• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kim Đông (Ninh Bình): Giàu lên từ nuôi trồng thủy sản

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 17/11/2014
Ngày cập nhật: 19/11/2014

Là huyện có chiều dài bờ biển trên 15km, Kim Sơn có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, nhất là nghề nuôi trồng thủy sản. Nhờ phát triển nghề nuôi thủy sản mà đời sống của người dân nơi đây đã được cải thiện đáng kể, bộ mặt nông thôn mới ngày càng hiện ra rõ nét. Đặc biệt, những năm gần đây Kim Đông (Kim Sơn - Ninh Bình) đã bứt phá vươn lên mạnh mẽ để trở thành một trong 2 xã của huyện về đích nông thôn mới vào cuối năm 2014.

Thu mua thủy sản tại chợ đầu mối Kim Đông (Kim Sơn, Ninh Bình). Ảnh: Đinh Minh

Sự khởi đầu gian khó

Từ trung tâm huyện, theo đường 481 qua các xã Định Hóa, Văn Hải, Kim Mỹ… chúng tôi về thăm Kim Đông-một xã ven biển của huyện Kim Sơn. Thật lòng, lâu rồi mới có dịp trở lại nên sự đổi thay của vùng quê này khiến tôi ngạc nhiên đến thú vị. Đường bê tông thẳng tắp, hai bên đường dịch vụ thương mại phát triển, nhà xây 2 - 3 tầng mọc lên san sát. Chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, xóm được xây dựng khang trang.

Trong câu chuyện với các anh trong Ban quản lý HTX Dịch vụ nông nghiệp và thủy sản Kim Đông, chúng tôi mới thấu hiểu những khó khăn cũng như ý chí, nghị lực, tinh thần dám nghĩ, dám làm của người dân nơi đây. Trước năm 2000 Kim Đông được biết là một vùng kinh tế mới đặc biệt khó khăn, dân cư thưa thớt, hầu hết là các hộ dân đến từ nơi khác. Nhiều gia đình đời sống vô cùng khó khăn, đông con, thiếu ăn, sự học trở thành chuyện xa vời…

Những năm đầu, ngoài trồng 1 vụ lúa để lấy cái ăn, người dân Kim Đông bắt đầu đào mương, đắp bờ, hình thành nên những ao, đầm thả tôm, cá. Vốn ít, kinh nghiệm chưa có, lại bị tác động nhiều của thiên nhiên nên lời lãi thu được chẳng đáng là bao, số hộ nghèo luôn thuộc tốp cao của huyện… Thế nhưng, do nhìn thấy tiềm năng của vùng đất này, cộng với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và địa phương, người dân Kim Đông đã có thêm niềm tin và nghị lực quyết tâm làm giàu trên vùng bãi bồi ven biển.

Năm 2005, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển kinh tế ven biển, đây được coi như một dấu mốc quan trọng đối với vùng ven biển Kim Sơn nói chung và xã Kim Đông nói riêng. Cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi được đầu tư, xây dựng. Các ngành, các cấp đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thủy sản. Nhân dân trong vùng nuôi thủy sản cũng được tiếp cận nhiều hơn với KHKT, tích lũy được vốn, được kinh nghiệm để mở mang sản xuất, nâng giá trị trên 1 ha nuôi trồng.

Cũng từ đây, Kim Đông chuyển hoàn toàn diện tích cấy lúa sang nuôi trồng thủy sản. Ông Phạm Văn Chiêu, thành viên trong Ban quản lý HTX Dịch vụ nông nghiệp và thủy sản Kim Đông cho biết: Ngày đầu mới làm, cứ gặp dịch bệnh, tôm chết là nhiều người bỏ đầm, coi như năm đó thất bại, nhưng giờ đây người dân đã có kiến thức và nhiều kinh nghiệm hơn, họ chủ động phối hợp với cán bộ kỹ thuật của HTX và ngành chức năng để kiểm tra nguồn nước, môi trường nuôi, phát hiện kịp thời hiện tượng lạ để có biện pháp xử lý hiệu quả. Mỗi năm, Kim Đông tổ chức khoảng 5 - 6 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho các hộ nuôi về kỹ thuật ương giống, cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho con nuôi; cách cải tạo ao đầm... Các dịch vụ từ chỉ đạo, điều hành sản xuất, con giống, điều tiết thủy lợi đều do HTX làm và đã đi vào nề nếp, được nhân dân ghi nhận.

Đất trả công người

Kim Đông hiện có 1.057 hộ, 4.541 khẩu, trong đó gần 48% dân số là đồng bào có đạo. Những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản được coi là nghề mũi nhọn làm “đổi đời” hàng trăm gia đình ở vùng quê này. Toàn xã có 771 hộ nuôi trồng thủy sản (trong đó có 37 hộ nuôi theo hình thức công nghiệp, trên diện tích nuôi là 31 ha), số còn lại là làm dịch vụ, ngành nghề.

Ông Trần Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã cho chúng tôi biết: Mấy năm gần đây dù tình hình thời tiết, dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến việc nuôi trồng thủy sản nhưng nhìn chung kinh tế trên địa bàn vẫn phát triển. Năm 2014, Kim Đông thu hoạch 72 tấn tôm sú, 65 tấn tôm thẻ, 68 tấn cua, 64 tấn cá tạp, trên 100 tấn rau câu (chưa kể sản lượng nuôi ngao ngoài đê và sản lượng đánh bắt tự nhiên).

Với giá bán trên thị trường khoảng 190 - 200 nghìn/kg tôm; 170 nghìn/kg cua, giá trị kinh tế mà bà con thu được tương đối khá. Hiện, Kim Đông đã đạt giá trị sản xuất 100 triệu đồng/ha. Năm 2014, tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn ước đạt 20.900 tấn, tăng 4,4 nghìn tấn so với năm 2013. Nghề nuôi trồng thủy sản được phân bố ở nhiều xã trong huyện, song nhiều nhất và tập trung nhất là ở các xã bãi ngang như Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung…

Về Kim Đông hôm nay tìm những gia đình đạt thu nhập 100 triệu đồng trở lên/năm chắc không khó. Điển hình như gia đình ông Bùi Ngọc Đam, xóm 1, nuôi theo phương pháp công nghiệp trên diện tích hơn 1 mẫu; ông Bùi Văn Ninh, xóm 2 nuôi khoảng chục mẫu; ông Phạm Văn Thảo, Lưu Văn Ngân, xóm 5; Ông Vũ Văn Ngân, Lã Văn Thiên, xóm 3, nuôi từ 3 - 4 mẫu… Gia đình ông Phạm Văn Chiêm (Ban quản lý HTX) chỉ có 1,5 mẫu ao đầm, nuôi theo hình thức quảng canh nhưng mấy năm nay đều đạt thu nhập trên 60 triệu đồng/năm. Ông chia sẻ: Khi đã có kiến thức, có kinh nghiệm thì việc nuôi thủy sản không khó, quá vất vả, so với trồng lúa hiệu quả hơn hàng chục lần.

Kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người ở Kim Đông đạt 26,4 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,1% (năm 2013) xuống còn 3,78% năm 2014; hộ khá, giàu chiếm khoảng 50%. Thời gian tới, ngoài các con nuôi chính là tôm sú, tôm thẻ, cua xanh, Kim Đông sẽ triển khai cho các hộ nuôi thêm cá bống bớp, cá đối mục để đa dạng sản phẩm. Đồng thời quản lý, khai thác hiệu quả chợ đầu mối Kim Đông nhằm tăng cường giao thương với các vùng, miền, giải quyết tốt khâu tiêu thụ cho người nuôi trồng thủy sản…

Tuy nhiên, để nghề nuôi trồng thủy sản ở Kim Đông phát triển mạnh và bền vững hơn nữa, rất cần có sự chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của các cấp, các ngành, hình thành sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Tiếp đó là việc giải quyết nhu cầu vay vốn sản xuất cho các hộ nuôi, có cơ chế hỗ trợ khi sản xuất gặp rủi ro; hệ thống thủy lợi cũng cần được nâng cấp, đảm bảo liên hoàn, hạn chế tối đa ảnh hưởng của môi trường đối với nguồn nước, đảm bảo sự sinh trưởng, phát triển của thủy sản, tránh rủi ro cho người nuôi.

Hà Trang

Các tin mới

[31/12/2014]

[31/12/2014]

[31/12/2014]

[31/12/2014]

[31/12/2014]

[30/12/2014]

[30/12/2014]

[30/12/2014]

[30/12/2014]

[30/12/2014]

[30/12/2014]

[30/12/2014]

[29/12/2014]

[29/12/2014]

[29/12/2014]

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

Các tin năm 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang