Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 07/02/2014
Ngày cập nhật:
9/2/2014
Bây giờ, về làng biển Hải Ninh (huyện Quảng Ninh - Quảng Bình) cứ nghe xôn xao chuyện nuôi tôm trên cát. Ba năm trở lại đây, ai mất mùa cứ mất mùa, riêng người dân biển Hải Ninh nuôi tôm cứ thu nhập tiền tỷ đều. Người làng khẳng định: Nuôi tôm chẳng sợ thất bát nếu như được anh Dương lo cho về mặt kỹ thuật”. Gặp Dương, anh chỉ cười cười: “Có chi mô. Tui chỉ lấy cái nhân hòa, địa lợi mà làm thôi”.
Thu nhập từ nuôi tôm làm thay đổi vùng quê.
Người tiên phong và ước mơ cả làng thành tỷ phú
Vùng biển Hải Ninh vốn nghèo, cái nghèo đặc trưng của biển bãi ngang có từ thời lập làng. Dân biển ra khơi bằng bơ nan hay thuyền nhỏ nên thu nhập cũng bấp bệnh như con sóng vỗ bờ. Anh Ngô Văn Dương cũng như bạn bè trang lứa ở thôn Cừa Thôn (xã Hải Ninh) ra biển mưu sinh trên những con thuyền nhỏ. Ý thức được đi biển truyền thống may lắm cũng chỉ đủ ăn nên Dương quyết định lên bờ.
Dành dụm, vay vốn làm đủ nghề dịch vụ cho làng biển. Vài năm như vậy, Dương lại chuyển hướng “làm ăn lớn” bằng cách mua chiếc ô tô tải nhỏ vận chuyển tôm, cá, dầu đèn từ vùng này đi vùng khác. Khi chuyện nuôi tôm trên cát trở nên đại trà với những chuyện bi, hài của cái nghề “đánh bạc với trời” đã rầm rộ thì Dương vẫn ôm vô lăng chạy trên những con đường ven đồi cát.
Sau một thời gian suy nghĩ, với ý chí quyết tâm làm giàu cộng với sự nhạy bén nhiệt huyết của mình, Dương lại nảy sinh ý nghĩ đầu tư nuôi tôm. Lúc đầu, nghĩ mãi không ra nguồn vốn ban đầu từ đâu, trong khi đầu tư nuôi tôm cần vốn rất lớn. Sợ vợ không đồng ý, Dương nói vợ là bán xe để mua xe trọng tải lớn hơn và cầm mấy trăm triệu tiền bán xe để đầu tư nuôi tôm.
Ban đầu, chưa có được tẻo kiến thức, kinh nghiệm nào, Dương thuê người về làm kỹ thuật cho mình. Nhưng năm đầu cũng chỉ loay hoay với tôm bệnh, tôm chết nên vốn cứ nguy cơ teo tóp dần. “Tự mình làm thì mới thành công được”- Dương nghĩ vậy và bắt đầu từ năm 2011 dồn hết tâm huyết vào con tôm và những "chiêu" nuôi chẳng giống ai và cũng chẳng có giáo án nào về phương diện lý thuyết. Lý luận của Dương đưa ra thật đơn giản, nhà bẩn thì con cái hay ốm đau và cũng đồng nghĩa là nước hồ bị bẩn thì con tôm không thể khỏe được. Ao tôm của Dương được thay nước mỗi ngày. Hồ tôm được cải tạo có đáy hình lòng chảo nên khi thay nước các tạp chất, thức ăn thừa được đẩy ra hết.
Nhìn đám trẻ, đứa nào hiếu động suốt ngày thì ăn khỏe, càng ăn khỏe càng chóng lớn, đứa nào ít chạy nhảy thì ăn cứ như mèo ốm và còi cọc, Dương áp dụng luôn. Thay cho việc cho tôm nghỉ sau khi ăn như lý thuyết, Dương bật máy sục khí luôn để tôm vận động nhiều hơn. Kết quả thật bất ngờ, tôm ăn càng khỏe, thức ăn dư lại ít dần, tôm lớn vượt lên. Chỉ hai chuyện tưởng như đùa ấy đã mang lại kết quả là mấy hồ tôm của Dương ít bệnh và cho năng suất cao hẳn. Không dừng lại ở chuyện con tôm ít bệnh, ăn khỏe, chóng lớn, Dương tìm tòi và tăng dần mật độ con giống trên diện tích nuôi.
‘Đến bây giờ, mật độ nuôi đạt bao nhiêu”- tôi hỏi. Dương cười: “Về lý thuyết thì chẳng ai tin, mật độ trung bình người dân Hải Ninh thả từ 300-350 con/m3 nước (tức từ 70 vạn- 1 triệu con giống/ao có diện tích trên 3.000m2). Mật độ ở những nơi khác chỉ ở mức 60-100 con giống thôi”. “Thật khó tin”- tôi nhấn nhá. “Thì bác cứ tính cho em là sản lượng mỗi hồ nuôi cứ tăng dần lên từ 11 tấn lên 13 tấn lên 15 tấn, thậm chí có ao nuôi đạt kỷ lục trên 17 tấn là biết. Có thể nói đến lúc đó thì gạt tôm ra mới múc được nước”- Dương ví von trả lời câu hỏi nghi hoặc của tôi.
Cách lấy nước cho hồ tôm của Dương đưa ra cũng khác người. Thay cho cách lấy nước bơm từ biển vào, Dương đưa ống nước ra xa cách bờ chừng 30-40m, khoan xuống đáy biển ở độ sâu 3-4 m, rồi bơm vào. “Dù nước biển có thay đổi kiểu gì thì nước ở đáy sâu vẫn không bị ô nhiểm hay mang mầm bệnh, Đó là giải pháp an toàn cho nước nuôi tôm. Ngoài ra, cũng kiểm tra hàng ngày để biết độ PH, kiềm trong nước hồ để xử lý cho phù hợp”- Dương cho biết thêm.
Năm đầu tiên, chỉ vài hộ nuôi. Thấy Dương “đánh đâu thắng đó” hàng chục, rồi cả trăm hộ dân làng biển Hải Ninh “gác” nghề biển giã theo Dương nuôi tôm. “Tôi chẳng giấu nghề, sẵn lòng giúp đỡ mọi người để mong cả làng thành tỷ phú”- Dương bộc bạch.
Những câu chuyện ngoài “giáo trình”...
Ông Mai Đình Lừa, Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh (cũng là một trong những gia đình có tham gia nuôi tôm thẻ trên cát) cho hay: “Cả xã hiện có trên 150 hộ nuôi tôm. Hai năm gần đây, người nuôi ít khi thấy thất bát. Trung bình cứ 3 tháng thu hoạch thì mức lãi từ 1-1,5 tỷ đồng/hồ. Thậm chí có hồ đạt mức lãi đến 2 tỷ đồng. Nói chung về phương diện kỹ thuật nuôi thì mọi người nhất quán theo anh Dương và có nhiều cách để tránh thất bát”.
Bây giờ người dân biển Hải Ninh nói chuyện đều rành rẽ về “chiêu thức” nuôi tôm. “Bà con đều áp dụng nuôi theo kiểu “xăm lo” cả”- ông Lừa cho hay. “Xăm lo có nghĩa là cuốn chiếu. Chẳng hạn vài hộ gia đình cùng chung sức, chung vốn đầu tư nuôi 3 hồ. Không ai thả con giống cùng một lúc cả mà áp dụng thả giống hồ thứ nhất, chăm sóc kỹ lưỡng theo đúng bài bản. Sau một tháng sẽ thả tiếp hồ thứ hai và sau tháng nữa mới thả hồ thứ ba. Khi hồ thứ ba được tháng thì hồ thứ nhất thu hoạch”- ông Lừa lý giải.
Một góc làng biển Hải Ninh.
Cũng theo cách “lý luận” của bà con thì làm như vậy có được nhiều cái lợi. Đó là mức đầu tư vừa phải, có nhân lực để theo dõi, quản lý hồ; hoặc nếu con giống có bị nhiễm bệnh cũng dễ xử lý hơn. Với người nuôi tôm ở đây, khi tôm qua tháng thứ hai là đã yên tâm rồi. Vì tôm đã có sức nên khó bị mắc bệnh. Lúc này đã tính đến chuyện có lãi. Nếu có trục trặc gì thì xuất bán luôn. Chị Ngô Thị Linh có mấy hồ tôm chung nhau với anh em trong nhà kể lại: "Hôm đài báo bão số 11 sắp vô, tôm nhà tôi qua tháng thứ hai, vì sợ bão lớn không giữ được nên xuất bán lãi ít được khoảng 500 triệu đồng/hồ. Mấy gia đình bạo gan để lại sau một tháng xuất hồ, số lãi cứ trên tỷ bạc hết cả”.
