Nguồn tin: Tiền Giang, 02/08/2014
Ngày cập nhật:
6/8/2014
Hiện nay, vùng nuôi nghêu ven biển Gò Công đã qua khỏi khoảng thời gian nghêu thường chết hàng loạt vào tháng 2-3 hàng năm và nghêu nuôi phát triển tốt. Đây được coi là yếu tố thuận lợi giúp nghề nuôi nghêu phục hồi sau nhiều năm liên tục người nuôi nghêu bị thiệt hại nặng. Tuy nhiên, xét về tổng quan thì nghề nuôi nghêu ven biển ngày càng đối diện với nhiều khó khăn.
Lợi nhuận nuôi nghêu giảm
Nghề nuôi nghêu ven biển Gò Công đã hình thành từ rất lâu đời, nhưng đến năm 2000-2001 thì mới bắt đầu phát triển ổn định. Thời điểm này, diện tích nuôi nghêu toàn tỉnh Tiền Giang khoảng 1.800 hecta, sản lượng hơn 16.000 tấn, nhưng giá nghêu chỉ ở mức 1.800-2.000 đồng/kg. Đến năm 2005, diện tích nuôi nghêu của tỉnh tăng lên 2.150 hecta theo sự phát triển của vùng nuôi nghêu các tỉnh khác trong khu vực, nên nguồn nghêu giống thả nuôi khan hiếm, sản lượng nghêu của tỉnh giảm gần 50%. Bên cạnh đó, xuất khẩu nghêu được mở rộng sang nhiều thị trường, giá nghêu tăng lên 9.000 - 10.000 đồng/kg (cao gấp 5 lần so với năm 2001) nên người nuôi nghêu thời điểm này có lãi khá.
Từ năm 2006-2012, giá nghêu giống ngày càng cao, chi phí đầu tư nuôi nghêu tăng, lợi nhuận nuôi nghêu tính trên vốn đầu tư theo đó dần giảm lại. Đáng lo ngại hơn, trong năm 2013 giá nghêu thịt chỉ nằm ở mức 18.000 - 22.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức 30.000 - 36.000 đồng của năm 2012, nên người nuôi nghêu lãi thấp. Dù vậy, khi đề cập đến vấn đề hiệu quả trong nuôi nghêu, ông Trần Văn Vinh, nông dân nuôi nghêu ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông cho biết, nếu nghêu nuôi phát triển tốt và không có tình trạng chết hàng loạt như những năm qua, đây vẫn là đối tượng thủy sản nuôi có hiệu quả kinh tế cao.
Theo cách chiết tính của ông Nguyễn Văn Nhịn, nông dân nuôi nghêu ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, hiện nay vốn đầu tư cho nuôi 01 hecta nghêu chỉ gần 120 triệu đồng (tùy mật độ thả giống) do giá nghêu giống giảm mạnh trong 2 năm qua. Năng suất bình quân nghêu nuôi khu vực này khoảng 15 tấn/ha, với giá nghêu bình quân khoảng 20.000 đồng/kg thì doanh thu từ 01 hecta sân nghêu là 300 triệu đồng. Như vậy, sau khi trừ chi phí người nuôi nghêu vẫn còn lãi khoảng 180 triệu đồng/ha.
Dịch bệnh gia tăng
Trong 5 năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh trên nghêu ngày càng diễn biến phức tạp, nghêu chết ngày càng nhiều, thậm chí có hộ nuôi nghêu bị thiệt hại gần như hoàn toàn khiến họ rơi vào cảnh "trắng tay", còn sản lượng nghêu của tỉnh giảm mạnh.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, từ năm 2010 đến nay đã có 4 năm nghêu nuôi trên địa bàn tỉnh chết hàng loạt trên diện rộng gây thiệt hại nặng cho người nuôi nghêu. Năm 2010, nghêu chết trên diện tích là 918 hecta, sản lượng thiệt hại khoảng 12.581 tấn, giá trị thiệt hại gần 250 tỷ đồng. Năm 2011, nghêu chết trên diện tích hơn 1.195 hecta, sản lượng thiệt hại khoảng 10.578,4 tấn, giá trị thiệt hại gần 210 tỷ đồng. Gần đây nhất, trong tháng 2-3/2013, tỉnh có 1.600 ha nghêu bị thiệt hại, chiếm hơn 97% diện tích nuôi, sản lượng thiệt hại ước trên 14.000 tấn, giá trị thiệt hại hơn 280 tỷ đồng.
