Nguồn tin: Báo Công Thương, 04/02/2014
Ngày cập nhật:
5/2/2014
Những con trai sau khi banh miệng bằng kẹp nhựa, được xếp vào hai cái khay để mang đặt lên hai chiếc bàn đã xếp đầy dụng cụ: một giá đỡ inox; bộ dụng cụ dao, panh nhỏ xíu. Những người thợ thoăn thoắt như làm xiếc để ép loài huyết dụ… nhả ngọc!
Hành trình đến đảo ngọc!
Bình minh trên biển rạng rỡ và lung linh hơn hết thảy những điểm nào trên đất liền đã tạo niềm hưng phấn cho một ngày ra đảo ngọc. Hai ông “phu ngọc” đưa tôi ra bến thuyền, lặng lẽ và điềm tĩnh. Mất gần nửa giờ mua hai phuy nước ngọt, chục xách than tổ ong và thực phẩm cho vài ngày trên biển. Thuyền nhổ neo. Chiếc đầu máy già nua cùng cục nhả khói, lượn một cách khó nhọc qua những nhà hàng nổi, cà-phê nổi, bia hơi… nổi của phần rìa danh thắng quốc tế Vịnh Hạ Long. Lấy kinh nghiệm của một người đồng bằng để đo khoảng cách hải lý ra thành… giờ, anh lái tàu tên Phong bình tĩnh bảo: Ra đảo ngọc mất chừng một tiếng.
Dấu ấn đầu tiên của “đảo ngọc” là những phao nhựa nổi lềnh bềnh trên mặt biển, được neo lại bằng những sợi dây chão to thả chìm dưới nước, trông xa như những trái dừa khô. Phong khéo léo điều khiển thuyền lượn qua những khu bè phao và một dãy bè tre, nứa ken dày. “Đảo ngọc” đón tôi bằng nụ cười rạng rỡ của anh thanh niên tên Quyến. Một thanh niên khác tên Lương mau mắn cầm dây neo của con thuyền ghì sát vào chiếc cột mốc đã đóng sẵn. Bè kế bên, hai con chó vẫy đuôi rối rít, và sủa loạn xị rất nhiệt tình như muốn bảo: “Công việc của tôi là… bảo vệ trai ngọc!”.
Công nghệ ép trai nhả ngọc
Trong khi tôi dò dẫm trên những đoạn tre kết bè thả nổi trên mặt biển, Quyến, Phong phăm phăm ra bè ngoài cùng, mỗi người vớt hai thùng nhựa đen từ dưới độ sâu 5- 6 mét. Ông Giang ra khu bè riêng biệt, nhấc lên, đặt xuống từng “giò” trai để kiểm tra. Dưới ánh nắng sớm, nước biển xanh lịm và trong vắt, những “giò” trai thả chìm tựa vô số những giò hoa phong lan trên vườn treo, rất đẹp và hoành tráng.
Nếu sơ đồ hóa để dễ hình dung, thì khu vực “luyện trai”, “dưỡng trai”, “cấy ngọc” được khép kín như một chu trình tuần hoàn; đấy là chưa kể công đoạn nhân giống và ươm trai con từ trứng nước để tạo trai nguyên liệu. Không đến mức đổ mồ hôi, sôi nước mắt nhưng công việc này bận rộn như người nuôi con mọn, đòi hỏi lòng kiên nhẫn cùng những thao tác “không được sai sót” liên quan đến kềm, kẹp, dao, kéo, panh… khi phải động chạm đến lục phủ ngũ tạng của lũ trai có khả năng “đẻ ra ngọc” này!
