Nguồn tin: Báo Phú Thọ, 11/09/2014
Ngày cập nhật:
24/9/2014
Những năm gần đây ở Phú Thọ, người nông dân đã biết tận dụng mặt nước trên sông để phát triển nghề nuôi cá lồng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, để hướng đến mục tiêu phát triển nuôi cá lồng theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc tháo gỡ những khó khăn và mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi cá lồng trên sông cũng là điều các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh cần quan tâm thực hiện.
Mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Nguyễn Đạo Luật Chí, khu 4, xã Bảo Yên
Theo giới thiệu của cán bộ phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Thanh Thủy, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Nguyễn Đạo Luật Chí, khu 4, xã Bảo Yên, anh cho biết: Sau khi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật về cách nuôi và chăm sóc cá lồng trên sông, gia đình anh đầu tư đóng 15 lồng bè với 1.500 m3, thả cá trắm đen, cá điêu hồng, cá lăng chấm. Trong đó, anh thả 5 lồng cá điêu hồng, mỗi năm cho thu hoạch 2 lần với thu nhập 1 tỷ đồng/năm trừ chi phí. Còn cá lăng chấm hơn 1 năm mới cho thu hoạch nhưng lợi nhuận cũng khá cao (bình quân 150.000 đồng/kg mà mỗi 1 lồng đến kỳ thu hoạch khoảng 4 tấn cá). Còn anh Nguyễn Hoài Văn, khu 8, xã Xuân Lộc, một trong những hộ nuôi cá lồng đầu tiên cho biết: Gia đình anh có 20 lồng nuôi cá bằng tre và sắt. Đối với lồng sắt, gia đình anh đầu tư khoảng gần 20 triệu đồng/lồng, còn lồng tre khoảng gần 10 triệu đồng/lồng. Nhờ thả nuôi nhiều loại cá khác nhau như cá trắm, cá rô phi, cá điêu hồng, cá lăng nên gia đình anh có thu nhập ổn định với mức lãi khoảng gần 130 triệu đồng cho một vụ cá khoảng 5 – 6 tháng.
Nuôi cá lồng trên sông không phải là mới đối với các hộ dân giáp sông Đà như gia đình anh Chí, anh Văn nhưng chủ yếu các hộ nuôi theo hình thức tự phát, ít kinh nghiệm, chưa đầu tư nhiều nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2013 trở lại đây có sự vào cuộc của các cấp chính quyền tổ chức cho cán bộ đi học tập kinh ngiệm để về hướng dẫn bà con nông dân từ khâu làm lồng nuôi đến công tác chăm sóc quản lý cá trong từng giai đoạn sinh trưởng như: Kiểm tra thức ăn và lượng cá ăn hằng ngày để điều chỉnh cho phù hợp, theo dõi hoạt động của cá; kiểm tra lồng thường xuyên tránh việc rò rỉ thất thoát, vệ sinh lồng định kì tạo thông thoáng nước trong lồng để tăng hàm lượng ôxy trong nước và chống kí sinh trùng cho cá; theo dõi tốc độ lớn để tách đàn phù hợp, tạo điều kiện để cá phát triển đều; bổ sung khoáng chất, thuốc phòng ngừa dịch bệnh cho cá khi cần thiết… Nhờ vậy số lồng nuôi cá trên sông đã tăng lên nhanh chóng, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.
Xã Quang Húc (huyện Tam Nông) là xã có dòng sông Bứa chảy qua, để tận dụng tiềm năng này, người dân trong xã được định hướng từ phía Chi cục Thủy sản và Trung tâm Khuyến nông tỉnh đưa mô hình nuôi cá lồng vào làm phát triển kinh tế trọng điểm. Tính đến năm 2014, quy mô nuôi cá lồng của xã đã đạt trên 150 lồng mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho hàng trăm hộ dân của xã.
Anh Vũ Văn Hợp, khu 5, xã Quang Húc cho biết: Sau khi đi tham quan học hỏi cách nuôi cá lồng ở tỉnh Hải Dương, gia đình đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để đóng 5 lồng cá. Vụ đầu tiên gia đình thả 1,2 vạn con cá lăng và 1,7 vạn cá rô phi đơn tính, với thức ăn cho cá là cám công nghiệp. So với cách nuôi truyền thống thì nuôi theo phương pháp công nghiệp hiệu quả cao hơn nhiều lần, trung bình mỗi năm thu được 200 triệu đồng/lồng. Đầu năm 2014, anh phát triển lên 20 lồng cá và hiện đang làm thêm 20 lồng cá nữa, nâng tổng số lên 40 lồng, dự kiến cho thu hoạch lãi gấp 3,4 lần lúc nuôi 5 lồng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Quang Húc cho biết: Nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh đã góp phần không nhỏ trong việc tận dụng điều kiện tự nhiên, chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương, giúp người dân tăng thu nhập, tạo sự đa dạng ngành nghề ở nông thôn. Đặc biệt thu nhập từ cá lồng mang lại hiệu quả cao. Với thời gian từ 1 đến gần 2 năm nuôi, 1 lồng nuôi cá lăng chấm có thể cho thu 7 - 8 tấn, với giá bán từ 120.000 - 130.000 đồng/kg, sẽ đạt thu nhập trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí con giống, thức ăn vẫn cho thu về vài trăm triệu đồng. Cũng theo ông Đông, những hộ nuôi cá lồng khẳng định, lãi từ việc nuôi cá lồng là có, song khó khăn trong việc phát triển cá lồng cũng rất lớn và rất khó làm. Chỉ tính riêng chi phí đầu tư vào thức ăn công nghiệp đã chiếm một khoản không nhỏ. Hiện trên thị trường giá cám vào khoảng 400.000 đồng/bao. Bình quân mỗi lồng cá chi phí khoảng 200 đến 400 triệu đồng tiền thức ăn, chưa kể đến đầu tư làm lồng. Như vậy, nếu người nuôi không có nguồn vốn lớn thì nuôi cá lồng không dễ chút nào. Vì thế, những hộ nuôi cá lồng mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, giúp đỡ về vốn để mở rộng đầu tư cho nghề nuôi cá lồng này.
Phú Thọ là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nuôi thủy sản với 3 con sông lớn chảy qua là sông Thao, sông Đà, sông Lô và nhiều sông nhỏ, ngòi lớn như sông Bứa, Ngòi Lao, Ngòi Giành… có trên 600 hồ, đập với trên 20.000 ha diện tích mặt nước. Nhằm tận dụng nguồn tiềm năng mặt nước sẵn có, tỉnh Phú Thọ đã xác định và đưa sản xuất thủy sản là một chương trình nông nghiệp trọng điểm, đồng thời đã có những chính sách hỗ trợ mang tính đột phá để phát triển nuôi cá lồng, bè. Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp & PTNT, tính đến hết năm 2014, toàn tỉnh có khoảng gần 600 lồng cá, trong đó có 300 chiếc lồng lưới, gồm 60 chiếc trên sông Đà, 46 chiếc trên sông Lô, 166 chiếc trên sông Bứa… Tổng diện tích nuôi lồng lên đến 35.600m3, với sản lượng ước đạt 2.200 tấn (tăng 15 lần so với năm 2012).
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản: Sự phát triển quá nhanh của nghề nuôi cá lồng trên sông sẽ phát sinh nguy cơ ảnh hưởng đến việc phát triển thủy sản chung, đặc biệt là việc phòng chống dịch bệnh cho cá và vấn đề môi trường. Đa phần người nuôi mới chỉ đi học tập kinh nghiệm ở một số địa phương, chưa qua các lớp tập huấn, nên kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, xử lý chất thải... còn thiếu. Vì thế, phải tính đến phương án phát triển bền vững, tránh kiểu nuôi ồ ạt, khi thị trường không ổn định lại phá bỏ sẽ thiệt hại không nhỏ cho người sản xuất. Đồng thời, để phát triển cá lồng một cách bền vững thì cần phải có sự quy hoạch chi tiết đối với từng địa phương và phổ cập kỹ thuật chăn nuôi cho người dân, người nuôi cá. Cán bộ kỹ thuật thủy sản phải có kiến thức cơ bản trong quá trình chăm sóc cho cá lồng. Cần quy hoạch vùng nuôi, quản lý nguồn nước, tăng cường cán bộ kỹ thuật, nhất là kỹ sư thú y chuyên về thủy sản. Mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh thủy sản. Tạo điều kiện cho người có nhu cầu vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư mở rộng sản xuất, ổn định cho nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững.
Nguyễn Liên
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151
Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Các tin năm 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.