Nguồn tin: Long An, 27/11/2014
Ngày cập nhật:
28/11/2014
Người nuôi tôm khu vực vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành phấn khởi khi được biết kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa VIII sắp diễn ra sẽ thông qua tờ trình về chính sách hỗ trợ đầu tư ao lắng trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Long An. Nếu chính sách hỗ trợ này được chấp thuận sẽ giúp người nuôi tôm có thêm điều kiện ổn định sản xuất, góp phần tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống gia đình.
Người nuôi tôm phấn khởi
Khi biết có chính sách hỗ trợ đầu tư ao lắng trong nuôi tôm nước lợ, ông Nguyễn Thành Tự, ở xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc rất vui mừng. Cuộc sống của gia đình ông Tự nhiều năm qua chủ yếu dựa vào con tôm, tuy nhiên cũng bao phen điêu đứng vì tôm bị bệnh đốm trắng, taura, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính... Ông Tự kể, từ khi chuyển từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm đến nay, chỉ có một, hai năm là có lãi nhiều, đa số là huề vốn hoặc dư chút đỉnh đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Hiện nay, sau khi nghe tỉnh sẽ có chủ trương hỗ trợ người dân trong nuôi tôm nước lợ, ông rất phấn khởi vì đã có thêm cơ hội sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình.
Cùng tâm trạng với ông Nguyễn Thành Tự là ông Nguyễn Văn Rẽ, ngụ xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước - người đầu tiên thành công với con tôm sú ở vùng cù lao này. Lúc mới chuyển từ trồng cây ăn trái sang nuôi tôm, năm nào gia đình ông cũng thu lãi nhiều, thậm chí có năm lãi gần 50 triệu đồng/vụ. Nhờ đó, gia đình có điều kiện xây dựng cơ ngơi khang trang. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nghề nuôi tôm không còn thuận lợi như trước nữa, bởi thường xuyên bị lỗ. "Chắc có lẽ nuôi lâu nên nguồn nước bị ô nhiễm, vì vậy, tôi đã đi tham quan học tập kinh nghiệm nhiều nơi và được hướng dẫn muốn cải thiện môi trường nuôi tôm nước lợ thì phải đầu tư thêm ao lắng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện đầu tư. Do vậy, nghe sắp có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tôi và người dân nơi đây rất mừng"- ông Nguyễn Văn Rẽ phấn khởi cho biết.
Chủ trương đúng đắn
Toàn tỉnh có khoảng 6.000ha nuôi tôm nước lợ, chẳng ai phủ định rằng thời gian đầu, phần lớn người nuôi tôm đều thu lại lợi nhuận cao, cải thiện được kinh tế gia đình. Tuy nhiên, người nuôi tôm nước lợ hiện đang đối mặt với nhiều rủi ro về dịch bệnh. Theo thống kê mới đây của ngành Nông nghiệp tỉnh, hằng năm, có khoảng từ 20 - 30% diện tích nuôi tôm nước lợ phải thu hoạch sớm do dịch bệnh, gây thiệt hại từ 40 đến 50 tỉ đồng/năm. Nguyên nhân chủ yếu do sản xuất nông hộ với quy mô nhỏ (0,3 - 0,5 ha/hộ) nên người nuôi không có đủ điều kiện đầu tư ao lắng để xử lý nước mà cấp trực tiếp nguồn nước từ các sông, rạch tự nhiên chứa nhiều mầm bệnh, ảnh hưởng đến tôm nuôi. Khi tôm nuôi bị chết, đa số người dân không xử lý nước diệt mầm bệnh ao nuôi mà xả thải trực tiếp ra ngoài các sông, rạch, làm lây lan dịch bệnh trên diện rộng.
Theo tờ trình về chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh, đối tượng được áp dụng chương trình này phải là tổ hợp tác, hợp tác xã đầu tư xây dựng ao lắng phục vụ nuôi tôm nước lợ trên địa bàn các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành và Tân Trụ. Để được hỗ trợ, tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng ao lắng phải bảo đảm diện tích từ 15% trở lên so với tổng diện tích mặt nước nuôi tôm; thiết kế ao lắng phải đúng yêu cầu kỹ thuật, độ sâu, thuận lợi trong cấp và thoát nước bảo đảm đủ lượng nước cho ao nuôi. Mức hỗ trợ của chương trình được tính như sau: Trường hợp đầu tư xây dựng ao lắng mới sẽ được hỗ trợ 40% chi phí nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 70 triệu đồng/ha ao lắng; trường hợp cải tạo trên nền ao đã có sẵn để làm ao lắng sẽ được hỗ trợ 40% chi phí nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 35 triệu đồng/ha ao lắng. Phần riêng chi phí đầu tư xây dựng ao lắng còn lại do tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm tự góp vốn. Dự kiến, kinh phí hỗ trợ từ năm 2015 đến 2017 khoảng 8 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh và sẽ được phân bổ hằng năm theo lộ trình cụ thể.
Để hạn chế dịch bệnh gây thiệt hại và từng bước ổn định trong việc nuôi tôm nước lợ thì người nuôi rất cần sự hỗ trợ đầu tư xây dựng ao lắng vào thời điểm hiện nay. Do đó, việc hỗ trợ đầu tư ao lắng trong nuôi tôm nước lợ của tỉnh là chính sách đúng đắn, giúp người nuôi tôm đạt hiệu quả cao hơn.
Hữu Bằng
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151
Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Các tin năm 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.