Trời hôm nay lặng gió. Phong và Quyến mồ hôi nhễ nhại, hai tay thoăn thoắt mở miệng trai và nhét vào đó những cái kẹp nhựa để chuẩn bị cho việc cấy nhân ngọc. Tất cả các công đoạn trong chu trình đều phải theo thứ tự. Trai nuôi làm nguyên liệu, sau 24 - 30 tháng được làm vệ sinh và “tuyển” những con to, khỏe, đủ trọng lượng, sau đó cho vào mỗi hộp nhựa đen chừng một trăm trai trưởng thành, có nắp đậy, xung quanh có những khe hở không đều. Những chiếc hộp này được đặt trong hai tháng với tần suất khá dày đặc gọi là “luyện trai” trước khi cấy nhân ngọc. Như thế, trai sẽ yếu đi, vỏ mềm ra, sức đề kháng giảm đến một chỉ số nhất định, trai sẽ khó đẩy những nhân ngọc cấy vào, cam chịu tiết ra cái chất dịch bao bọc lấy khối lạ trong cơ thể, vô tình tạo ra hạt trân châu quý giá mà loài người rất mực tôn sùng. Một lý do nữa, khoảng thời gian hai tháng “luyện trai” ấy còn để ép lũ trai phải đẻ hết trứng, trở thành những con trai “vô sinh” trước khi được cấy nhân và tế bào tạo ngọc!!!
Những con trai sau khi banh miệng, được xếp vào khay để đặt lên bàn đã xếp đầy dụng cụ: một giá đỡ inox; bộ dụng cụ dao, panh nhỏ xíu. Hệt như một ca phẫu thuật. Quyến thoăn thoắt lọc một xô nước biển qua thùng lọc bằng cát, rồi lấy hai cốc nước biển đã được “xử lý” đặt lên bàn. Anh bảo: “Lọc như thế để đảm bảo nước sạch. Tất cả dụng cụ đều phải… vô trùng vì nó động chạm tới lục phủ ngũ tạng của con trai”. Phong chuẩn bị những nhân ngọc đặt lên hai cái đĩa. Bàn kế bên, chị Hương (vợ Phong) đang chọn những con trai trưởng thành, to, khỏe để tách nhân tế bào tạo ngọc. Một chiếc kềm banh hẳn hai mảnh vỏ trai ra làm đôi. Vẫn chiếc kềm ấy, luồn khéo léo vào lớp thân trai ở vành ngoài cùng, vén nó lên và cắt lấy lớp rìa – chỗ tiếp giáp giữa lớp xà cừ (trên vỏ trai) và khu tạo ngọc. Chị Hương nhúng cái phần rìa vừa cắt ấy vào cốc nước thuốc đỏ (để khử trùng), rồi xắt thành những lát nhỏ xíu, sắp thành một dãy dài trên những thớt đá mài hình chữ nhật nhỏ bằng lòng bàn tay. Cùng với nhân tạo ngọc, những lát cắt trai nhúng thuốc đỏ ấy được đưa vào trong khoang bụng tạo ngọc của trai. 3 – 4 ngày sau, lát cắt ấy sẽ tan chảy ra, bao bọc lấy hạt nhân tạo ngọc. Tất cả các thao tác, công việc rạch ròi như một băng chuyền. Những thớt nhân tế bào của Hương được chuyển cho Phong – Quyến cấy ngọc.
Lũ trai đã banh miệng lần lượt đưa lên giá đỡ inox. Miệng trai mở ra một khe hẹp đủ để luồn vừa con dao rạch và cái kềm kẹp nhân. Một tay Quyến dùng dụng cụ vén lớp chân trai để lộ khoang bụng, rạch một khe nhỏ; tay kia gắp một lát cắt tế bào tạo ngọc, luồn vào trong khoang bụng vừa rạch. Tiếp đó, một nhân cấy ngọc được đưa vào đúng vị trí. Lớp chân trai được trả lại vị trí cũ, che cái khoang bụng vừa bị rạch. Chiếc kẹp được tháo ra. Chừng gần chục thao tác được làm chưa đầy nửa phút. “Phải làm nhanh, vì thời gian tối thiểu để trai cấy ngọc rời xa mặt nước là hơn một giờ đồng hồ!” – Quyến giải thích.
Bàn kế bên, Phong cũng sắp hoàn tất khay trai của mình. “Một buổi sáng, hai người làm được chừng 400 trai cấy ngọc. Nếu tính công điểm là chúng tớ vượt định mức!” – Phong cười phấn khởi.
Trung Kiên
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151
Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Các tin năm 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.