Nguồn tin: Báo Cà Mau, 14/10/2014
Ngày cập nhật:
16/10/2014
Nhiều hệ luỵ
Từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp toàn tỉnh Cà Mau không ngừng tăng, đạt gần 8.000 ha nhưng đa phần là ngoài vùng quy hoạch. Việc tăng diện tích ao nuôi tôm công nghiệp là tín hiệu đáng mừng nhưng việc phát triển ngoài quy hoạch hiện nay kéo theo nhiều hệ luỵ, nhất là quản lý môi trường, kiểm soát dịch bệnh và tôm giống.
Diện tích nuôi tôm công nghiệp tăng nhiều nhất thuộc các huyện Cái Nước, Phú Tân và Ðầm Dơi. Diện tích tăng, dịch bệnh cũng tăng theo. “Diện tích nuôi tôm công nghiệp ngoài quy hoạch tăng nhanh đã gây ra nhiều khó khăn trong quản lý dịch bệnh”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau Trương Minh Út đánh giá.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Tính từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp (NTCN) liên tiếp tăng nhanh, vượt gần 1.000 ha so với kế hoạch, đưa diện tích NTCN toàn tỉnh lên gần 8.000 ha. Cùng với đó, dịch bệnh cũng đang có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp. Tính đến nay đã có trên 635 ha tôm nuôi bị bệnh, trong đó chủ yếu là bệnh gan, tuỵ, đốm trắng và diện tích này có xu hướng tăng thêm.
Tình trạng nuôi tôm công nghiệp ngoài quy hoạch đang tìm ẩn nhiều nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh. (Trong ảnh: Thu hoạch tôm công nghiệp tại xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau).
Việc dự đoán diện tích tôm nhiễm bệnh sẽ tăng cao là hoàn toàn có cơ sở nếu chưa thể đổi mới cách thức tổ chức sản xuất và nhận thức của người dân. Sản xuất nhỏ lẻ, đa phần theo kinh nghiệm là một trong những yếu tố khiến dịch bệnh cứ tái bùng phát. Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật Nguyễn Văn Thước nhận định, khả năng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất của người dân hiện nay rất thấp. Mặc dù hằng năm các ngành chức năng tổ chức hàng trăm buổi tập huấn kỹ thuật nhưng người dân không áp dụng hoặc không biết áp dụng như thế nào vào sản xuất.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau Trương Minh Út chia sẻ, diện tích nuôi tôm công nghiệp ngoài quy hoạch phát triển nhanh gây ra quá nhiều khó khăn trong quản lý dịch bệnh. Nói là quản lý nhưng thực chất chủ yếu chỉ là khuyến cáo người dân nên phát triển trong vùng quy hoạch và chủ yếu cung cấp chlorine cho người dân xử lý khi có dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, lượng chlorine vẫn chưa thể đủ cung cấp cho người dân và chỉ mang tính chất hỗ trợ những hộ khi tôm bệnh có báo cáo chính quyền địa phương. Một thực tế phải thừa nhận là số hộ khi có tôm bệnh báo cáo với chính quyền địa phương chỉ là một phần rất nhỏ so với diện tích tôm bị bệnh.
Về hỗ trợ chlorine người nuôi trong vùng quy hoạch xử lý khi có bệnh, ông Trần Văn Của, Chủ tịch Hội Nuôi trồng thuỷ sản, cho rằng, nuôi tôm trong hay ngoài quy hoạch khi bị bệnh nếu không xử lý mà thải ra đều gây ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh. Bởi lẽ, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, hạ tầng chưa được đầu tư khép kín thì một hộ xả sẽ ảnh hưởng đến cả khu vực, cả vùng. Ô nhiễm môi trường và dịch bệnh hiện là vấn đề đáng lo ngại. Tỉnh ta đi sau nên phải rút kinh nghiệm tránh để xảy ra dịch lớn như 2 tỉnh lân cận Bạc Liêu và Sóc Trăng trong năm 2013.
Môi trường bị ô nhiễm khiến dịch bệnh lây lan luôn là mối đe doạ cho người nuôi tôm và ngành nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Trong khi chưa có giải pháp hữu hiệu để quản lý vấn đề môi trường thì tình trạng giống kém chất lượng lại đè nặng lên người nuôi tôm.
Nhận diện hiểm hoạ
Trại tôm nhỏ lẻ, công tác quản lý còn thiếu chặt chẽ… đã khiến con giống chưa đạt chất lượng đang là vấn đề đáng báo động. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 970 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống, với năng lực sản xuất hằng năm đạt khoảng 8 - 9 tỷ con giống. Tuy nhiên, số lượng này chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu trong tỉnh, số còn lại trên 11 tỷ con phải nhập tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi Ðỗ Thanh Hài cho rằng, nguồn tôm giống bố mẹ của tỉnh không chỉ đạt chất lượng mà số lượng cũng khá lớn (khoảng trên 150.000 tôm sú mẹ mỗi năm) được xuất bán cho các tỉnh ngoài. Nhưng người nuôi ở Cà Mau lại mua giống từ tỉnh miền Trung nhập về. Từ đó, người dân không chỉ phải chịu giá cao mà chất lượng và sự thích nghi của con giống chưa biết thế nào.
Theo kết quả kiểm tra mẫu tôm giống được xét nghiệm trong năm 2013, thì chất lượng con giống quả thật là vấn đề cần được quan tâm. Cụ thể, tỷ lệ xét nghiệm tôm giống nhiễm bệnh đốm trắng chiếm 9,3%, bệnh đầu vàng 18,74%, bệnh còi gần 55% trong số mẫu được lấy. Ðây là những bệnh đã hoành hành làm người nuôi tôm và ngành nuôi trồng thuỷ sản lo lắng thời gian qua, khiến không ít hộ phải rơi vào cảnh nợ nần.
Một vấn đề bất cập cần quan tâm đó là nguồn giống thẻ chân trắng. Ða phần diện tích tôm công nghiệp hiện nuôi đối tượng thẻ chân trắng, chiếm trên 70% diện tích. Nhưng toàn tỉnh chỉ mới xúc tiến xây dựng 2 trại đẻ giống thẻ chân trắng, tuy nhiên hiệu quả hoạt động thế nào thì vẫn chưa thể biết. Trong khi diện tích ngày càng tăng, nhu cầu mỗi lúc một nhiều, thì nguồn phát triển con giống như hiện nay sẽ khiến tình trạng thiếu hụt và giống kém chất lượng nhập tỉnh ngày một nhiều.
Môi trường, dịch bệnh, chất lượng con giống đang là rào cản cho sự phát triển tôm công nghiệp ở Cà Mau. Ðó là chưa đề cập đến những bất cập trong quản lý giá cả và chất lượng các mặt hàng thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản. Trên địa bàn tỉnh, hiện có gần 150 đại lý, cơ sở kinh doanh thức ăn, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong nuôi trồng thuỷ sản. Thời gian qua, lực lượng Thanh tra Sở NN&PTNT liên tục phát hiện nhiều trường hợp, nhiều đại lý kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và đã có hộ phải chịu cảnh "tiền mất tật mang" do mua phải hàng dỏm.
Từ những hạn chế trên, để nghề nuôi tôm công nghiệp không chỉ tăng về diện tích, sản lượng và bền vững cần phải có biện pháp đồng bộ từ nhiều phía./.
Nguyễn Phú
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151
Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Các tin năm 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.