám rời vuông tôm. Bởi lúc nào cũng túc trực để theo dõi tôm nuôi và kịp thời xử lý ao nuôi để duy trì sự sống cho con tôm. Nhưng có vụ phải xót xa nhìn tôm nuôi bị thiệt hại. Không ít lần tôm thả nuôi hơn 20 ngày, thiệt hại trắng ao, phải chịu lỗ nặng. Ông Hai nhớ lại, cách đây 3 năm, thấy mọi người nuôi tôm thẻ chân trắng trúng đậm nên bàn bạc cùng người anh có đất nằm trong vùng quy hoạch đầu tư nuôi tôm. Sự chuyển đổi này hoàn toàn hợp lý, bởi phần đất nằm ven sông Hàm Luông, mỗi năm chịu ảnh hưởng 6 tháng nước mặn. Đến mùa mưa, gieo sạ lúa năng suất không cao. 8 công đất ruộng đào ao nuôi, với diện tích mặt nước 5 công. Mỗi năm nuôi từ 2-3 vụ. Vụ nuôi này còn khoảng 15 ngày nữa là thu hoạch, tôm nuôi phát triển tốt. Nhưng nếu tôm nằm ở mức giá 90.000 đồng/kg (loại kích cỡ 100 con/kg) thì lỗ vốn, bởi thức ăn của tôm từ 30.000 đồng/kg đã tăng lên 35.000 đồng/kg, các loại thuốc trị bệnh cho tôm, hóa chất xử lý ao nuôi đều tăng giá. Trong khi đó, giá tôm thẻ chân trắng từ 140.000-150.000 đồng/kg đã tuột xuống còn 90.000 đồng/kg.
Đất cồn thổn thức với con tôm thẻ chân trắng
Cồn Lá và cồn Linh (thuộc ấp 5 và ấp 6, xã Thạnh Phú Đông, Giồng Trôm) được bao bọc bởi sông Hàm Luông.
Theo ông Nguyễn Văn Thẻ - Trưởng ấp 5, ấp có 311 hộ, trong đó có 200 hộ đã đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng. Ấp 5 khởi xướng nuôi tôm trước rồi đến ấp 6. Năm 2012, hộ ông Huỳnh Văn Dòn cùng một hộ dân hùn vốn đầu tư nuôi, với diện tích hơn 1.000m2. Tôm thả nuôi vụ thứ nhất, vụ thứ hai rồi đến vụ thứ ba thu hoạch đều lãi cao. Đáng lưu ý là năm 2013, tôm sú thu hoạch bán với giá rất cao. Thấy vậy, hàng loạt hộ dân đã chuyển một phần diện tích đất trồng dừa, cải tạo thành ao nuôi tôm. Lướt qua danh sách hộ dân nuôi tôm trên địa bàn ấp 5, hộ nuôi nhiều nhất là 9.000m2 và thấp nhất là 500m2.
Con tôm thẻ chân trắng đến với hộ dân ở cồn Linh và cồn Lá không lâu nhưng đã lắm trăn trở. Nhiều hộ dân cho rằng, ngay thời điểm này không ai dám nghĩ đến việc đào ao để tiếp tục mở rộng diện tích nuôi. Trên 80% hộ dân nuôi tôm đều vay vốn ngân hàng để đầu tư vụ nuôi. Hai vụ thu hoạch gần đây, chỉ có từ 30 - 35% hộ nuôi có lãi, số còn lại hòa vốn hoặc lỗ nặng. Tiền đã vay ngân hàng không thể vay tiếp nữa, chỉ biết huy động từ người thân, nếu tiếp tục thất bại phải phơi ao. Hiện nhiều hộ dân có ý định lấp ao để trồng cây ăn trái. Một cái khó nữa, tiền đâu để bơm cát lấp ao. Ngay thời điểm nhà nhà, người người ở cồn đào ao nuôi tôm, giá đất từ 60 - 70 triệu đồng/công đã tăng lên 100 triệu đồng/công. Hiện tại giá đất đã hạ xuống như ban đầu. Trong khi đó, nếu thuê bơm cát lấp 1.000m2 diện tích mặt nước phải tốn chi phí 100 triệu đồng, cao hơn mua 1.000m2 đất vườn đã trồng dừa cho trái thu hoạch.
Theo ông Nguyễn Văn Chờ - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm), hiện toàn xã có 40ha diện tích mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng, với tổng số 370 hộ. Trong đó nhiều nhất là ở ấp 5 và ấp 6, tức cồn Linh và cồn Lá. Phong trào nuôi tôm bắt đầu từ năm 2011, một hộ dân ở đất liền, có đất nằm ven sông Hàm Luông đã đào ao nuôi. Nhiều vụ nuôi liên tiếp đều trúng sản lượng lẫn trúng giá. Từ đó, việc đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng đã trở thành phong trào, cao điểm là năm 2013. Vụ thu hoạch mới đây, số hộ nuôi có lợi nhuận không nhiều, phần lớn hòa vốn hoặc lỗ. Nguyên nhân do tôm nuôi bị chết, cộng với giá bán tôm giảm mạnh. Hiện hộ dân không dám đào ao nuôi tôm nữa nên diện tích không tăng. Nhiều hộ đang rơi vào nguy cơ thiếu vốn đầu tư cho vụ nuôi. Các hộ nuôi đã khoan khoảng 300 cái giếng để lấy nước mặn hòa vào ao nuôi. Nước mặn lấy từ sông Hàm Luông không đảm bảo cho vụ nuôi, vì độ mặn thấp. Trong khi đó, chủ trương chung là vào ngày 30-12-2014, tất cả các giếng đã khoan đều phải lấp lại, chắc chắn những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Trần Quốc
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151
Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Các tin năm 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.