• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xử lý tôm bơm tạp chất: Vì sao chưa đạt hiệu quả?

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 13/08/2014
Ngày cập nhật: 14/8/2014

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 11/TC-TTg về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Trong đó, Bạc Liêu là 1 trong 4 điểm nóng của cả nước về vấn nạn này.

Chỉ là khẩu hiệu

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, tôm tạp chất thật sự trở thành gánh nặng, tiềm ẩn nhiều rủi ro và khiến họ phải tốn thêm những khoản chi phí phát sinh không đáng có để xử lý cho tôm sạch. Để tránh rủi ro và giữ uy tín, chất lượng cho con tôm Việt Nam, những năm qua, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo cấp khu vực và đề ra khẩu hiệu: “Doanh nghiệp nói không với tôm tạp chất”. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp ngành Chế biến thủy sản xuất khẩu ký cam kết không thu mua, chế biến tôm tạp chất. Thế nhưng, những việc làm đó cũng chỉ dừng lại ở khẩu hiệu và doanh nghiệp lại thay nhau tranh mua tôm tạp chất.

*Các cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ tôm bơm tạp chất.

*Tôm chích rau câu bị các cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ. Ảnh: M.Đ

Ông H.T.B - chủ một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của tỉnh cho biết: “Do khan hiếm nguồn tôm nên doanh nghiệp phải chấp nhận thu mua tôm có chứa tạp chất để chế biến. Bởi, nếu doanh nghiệp mình không mua thì cũng có doanh nghiệp khác mua. Xử lý nạn tôm bơm chích tạp chất chỉ thành công khi tất cả doanh nghiệp đều phải nghiêm túc thực hiện việc không thu mua tôm có chứa tạp chất”.

Ai bơm tạp chất?

Mục đích của hành vi gian lận thương mại (tôm có chứa tạp chất) nhằm tăng thêm trọng lượng cho tôm khoảng 10 - 15%, làm cho tôm có độ bóng, căng đều và trông rất tươi. Các chất được bơm vào tôm chủ yếu là tinh bột, nhưng chiếm phần lớn vẫn là agar (rau câu).

Vậy ai là người tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu? Câu hỏi đơn giản này hầu như ai cũng trả lời được. Đó là các doanh nghiệp, cơ sở chuyên thu mua tôm nguyên liệu để cung cấp cho các nhà máy. Đối tượng đã được xác định cụ thể, vậy cớ gì đến nay vẫn còn tồn tại tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu?

Phải thừa nhận rằng, tồn tại bất cập này, ngoài việc thiếu ý thức, trách nhiệm của các hộ kinh doanh, còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương. Vì cơ sở thu mua, sơ chế đặt tại địa phương và sử dụng nguồn lao động tại chỗ, thì tại sao địa phương không biết?

Chính sự quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm từ các địa phương mà công tác xử lý nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu thời gian qua chưa mang lại hiệu quả. Những vụ phát hiện, xử lý được chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” và chủ yếu nhờ vào nguồn tin riêng của lực lượng công an.

Cần đẩy mạnh liên kết

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh đã tổ chức 3 lượt tuần tra kiểm soát và phát hiện 2 trường hợp vi phạm tôm sú có chứa tạp chất với số lượng gần 1 tấn. Ông Lâm Hồng Khánh, Chi cục trưởng đơn vị này cho rằng: “Để thực hiện có hiệu quả công tác phát hiện, xử lý nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và kiện toàn bộ máy ban chỉ đạo. Bởi, công tác kiểm tra trong thời gian qua chưa được thường xuyên. Bên cạnh đó, tất cả doanh nghiệp phải thật sự “nói không với tôm tạp chất”, chứ nếu chỉ thực hiện tập trung ở bốn tỉnh (như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang) thì vẫn không mang lại hiệu quả. Đồng thời, phải làm tốt công tác liên kết và phối hợp. Như việc phát hiện và yêu cầu dừng xe chở tôm phải có sự tham gia của cảnh sát giao thông; hoặc các địa phương khi nghi ngờ, phát hiện cơ sở vi phạm là thông báo ngay cho ngành quản lý để có biện pháp xử lý”…

Tuy nhiên, sự kiên quyết của chức năng đối với nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn chưa đủ, mà các doanh nghiệp, nông dân cũng phải vào cuộc. Đó là việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân theo hợp đồng bao tiêu nhằm chủ động nguồn nguyên liệu sạch phục vụ chế biến. Bởi, nếu không có liên kết sản xuất, khi doanh nghiệp không mua tôm có chứa tạp chất thì các cơ sở thu mua cũng bán cho các thương lái Trung Quốc. Và khi đó, doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu lại rơi vào cảnh khủng hoảng nguồn nguyên liệu.

Trích Chỉ thị số 11/TC-TTg: Xử lý nghiêm cán bộ, công chức tiếp tay, bao che việc đưa tạp chất vào tôm

Để ngăn chặn tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành và các bộ, ngành Trung ương tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Bố trí nguồn ngân sách địa phương hàng năm cho hoạt động thanh tra, kiểm tra về kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào thủy sản và xuất khẩu, kinh doanh thủy sản có chứa tạp chất của các cơ quan chức năng địa phương.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan và làm rõ, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức tiếp tay, bao che các cơ sở doanh nghiệp, cá nhân có hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất.

Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ: Công an, Công thương, Tài chính, khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Quy định trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan chức năng thuộc 3 ngành: NN&PTNT, Công an, Công thương từ cấp Trung ương đến địa phương; Hội, Hiệp hội ngành nghề thủy sản có liên quan và bố trí kinh phí triển khai thực hiện.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao và các Bộ NN&PTNT, Công thương nghiên cứu hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất để các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung tội danh mới trong Bộ luật Hình sự.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng, khai thác, thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, kinh doanh thủy sản tự nguyện cam kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu; không sản xuất, kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất; thông báo công khai danh sách các cơ sở, doanh nghiệp cam kết.

Chủ động cung cấp thông tin, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tạp chất…

KIẾT TƯỜNG

Các tin mới

[31/12/2014]

[31/12/2014]

[31/12/2014]

[31/12/2014]

[31/12/2014]

[30/12/2014]

[30/12/2014]

[30/12/2014]

[30/12/2014]

[30/12/2014]

[30/12/2014]

[30/12/2014]

[29/12/2014]

[29/12/2014]

[29/12/2014]

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

Các tin năm 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang