Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 04/09/2014
Ngày cập nhật:
5/9/2014
Nuôi thủy sản là một trong những lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa ở các xã ngoại thành. Tuy nhiên, vào mùa mưa, mực nước dâng cao, gây nguy cơ tràn bờ, thất thoát tôm, cá. Vì vậy, người sản xuất cần chủ động các biện pháp đối phó để nguồn lợi này phát triển bền vững, hiệu quả.
Hộ ông Ngô Văn Tuất, phường Đa Mai bình quân mỗi năm thu hoạch hơn 15 tấn cá trị giá hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Việt Hưng.
Thiệt hại sau mưa bão
Xã Song Mai có 156 ha nuôi thủy sản, tập trung chủ yếu ở các thôn Phúc Hạ, Phương Đậu, Bùi, Hà, Muỗng với hơn 300 hộ tham gia. Sản lượng cá ước đạt 1.200 tấn/năm, trị giá khoảng 24 tỷ đồng, đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình. Mặc dù vậy, do ở vùng trũng nên sau những trận mưa dồn dập, diện tích nuôi thủy sản của xã bị ảnh hưởng nặng nề.
Năm 2013, sau cơn bão số 5 và số 6, 90 ha ao, hồ nuôi thủy sản bị tràn bờ. Xã có 17 thôn thì 7 thôn nằm trong vùng “rốn” nước bị mất trắng tôm, cá. Gia đình bà Nguyễn Thị Được, thôn Bùi có 4,3 ha thả cá ở cánh đồng Trạng, mùa mưa năm trước, nước ngập trắng đồng, 100% diện tích ao, hồ của bà chìm trong dòng nước chừng nửa tháng, ước thất thoát khoảng 6 tấn cá, thiệt hại hơn 120 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, khi nước rút, những chân ruộng vừa nuôi cá vừa cấy, bị nhiễm dịch bệnh. Số cá còn sót lại sau lũ chết nổi trắng ao. Bà Được phải mua 100 lít chế phẩm EM về xử lý môi trường để vụ sau mới thả được cá. Vậy là cả năm lao động, gia đình bà gần như trắng tay vì mưa lũ. Không riêng gia đình bà Được, mùa mưa năm trước, hơn 100 hộ ở Song Mai cũng bị thiệt hại nặng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Thân Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Toàn bộ vùng nuôi cá chưa cứng hóa mương tiêu úng, lòng mương lại bị bùn đất lắng đọng, vì vậy thoát nước chậm. Ở những cánh đồng trũng vừa cấy lúa, vừa thả cá, bờ vùng, bờ thửa thấp, dễ bị vỡ khi có mưa lớn. Nhiều hộ dân chưa có điều kiện đầu tư xây dựng bờ đập kiên cố. Cách chống bão lũ chỉ dừng lại ở giải pháp tình thế như đắp bờ, vây lưới khi khẩn cấp. Trong trường hợp mực nước sông Thương lên nhanh, mưa lớn kéo dài thì người dân không kịp ứng phó”.
Xã Dĩnh Trì cũng là một trong những vùng nuôi thủy sản tập trung của TP. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, những ngày này, người dân dồn sức bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Kinh nghiệm của các hộ chuyên canh cá cho thấy nếu mưa to sẽ gây ngập úng cục bộ gần 50% diện tích ao, hồ, có thể gây thiệt hại hàng chục tấn cá.
Ông Dương Văn Liền, thôn Rừng Trong chia sẻ: “Gia đình tôi làm nghề gột cá giống. Tuy có sửa sang bờ ao, vây chắn lưới nhưng gặp mưa lớn, nước vẫn tràn ao, cá con trôi mất nhiều vì đây là vùng dộc trũng nên thường ngập sâu. Năm ngoái, tôi mất 6 tạ cá chép giống”. Hiện nay, xã có 97 ha nuôi thủy sản của hơn 100 hộ, chủ yếu ở các thôn: Cầu, Thuyền, Thành Trung, Rừng Trong… Mùa mưa năm ngoái, 46 ha ao, hồ thả cá bị tràn bờ, nhiều hộ mất trắng như gia đình ông Giáp Văn Đoàn (thôn Thành Trung), Vũ Văn Ninh (thôn Cầu), Nguyễn Văn Chung (thôn Thuyền)…
Được biết năm 2013, TP có 240 ha ao, hồ bị ngập, thất thoát hơn 300 tấn cá. Nhiều vùng do thoát nước kém, một số hộ dân đã bỏ ao, không nuôi thả như ở thôn Trước (xã Tân Tiến), thôn Núm (xã Dĩnh Trì)…
Chủ động đối phó
Hiện nay, TP có gần 600 ha nuôi thủy sản ở các xã Song Mai, Dĩnh Trì, Tân Tiến, phường Đa Mai với tổng sản lượng ước hơn 2.800 tấn/năm. Với tiềm năng này, nguồn lợi thủy sản là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế, cho thu nhập khá ở các xã ngoại thành. Xác định như vậy, TP tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự bảo vệ nguồn thủy sản cho từng hộ dân, xây dựng phương án khẩn cấp đối phó mưa lũ.
Thời gian qua, TP đầu tư gần một tỷ đồng cải tạo hệ thống kênh tiêu Văn Sơn, đoạn chảy từ thôn Cốc đến thôn Riễu (xã Dĩnh Trì) đổ về xã Tân Tiến; tập kết dự phòng hàng nghìn mét khối đất kịp thời ứng cứu bờ vùng, bờ thửa bị lún, sụt.
Trạm bơm Cống Sông chủ động bơm tiêu ra sông Thương, giữ mực nước đệm thấp cho xã Song Mai, phường Đa Mai. UBND xã Song Mai hỗ trợ 40 triệu đồng khơi thông hệ thống thoát nước từ đồng Sòi, đồng Khánh đến Núi Cao, Cống Rụt; cải tạo trạm bơm Trường Xuân chủ động tiêu úng cho 7 thôn Phương Đậu, Vĩnh An, Hà, Muỗng, Nhân Lễ, Đồng, Bùi; vận động các gia đình mua máy bơm tự tiêu nước cho các hồ, đầm nhỏ.
Vùng nuôi thủy sản kết hợp cấy lúa ở xã Đa Mai vây lưới, gắn tôn quanh bờ không để cá vượt lũ. Chủ động hơn, nhiều hộ dân có kinh nghiệm thu hoạch vét thủy sản từ tháng 5 đến tháng 6 trước khi bắt đầu mùa mưa bão.
Ông Triệu Sơn Giang, Phó trưởng phòng Kinh tế TP cho rằng: “Để ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại do thiên tai ở các vùng chuyên canh thủy sản, mùa này và những năm tiếp theo, các xã, phường cần khẩn trương rà soát vùng nguy cơ ngập úng, khơi thông hệ thống thoát nước, sửa chữa, vận hành trạm bơm để chủ động giữ mực nước an toàn. Đồng thời hướng dẫn các hộ sản xuất kiểm tra, tu bổ, gia cố bờ đầm, đặt cống xả tràn, vây lưới chắn. Các hộ theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động ứng phó”.
Bên cạnh đó, sau mưa bão, cần quan tâm vệ sinh, kiểm tra môi trường nước, có biện pháp khử trùng ao, hồ thích hợp để tiếp tục nuôi trồng hiệu quả. Cùng đó, Trạm Khuyến nông TP cử cán bộ theo dõi phòng, chống dịch bệnh cho tôm, cá sau mỗi trận mưa lớn, tránh lây lan, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển thủy sản.
Minh Thu
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151
Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Các tin năm 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.