Ông Phạm Văn Liệu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cũng khá am tường về nuôi tôm ở địa phương mình. “Cách xử lý hồ tôm nếu phát hiện bị bệnh là khá triệt để. Khi tôm bị nhiễm bệnh, sau vài lần điều trị nếu không hết thì cơ bản là xả luôn hồ chứ không chữa chạy gì hết. Sau đó, xử lý hồ đâu vào đó rồi thả giống tiếp”- ông Liệu nói. Cách tính toán của bà con cũng mổ xẻ để thấy cái được và cái mất.
“Thường là được”- ông Liệu nhấn mạnh- “Không tin vào đầu tư hồ, thì khi thả giống nuôi cho đến dưới tháng rưỡi thì chi phí các khoản hết chừng 200-300 triệu đồng/hồ, nếu lúc này xả hồ thì coi như lỗ chừng đó. Nếu xử lý tốt và tiếp tục thả nuôi sau hai tháng đã có thể cho lãi gần gấp hai lần con số thiệt hại. Nếu cứ duy trì hồ tôm và đầu tư thuốc men cứu tôm thì sau ba tháng thu hoạch có thể cho lãi không đáng kể vì chất lượng tôm không thể tốt được . Với cách làm này, bà con gặp phải chuyện rủi ro thiệt hại cũng không lớn và sau đó có thể nuôi ngay để “hoàn trả” thiệt hại trước đó”.
Cũng theo ông Liệu, những gia đình nuôi tôm ở đây đều có cách “pha chế” thức ăn cho tôm khá đặc biệt. Tùy theo từng ao tôm, chất lượng tôm mà bà con nấu các loại thảo dược như cây nhân trần, cam thảo, chuối... lấy nước trộn với thức ăn để tăng thêm sức đề kháng cho tôm, phòng chống bệnh gan, đường ruột. Nhiều gia đình còn trộn thêm mật ong, khoai lang khô nghiền bột hay vitamin, cốm canxi trẻ em. “Tỷ lệ pha trộn cũng phải có kinh nghiệm theo từng giai đoạn tôm phát triển hoặc theo mức độ thức ăn dư thừa quan sát dưới lòng hồ”- ông Liệu nói thêm.
Làng Hải Ninh bây giờ “rặt” đi thuê đất nơi khác làm hồ tôm. Hết đến vùng các xã ven biển của huyện lệ Thủy lại ra vùng biển huyện Bố Trạch hay ra tận Quảng Trạch. Dù tại các vùng đó, người dân địa phương đang như ngồi trên lửa vì sợ thất bát. Thấy người dân Hải Ninh cứ lặng lẽ làm, họ cũng nghi hoặc, “Được vụ cũng lỗ mất vốn rồi chạy mất dép thôi” - người dân làng Trung Trạch (Bố Trạch) nói vậy. Nhưng rồi, hàng chục hồ tôm ở Trung Trạch do người dân Hải Ninh nuôi cứ lặng lẽ thu lãi tiền tỷ mỗi hồ đã làm cho mọi người thay đổi cách suy nghĩ để đến học hỏi.
“Đã có cả nghìn người từ các tỉnh miền Trung tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, mỗi ao nuôi chưa thể có được giáo án nào phù hợp mà vấn đề người nuôi phải bám hồ, bám tôm hàng ngày để biết diễn biến, biết xử lý linh hoạt từng vấn đề cụ thể chứ khó có mẫu áp dụng chung”- Dương chia sẻ.
Vào dịp trước Tết Giáp Ngọ, cả trăm hộ gia đình nuôi tôm ở Hải Ninh có vụ thu hoạch khá bộn. Tôm đạt năng suất cao, giá thu mua cao nên hồ nào cũng có lãi trên tỷ đồng. “Điều bà con mong muốn nhất là có được quy hoạch vùng nuôi tôm ngay trên mảnh đất làng mình để yên tâm đầu tư, yên tâm làm ăn lớn và làm giàu chính trên quê hương mình”- ông Mai Đình Lừa - Bí thư Đảng ủy xã nói như nhắn nhủ.
Hoàng Hà
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151
Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Các tin năm 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.