Theo nhận định của Cơ quan Thú y Vùng 6 và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, nguyên nhân gây chết nghêu trong năm 2013 có thể là do độ mặn về sớm và luôn ở ngưỡng khá cao, một số chỉ tiêu môi trường như nhiệt độ, sắt tổng số và tổng số chất rắn lơ lửng cao hơn giới hạn cho phép có khả năng gây sốc làm ảnh hưởng đến hô hấp và dinh dưỡng của nghêu nuôi. Đồng thời, cũng không loại trừ khả năng độc tố có trong môi trường đã làm giảm sức đề kháng của nghêu, tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công.
Như vậy, sau nhiều năm nghêu chết hàng loạt, nguyên nhân gây chết nghêu đến thời điểm này cũng chỉ dừng lại ở mức nhận định ban đầu. Ông Võ Văn Mánh, nông dân có 25 hecta nuôi nghêu ở ấp Cây Bàng, xã Tân Thành cho biết, không phải nghêu mới bắt chết trên diện rộng những năm gần đây mà lần đầu tiên nghêu chết cách đây đã hơn 10 năm. Mỗi lần nghêu chết như vậy đều có cơ quan chức năng, các nhà khoa học tới tìm hiểu nhưng chưa nghe có kết luận chính thức. Nguyên nhân nghêu chết do đâu, cách phòng ngừa và điều trị như thế nào thì đến nay vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Mặt khác, hoạt động nuôi nghêu của bà con ven biển ở tỉnh Tiền Giang và các bãi nghêu khác trong cả nước chủ yếu dựa vào sự đúc kết kinh nghiệm, tài liệu kỹ thuật đối với loài thủy sản này rất hạn chế. Một cán bộ ngành Nông nghiệp tỉnh cho hay, hiện nay các đề tài nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của con nghêu như môi trường nuôi, tăng trưởng, mầm bệnh, cách phòng trị bệnh ở nước ta còn rất khiêm tốn. Do đó, đến khi có dịch bệnh phát sinh, thiệt hại xảy ra là rất lớn.
Nuôi nghêu là một trong những lợi thế quan trọng của tỉnh với diện tích nuôi nghêu đạt 2.300 ha (tập trung chủ yếu ở khu vực biển Tân Thành) và chỉ đứng sau Bến Tre về diện tích nuôi nghêu ở ĐBSCL. Hàng năm, vùng nuôi nghêu của tỉnh cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là thị trường xuất khẩu lên đến 17.000 tấn nghêu, góp phần đem lại ngoại tệ cho đất nước. Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Gò Đàng, hiện nay nghêu rất được ưa chuộng tại các thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á với giá xuất khẩu nghêu thịt dao động từ 3,5-4 USD/kg, nghêu nguyên con khoảng 1,8-2 USD/kg...
Do đó, để nghề nuôi nghêu phát huy hết tiềm năng và phát triển bền vững, thiết nghĩ cần phải thay đổi tư duy, có kế hoạch bài bản để đầu tư tái tạo lại cho con nghêu từ quy hoạch vùng nuôi, bảo vệ nguồn nghêu giống tự nhiên, tăng cường sản xuất nghêu giống, nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc, có sự liên kết liên kết chặt chẽ từ khâu nuôi, sơ chế cho đến chế biến xuất khẩu. Trước mắt phải tập trung nghiên cứu, sớm tìm ra tác nhân chính gây chết nghêu hàng loạt trong những năm qua để có biện pháp phòng trị, giúp người nuôi nghêu yên tâm sản xuất.
Thành Công
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151
Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Các tin năm 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.